Thấu hiểu rõ điều đó nên hơn nửa thế kỷ qua, ông Quảng Văn Đại (thôn Chất Thường, Phước Hậu, Ninh Phước, Ninh Thuận) dốc cạn sức lực, tiền của sưu tầm, gìn giữ kho thư tịch đồ sộ và còn cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2 TP.Hồ Chí Minh mượn để tu bổ, sao chụp để bảo quản.
Nhà nghiên cứu… tự họcNgoài 80 tuổi, nhưng 55 năm nay, không kể ngày đêm ông Quảng Văn Đại cứ thế miệt mài đi khắp các mảnh đất miền Trung sưu tầm thư tịch. Có nhiều đợt, ròng rã mấy tháng trời ông Đại rời nhà đi ghi chép, nghiên cứu, sưu tầm. Sưu tầm xong ông tự dịch ra chữ Quốc ngữ để tất cả mọi người có thể thưởng thức.
Ánh mắt ẩn chứa mênh mông khát vọng, ông tâm sự: Cũng may gia tộc không phản đối, vợ con ủng hội tuyệt đối cho tôi làm việc này. Dân tộc Chăm chủ yếu sinh sống dọc dài trên dải đất miền Trung.
Từ xa xưa, tất cả các phong tục, các nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng… hiện hữu trong cuộc sống, lao động, sản xuất đều được những người có chức sắc trong các làng người Chăm ghi chép cẩn thận, chi tiết trên lá buông, giấy dó, giấy quyển.
Các chất liệu này do không được bảo quản tốt, không có sức bền nên ngày càng mục nát thế nên tôi phải lưu giữ lại để góp phần vào sự phong phú của nền văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam cả trong hiện tại và tương lai.
Có những đêm mải mê dịch thư tịch mà kiệt sức gục xuống ngủ cả trên bàn nhưng nghĩ đến sự hữu hạn của thời gian ông Đại lại bật dậy. Ông Đại giãi bầy rằng; Bây giờ được người ta cho các bàn cũ, cái máy tính cũ nên dịch đến đâu, đánh máy ra đến đó. Người Chăm dịch được các thư tịch này ra chữ Quốc ngữ hầu như chẳng còn ai nếu tôi dịch không kịp mà mất đi thì hậu bối sau này sẽ không lần ra được nhiều ký tự Chăm cổ.
Xác định giá trị tinh thần cao nên ông Đại cẩn thận viết bằng tay, rồi đánh máy sau đó còn hệ thống thành những cuốn bản thảo đồ sộ hàng ngàn trang in. Những cuốn thư tịch cổ song ngữ chữ Chăm và chữ Việt ấy ông Đại lại tiếp tục hệ thống phân chia khoa học rõ ràng từng phần riêng biệt như: văn hóa, lễ lạt, cúng tế, tín ngưỡng, văn hóa hôn nhân, văn hóa chào hỏi…
Hồi khứ lại những năm tháng tuổi trẻ, ông Đại tâm tình rằng: Nhiều nét đẹp đang phai phôi dần. Xưa, trong quy ước người Chăm ai ăn trộm sẽ bị phạt đứng giữa cộng đồng thề thay đổi tính nết. Ai mang tâm địa xấu xa hãm hại người khác thì bị bêu tên trước các làng. Người nhỏ gặp người lớn, người chức sắc thì cúi chào từ khoảng cách 5m. Người này thấy người khác hoạn nạn giữa đường mà không cứu giúp sẽ phải tự giam mình sám hối cả tuần. Những quy ước đẹp này đều ghi rõ trong thư tịch cổ nên mình phải giữ lại để đời sau khôi phục và phát huy.
Như chạy đua với thời gian, ông Đại dựng một gian phòng nhỏ, bằng tôn ăn ngủ luôn cùng các tài liệu và thư tịch Chăm để tức tốc dịch. Ông cho biết: Nhiều nét đẹp người Chăm rất tương đồng với các dân tộc khác của người Việt như nghi lễ; Mbai padaong (nghi lễ cúng gia tiên), Ew Nisei bilan (nghi lễ cúng các vị thổ địa)… Nhiều nghi lễ, phong tục mang đậm nét đẹp người Chăm như: Lễ Ew praok (Lễ cúng các vị thần được người Chăm yêu quý), Mbai paraong kaok thun (lễ cầu an, cầu phúc), nghi lễ Yuer yang (nghi lễ trọng đại, quy mô xin mở cửa các tháp cổ cho mọi người vào thăm quan)… Với ông Đại cũng như nhiều người nghiên cứu Chăm khác thư tịch cổ cũng như có linh hồn, đó là biểu tượng cao đẹp, linh thiêng và đầy tính bác học.
Truyền đi những điều cao đẹpTự túc tất cả mọi thứ, sau nửa thế kỷ nghiên cứu, dịch thư tịch từ giấy dó, giấy quyển, ông Quảng Văn Đại mong mỏi các nhà xuất bản sẽ xuất bản hàng chục ngàn trang bản thảo của ông. “Hiện tại nhà xuất bản dân tộc cũng đã nhận xuất bản vài cuốn về nét đẹp người Chăm, tín ngưỡng người Chăm do tôi biên soạn, dịch từ thư tịch cổ sang tiếng Việt. Nhưng còn rất nhiều bản thảo quý khác. Nếu tôi có mất đi thì các tài liệu này cũng xin được hiến vào các trung tâm bảo tồn, nghiên cứu thôi”, ông Đại chia sẻ tâm tư của mình.
Để nhiều tư liệu quý được dịch và phân tích đầy đủ, dưới sự giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận, ông Đại gửi 45 quyển thư tịch cổ Chăm, gồm 2.424 trang cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II bồi nền, số hóa, phục chế. Sau khi hoàn tất, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm đã giữ lại một bản sao còn bàn giao bản chính đã phục chế cho ông Đại.
Xưa nay, người Chăm chủ yếu bảo quản thủ công bằng cách treo lên gác bếp, phơi nắng… nên “sức khỏe” của các thư tịch giảm sút nghiêm trọng. Nếu mất đi cuốn thư tịch nào nghĩa là mất thêm một kho tàng quý giá. Nhiều người nghiên cứu các đề tài khoa học mà chỉ dựa vào tư liệu điền dã là hoàn toàn không có tính chính xác cao. Thế nên càng cấp thiết phải bảo tồn, biên dịch các thư tịch này ra chữ Quốc ngữ. Và, những nhà nghiên cứu như ông Đại chính là kho tàng sống động về các nét đẹp này.
Đến đầu tháng 3/2018 này, sau những giờ làm việc mệt nhọc với bản thảo, ông Đại vẫn gắng sức đến các bản làng nói chuyện về vẻ đẹp văn hóa dân tộc Chăm về những nghi lễ truyền thống như là cách truyền đi những điều cao đẹp.
Nhiều người biết đến kho thư tịch cổ của ông Đại, trong đó có cả những nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên văn hóa từ nhiều vùng miền của đất nước tìm đến ông đều sẵn lòng cung cấp, hướng dẫn tận tình bất cứ điều gì khi được yêu cầu.
Trong các hạng mục của thư tịch cổ, bên cạnh các mục văn hóa, nghi lễ, chúng tôi thấy ông Đại rất ấn tượng với những quy ước giữ gìn sức khỏe và kiến thiết cuộc sống. Ông bảo: Không phải mình già rồi là cổ hủ mà phải bắt nhịp với cuộc sống. Trong thư tịch có nhiều cách ví von về lòng chăm chỉ và tinh thần kiến thiết cuộc sống như; Người Chăm cái bụng thật thà/ Nếu không chăm chỉ thì là không no/ Người Chăm từ trẻ đến già/ Bắt tay xây dựng cửa nhà khang trang… Những câu ca này ông Đại vẫn thường đọc cho lớp trẻ nhẩm thuộc với một ý nghĩ thiết thực rằng; Kiến thiết gia đình, quê hương giàu đẹp thì đất nước cũng sẽ giàu đẹp lên.
Không chỉ đam mê thư tịch, ông Đại còn miệt mài tuyên truyền người dân từ bỏ cái hủ tục, các thói quen không tốt trong cuộc sống thường nhật. Ông Đại chia sẻ rằng: Trước đây nhiều thanh niên đua nhau uống rượu và đánh lộn rồi tảo hôn, đẻ nhiều. Là người chức sắc ở địa phương lại được nhiều người nể trọng nên tôi khuyên nhủ bằng được người dân dần thay đổi các thói quen không tốt này. Còn sống, còn sức khỏe ngày nào thì phải nghĩ đến việc giữ những nét đẹp cả trong sách vở, thư tịch lẫn cuộc sống hằng ngày.
HÀ VĂN ĐẠO