Ngay sau khi xuất bản và ra mắt cuốn sách, nhiều cán bộ, đảng viên, trí thức và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã theo dõi và bày tỏ niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhận thức đúng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đề cập đến nội dung cuốn sách, bà Lê Thị Dĩnh, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, cho rằng cuốn sách như một cẩm nang về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cuốn sách cho thấy sự thống nhất giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ bằng hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bí thư Chi bộ thôn Xuân Nộn cho biết, qua theo dõi thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, chỉ đạo, đã đạt được những kết quả tích cực, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tuyệt đại đa số ý kiến của người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bí thư Chi bộ thôn Xuân Nộn bày tỏ đồng tình với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và với tinh thần "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây" như Bác Hồ đã từng chỉ dạy, điều đó thể hiện bản lĩnh vững vàng, sự nghiêm minh của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Xuân Nộn Lê Thị Dĩnh, để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hôi… cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực. Thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cần xây dựng cơ chế bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người tích cực, dũng cảm phát giác, đấu tranh chống tham nhũng...
Vận dụng hiệu quả vào thực tiễn
Chia sẻ cảm nhận về cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh (40 năm tuổi Đảng, giáo viên nghỉ hưu, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) cho biết, cuốn sách được xuất bản và ra mắt là sự kiện rất quan trọng và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn. Nội dung cuốn sách khẳng định vai trò to lớn của nhân dân; chính sự đồng tình, ủng hộ cũng như những mong muốn, đòi hỏi của nhân dân là động lực thôi thúc để người đứng đầu Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đáp lại điều mong muốn này của Nhân dân, Tổng Bí thư đã có những trả lời rõ ràng trong các bài viết, kết luận và luôn khẳng định chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả đã đạt được, mà phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải được thực hiện bài bản để đưa cuộc đấu tranh này đi vào chiều sâu, có bước phát triển mới cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh bày tỏ, cuốn sách cũng có những bài viết của Tổng Bí thư khi còn rất trẻ như: "Bệnh sợ trách nhiệm", "Của công, của riêng"... trong đó thể hiện rất rõ sự trăn trở, suy nghĩ và tỏ rõ thái độ lên án, phê phán những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên. Khi ở cương vị người đứng đầu Đảng, quan điểm của Tổng Bí thư càng thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, nội dung cuốn sách cần được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tuyên truyền, quán triệt trong cán bộ, đảng viên và người dân ở địa phương, đơn vị mình để hiểu, nhận thức sâu sắc, đầy đủ, từ đó vận dụng vào thực tiễn.
Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt kết quả tích cực, bà Nguyễn Thị Hoài Thanh cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết; trung thực.
Cán bộ phòng, chống tham nhũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện xách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp cần nhanh chóng, xử lý kịp thời và thay thế, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy đảng cần chú trọng thông tin, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh tin tưởng, thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, chắc chắn rằng, công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được đẩy lùi, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phát triển, phồn vinh và hạnh phúc