Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài DTTS và miền núi năm 2018: Tìm tòi, phát hiện những nhân tài mới

PV - 14:48, 13/07/2018

Sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài DTTS, miền núi năm 2018, nhiều độc giả đã thể hiện sự quan tâm và gửi những thắc mắc xoay quanh Cuộc thi về Ban Tổ chức (BTC). Nhằm làm rõ những thông tin về Cuộc thi, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Nông Quốc Bình, thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi.

Thưa Nhạc sĩ, xin ông cho biết rõ hơn về mục đích của Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài DTTS, miền núi?

Đây là Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên tập trung vào các nghệ sĩ, nhạc sĩ là người DTTS. Cuộc thi là một sự trải nghiệm, qua đó để tìm tòi, phát hiện những nhân tài mới là người DTTS để đào tạo, bồi dưỡng bổ sung vào lực lượng nhạc sĩ DTTS; đồng thời thúc đẩy phong trào sáng tác ca khúc về đề tài miền núi, DTTS, qua đó, tạo đà cho những cuộc thi sáng tác tiếp theo được tổ chức công phu hơn, hoành tráng hơn với quy mô đối tượng rộng lớn hơn.

nhạc sĩ Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi.

Cũng phải nói thêm là, hiện đội ngũ nhạc sĩ người DTTS hầu hết đã cao tuổi, trong khi lớp trẻ chưa được bổ sung. Chính vì vậy, Cuộc thi này là một trong những cách để người lớn tuổi hơn, kinh nghiệm hơn động viên thế hệ sau góp tài năng vào việc phát huy, phát triển tác phẩm về đề tài DTTS, miền núi. Đây cũng là diễn đàn để các nghệ sĩ, nhạc sĩ là người DTTS khắp cả nước có cơ hội tri ân, thể hiện khả năng và những sáng tác của mình.

Nhạc sĩ có những kỳ vọng gì về chất lượng của Cuộc thi?

Các nghệ sĩ, nhạc sĩ người DTTS tham gia Cuộc thi chắc chắn sẽ có 2 nhóm: chuyên và không chuyên. Thực ra, nói đến vấn đề “chuyên” và “không chuyên” thì ranh giới giữa hai đối tượng này cũng không phải rạch ròi lắm.

Bởi vì đối tượng chuyên nghiệp thì họ đã có những hiểu biết, kinh nghiệm khá lâu trong thời gian làm nghệ thuật âm nhạc của mình. Với đối tượng không chuyên, họ là người sống ở những môi trường, những địa bàn mà họ đã quá hiểu về dân tộc mình, về địa bàn của mình, về vùng văn hóa dân tộc mình. Vì thế, bản thân họ sẽ dễ dàng có những cảm hứng, những cảm xúc và có những sáng tác xuất phát từ tấm lòng với dân tộc mình cũng như đối với các vùng xung quanh.

Vì vậy, khi đã tham gia Cuộc thi chúng tôi tin rằng, đó là những đối tượng thật sự có đam mê nghệ thuật âm nhạc, có tình yêu dân tộc, quê hương, đất nước mặc dù kiến thức về lĩnh vực không được đào tạo nhưng điều đó sẽ không phải là lý do cản trở họ.

Một tác phẩm âm nhạc đạt giải chỉ có sức sống khi được phổ biến trong đời sống. Vậy, những tác phẩm đạt giải trong Cuộc thi này có được phổ biến rộng rãi hay không, thưa nhạc sĩ?

Phổ biến tác phẩm sau Cuộc thi sẽ có. Tuy nhiên, với bất kỳ một chương trình nào thì chắc chắn sẽ tồn tại những khiếm khuyết mà BTC không đáp ứng được hết tất cả, bởi vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Chúng ta biết rằng, để dàn dựng một tác phẩm âm nhạc phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi nhiều vấn đề như kinh phí, quá trình luyện tập,… do đó các nghệ sĩ sẽ lựa chọn một số tác phẩm nổi bật nhất để trình diễn. Còn những tác phẩm chưa dàn dựng được, chưa công bố được trong buổi lễ tổng kết thì sẽ được tuyên truyền rộng rãi bằng cách in ấn ra các ấn phẩm.

Hình thức chấm thi sẽ được thực hiện như thế nào và có những tiêu chí gì để quyết định một tác phẩm dự thi đạt yêu cầu, thưa nhạc sĩ?

Như đã thông tin, các bài dự thi sẽ được gửi về Ban Tổ chức dưới dạng khổ giấy A4 và bản thu CD Demo. Hội đồng chấm thi sẽ chấm theo hình thức rọc phách, không có tên tuổi của tác giả, chấm thi dựa trên chất lượng thực chất của bản nhạc đó. Do vậy, công tác chấm thi hoàn toàn mang tính công bằng, những hoạt động như quan hệ cá nhân sẽ không chi phối đến kết quả của Cuộc thi.

Về mặt tiêu chí, chúng tôi sẽ có một hội đồng có đủ năng lực và uy tín để thẩm định những tác phẩm đó. Bất cứ một cuộc thi nào cũng vậy, người ta đòi hỏi chất lượng âm nhạc, đề tài có phù hợp hay không, kỹ thuật viết như thế nào, chất lượng nghệ thuật ra sao,… đó là những tiêu chí cơ bản nhất.

Cảm ơn nhạc sĩ!

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.