Với chủ đề “Việt Nam của tôi”, cuộc thi sản xuất phim ngắn khuyến khích các nhà làm phim từ các cộng đồng ít được biết đến có thể kể những câu chuyện của Việt Nam thông qua lăng kính của họ. Hơn 200 tác phẩm dự thi từ các nhà làm phim đầy hoài bão trên khắp Việt Nam đã được gửi đến chương trình kể từ khi bắt đầu mở cổng đăng ký từ tháng 12/2021. Trong số đó, 9 dự án nổi bật đã được tuyển chọn từ Ban Giám khảo gồm đại diện Bộ VHTTDL cùng các chuyên gia, nhà làm phim có tiếng trong ngành điện ảnh nước nhà.
Mỗi dự án sẽ được trao tặng kinh phí sản xuất phim trị giá 230 triệu đồng từ Sáng kiến Quỹ "Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo Việt Nam”. Trong số 9 tác phẩm được chọn trao hỗ trợ, Ban tổ chức đã công bố 3 tác phẩm đạt giải cao nhất, ba thí sinh chiến thắng cuối cùng nhờ cách kể chuyện độc đáo và những cảnh quay ấn tượng về nền văn hóa giàu bản sắc của Việt Nam. Theo đó, các giải Nhất, Nhì, Ba lần lượt gọi tên Khu rừng của Páo của Nguyễn Phạm Thành Đạt; Vẹt con của Nguyễn Trần Ái Nhi và Đứng giữa lằn ranh của Phan Ngọc Thanh Ngân.
Bộ phim của Nguyễn Phạm Thành Đạt kể về câu chuyện của Páo - một chàng trai người H’Mông lấy vợ từ năm 14 tuổi. Năm 18 tuổi, cậu ấy biết yêu lần đầu tiên, lúc này cậu phải chọn lựa giữa tình yêu và trách nhiệm gia đình… Dự án được quay trong hơn một tháng tại Mộc Châu, Việt Nam và tất cả các diễn viên của phim đều là người dân tộc H'Mông.
Nguyễn Phạm Thành Đạt chia sẻ: "Tôi quyết định tham gia cuộc thi phim ngắn "Việt Nam của tôi" vì nó đến rất đúng thời điểm. Đó là thời điểm bạn tôi tên Phá tìm đến tôi và chia sẻ về cuộc sống cá nhân và gia đình, cũng như phong tục của cộng đồng người H’Mông và những cách thức mà Phá phải đối mặt… Được tiếp sức bởi Sáng kiến Quỹ Vẻ đẹp Điện ảnh - Kinh tế Sáng tạo Việt Nam của Netflix, cuộc thi là cơ hội rất tốt cho mọi nhà làm phim đến từ các cộng đồng ít được biết đến như tôi và các ứng cử viên khác. Nó mang đến cơ hội lớn cho các nhà làm phim trong cộng đồng LGBTQ+ và các nhóm dân tộc để mang tầm nhìn sáng tạo của họ vào cuộc sống", Thành Đạt nói thêm.
Bộ phim Vẹt con kể về Erik, một chàng trai người Đức sau khi gặp bác Thu, mẹ của Minh - bạn trai đã qua đời của Erik. Bác Thu muốn đem tro cốt của Minh về Việt Nam còn Erik thì chưa sẵn sàng với điều đó. Nguyễn Trần Ái Nhi cho biết bộ phim được lên ý tưởng từ đầu tháng 12/2021, giai đoạn tiền sản xuất bắt đầu khoảng giữa tháng 2 tới cuối tháng 3/2022. Thời gian quay là 4 ngày ở Berlin, Đức. Đội ngũ sản xuất bao gồm một nửa là người Việt và một nửa là người Đức. Ba ngôn ngữ được sử dụng trên trường quay là tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Đức. Đạo diễn giao tiếp cùng lúc bằng ba ngôn ngữ với đoàn làm phim và diễn viên.
Đứng giữa lằn ranh của Phan Ngọc Thanh Ngân kể về một người đàn ông cùng những người lạ quá giang bí ẩn trên hành trình đi taxi đến gặp gia đình. Phim được quay trong năm ngày tại Củ Chi, Việt Nam.
Bà Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đánh giá cao các dự án đã tham dự cuộc thi. “Tôi nhìn thấy trong các dự án vẻ đẹp lao động sáng tạo, nhiệt huyết và sự chuyên nghiệp của các tác giả. Sự phát hiện một cách tinh tế về đời sống, về con người Việt Nam ngày nay, về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam, tại nước ngoài, về những người yếu thế trong xã hội, về thiên nhiên, môi trường… của các tác giả tham dự cuộc thi chứng tỏ tình yêu đất nước, con người Việt Nam của các tác giả rất nhiều”.
Bà Amy Sawitta Lefevre, Trưởng bộ phận Đối ngoại của Netflix, APAC bày tỏ: “Chúng tôi rất vui mừng thông báo ba thí sinh chiến thắng của cuộc thi. Đây là những câu chuyện của những nhà làm phim tài năng Việt Nam, từ Việt Nam và về đất nước Việt Nam. Tôi cảm thấy rất tự hào khi xem những thước phim này và hiểu thêm về văn hóa, lịch sử phong phú của đất nước Việt Nam tuyệt đẹp. Đây cũng là minh chứng cho những câu chuyện đôi khi bị lãng quên hoặc vẫn chưa được khai thác, đồng thời giúp chúng ta hiểu và thực sự ủng hộ những nhà làm phim từ các cộng đồng ít được biết đến. Việc này cũng giúp chúng ta hiểu rằng việc thực sự hỗ trợ những nhà làm phim ít được biết đến là một bước quan trọng để tiến tới sự đa dạng và hòa nhập của những người đứng trước và sau máy quay”./.