Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cuộc sống mới ở khu tái định cư Húc Nghì

PV - 14:19, 26/10/2018

Năm 2010, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã phải hứng chịu trận thiên tai khủng khiếp do lũ quét. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, ngày nay Húc Nghì đã vươn lên mạnh mẽ.

Húc Nghì Cơ sở hạ tầng, trường học được xây dựng khang trang ở khu tái định cư Húc Nghì.

Qua rồi những nỗi lo

Về khu tái định cư (TĐC) xã Húc Nghì lần này được chứng kiến nhiều đổi thay. Từ khi chiếc cầu bắc qua con sông Đakrông đã tạo nên những bước đột phá về cuộc sống cho người dân nơi đây.

Ông Hồ Liên là người chứng kiến những thăng trầm của người dân khu tái định cư Húc Nghì tâm sự: Nếu không có chiếc cầu bắc qua sông chắc có lẽ người dân Húc Nghì vẫn mãi sống trong nghèo nàn lạc hậu. Thế nhưng từ khi có chiếc cầu, giao thông thuân lợi người dân bắt đầu biết phát huy lợi thế để làm ăn. Nhà trồng sắn, nhà trồng ngô kết hợp chăn nuôi có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vào kinh doanh... vì thế đã làm cho diện mạo bản làng thay đổi. Điều dễ nhận thấy đó là tư duy sản xuất của bà con Vân Kiều nơi đây đã thay đổi, trong cách nghĩ, cách làm đều được người dân tính toán kỹ lưỡng. Theo ông Liên thì cuộc sống người dân khu TĐC thay đổi trước hết cũng nhờ chính quyền các cấp quan tâm và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và đất sản xuất để người dân có sinh kế làm ăn…

Cùng chung suy nghĩ, anh Hồ Văn Cua chia sẻ: “Trước kia sống tại nơi ở cũ gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do không có đất sản xuất. Hàng năm vào mùa mưa lũ lại nơm nớp lo lũ lụt về cuốn trôi đồ đạc, nhà cửa. Về nơi ở mới, tôi được Nhà nước cấp đất ở, đất sản xuất, được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy mà nay tôi đã có 2ha keo lai và 1ha lúa rẫy...”

Được biết, ngôi nhà sàn kiên cố của gia đình anh Cua đang ở được hoàn thành từ sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua dự án di dân tái định cư khẩn cấp tránh lũ Húc Nghì. Gia đình anh cũng được cấp 400m2 đất ở, được hỗ trợ 20 triệu đồng. Sau thời gian về nơi ở mới, cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định.

Cách nhà anh Cua không xa, gia đình anh Hồ Văn Thiểu cũng là hộ dân di dời vào cùng đợt với anh Cua cho biết: Chuyển về nơi ở mới không còn phải lo lắng bão lũ nên gia đình tôi rất yên tâm sinh sống và ổn định sản xuất. Khu tái định cư tránh lũ khẩn cấp Húc Nghì mang đến cho tôi và người dân sự yên ổn để sinh sống và tăng gia sản xuất.

Những nỗ lực của  chính quyền

Chủ tịch UBND xã Húc Nghì Hồ Văn Nhua cho biết: Khu tai định cư đầu tư xây dựng từ năm 2010 với các hạng mục như cầu tràn bắc qua sông, đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt, trường mầm non, nhà bán trú cho học sinh tiểu học do Chi cục Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư… Công trình có diện tích hơn 4ha, là nơi ở ổn định cho 119 hộ dân vùng thường xuyên bị lũ ống, lũ quét. Các hộ dân đến sinh sống ở đây được cấp 400m2 đất, được hỗ trợ 20 triệu đồng để làm nhà ở và kéo điện thắp sáng đến tận nhà. Tháng 8/2014, công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng và đến nay đã có 102 hộ với hơn 600 nhân khẩu đến sinh sống.

Để giúp các hộ dân nhanh chóng ổn định cuộc sống nơi vùng đất mới, ngay từ khi bà con vừa chuyển về, chính quyền địa phương đã triển khai ngay các chính sách hỗ trợ như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ các loại cây, con giống; cử cán bộ trực tiếp xuống giúp đỡ, hướng dẫn người dân kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, vận động bà con tích cực khai hoang đất sản xuất. Đến nay hầu hết các hộ dân đều đã ổn định cuộc sống, bình quân mỗi hộ có từ 1-3ha đất rừng, nhiều hộ còn tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Theo ông Nhua, hiện nay dù không còn nỗi lo bị lũ quét đe dọa, nhưng hiện tại người dân vẫn đang phải đối diện với một số khó khăn đó là vấn đề đất đai để sản xuất. Đặc thù của Húc Nghì là một xã miền núi, đất đai chủ yếu là đất rừng. Tuy nhiên trong tổng diện tích đất gần 13.000ha của xã, đã có hơn 10.000ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ thuộc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông nên đất sản xuất cho người dân rất hạn chế. Điều này khiến cho cuộc sống của bà con vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Nhua cho biết thêm: “Xã đang rà soát những hộ thiếu đất sản xuất để đề xuất cấp trên cấp, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống”.

Cùng chung trăn trở với Chủ tịch UBND xã Húc Nghì, ông, Phạm Văn Hùng Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông bày tỏ, chính quyền huyện luôn đặc biệt quan tâm vấn đề an toàn cho cuộc sống người dân nơi đây. Ngoài các chính sách hỗ trợ của cấp trên thời gian tới huyện sẽ tập trung rà soát đất đai trên địa bàn xã Húc Nghì để cấp đủ đất cho bà con sản xuất. Bên cạnh đó UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tập trung đào tạo nghề cho lao động nhằm tạo sinh kế góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

M.THỨ, T. QUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.