Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cuộc "cách mạng" trong đời sống đồng bào Mông ở vùng cao Thanh Hóa: Hiệu quả từ những chính sách đặc thù (Bài 1)

Quỳnh Trâm - 19:53, 06/09/2022

Đồng bào Mông ở Thanh Hóa sinh sống chủ yếu ở 46 bản làng, thuộc 10 xã giáp biên giới, vùng sâu, vùng xa các huyện Quan Hoá, Quan Sơn và Mường Lát. Đồng bào Mông có đời sống văn hóa, tinh thần rất phong phú và đặc sắc. Bên cạnh nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn, phát triển, vẫn có không ít các hủ tục lạc hậu đã bám rễ trong đời sống của đồng bào nơi rẻo cao này. Cũng chính vì điều này , đã cản trở rất nhiều đến sự thay đổi phát triển, khiến cho cuộc sống của đồng bào đã từng có thời kỳ chìm trong đói nghèo, lạc hậu.

Đám ma cụ Lâu Chứ Dơ tại bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát - người đầu tiên khi chết được đưa vào quan tài
Đám ma cụ Lâu Chứ Dơ tại bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát - người đầu tiên ở bản khi chết được đưa vào quan tài

Nghèo vì hủ tục

Theo những người già kể lại, xưa kia đồng bào Mông, trong quá trình di cư, chạy trốn truy đuổi của các tộc người khác nhau nên khi có người chết không thể bỏ vào quan tài ngay tại nhà, vì địa hình rừng núi hiểm trở, mỗi khu dân cư chỉ có vài ba nóc nhà không thể khiêng cả người chết lẫn quan tài đi chôn được, mà quan tài được đặt trước vào huyệt rồi mới đem người chết bỏ vào... lâu đời trở thành tập tục cho những đời sau. Tuy nhiên, do quan niệm cổ hủ, ăn sâu vào tiềm thức việc tang ma đã trở thành hủ tục ám ảnh đồng bào Mông trong một thời gian dài.

Ông Thao Văn Lâu, Bí thư kiêm Trưởng bản Ché Lầu, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn kể lại, theo quan niệm của người Mông, gia đình khi có người thân chết, các anh em trong nhà phải góp trâu, bò, lợn, gà để tiễn đưa người chết về với tổ tiên. Đặc biệt, người có nhiều anh em, nhiều con trai, người càng có uy tín trong dòng họ thì khi chết càng phải tổ chức đám ma thật to để thể hiện lòng hiếu kính với người đã khuất.

Tang lễ thường được tổ chức từ 3 -7 ngày, thậm chí đến 10 ngày để tế lễ do chưa chọn được ngày đẹp, do vậy có đám phải mổ đến 4-5 con trâu, con bò. Người dân cho rằng, nếu không làm đúng một bước trong thủ tục tang ma, thì người chết sẽ quay ngược trở lại với người sống, làm họ ốm đau bệnh tật, thậm chí là cả gia đình, dòng họ sẽ chết theo.

Có những nhà nghèo không có trâu bò gì, thì cũng phải đi vay mượn, sau mỗi đám tang như vậy, có người phải mắc nợ nhiều năm mới trả hết được, trong khi cuộc sống còn rất đói nghèo. Bây giờ, nghĩ lại những ngày đó, với nhiều người ở rẻo cao vùng núiThanh Hóa đã trở thành nỗi kinh hoàng.

“Mặc dù ai cũng nhận thấy, tục lệ này gây khó khăn, thậm chí sợ hãi cho các gia đình có người chết. Thế nhưng, vì quan niệm cổ hủ ăn sâu trong tiềm thức, không một ai dám đứng lên để thay đổi. Vì sợ bỏ các tục lệ của cha ông thì sẽ bị thần linh, tổ tiên trách phạt, làm cho người nhà ốm đau, làm ăn không nên”, ông Lâu nói.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai thực hiện
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai thực hiện

Mang sức sống mới đến với đồng bào Mông

Bà Cao Thị Hòa, Trưởng phòng chính sách Ban Dân tộc Thanh Hóa cho biết: Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động cụ thể hóa nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Nhà nước như: Chương trình 134, Chương trình 30a, Chương trình 167 của Chính phủ… nhằm hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, xóa đói giảm nghèo, quy hoạch dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Báo cáo của Ban dân tộc cho thấy, từ năm 2015 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, đề án. Nhà nước đã đầu tư xây dựng 115 công trình kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Mông. Cùng với đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng 42 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hỗ trợ 8 mô hình phát triển sản xuất... với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. 

Đồng thời, tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng và ban hành nhiều đề án, chính sách đặc thù dành cho đồng bào, trong đó ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào Mông như: Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Mông huyện Mường Lát”; Đề án “Ổn định đời sống, sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội các bản dân tộc Mông huyện Quan Sơn”..., qua đó, từng bước tạo sự thay đổi trong đời sống kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống mới trong vùng đồng bào Mông..

Đặc biệt, trước thực trạng hủ tục đeo bám đồng bào Mông, các cấp chính quyền xác định, muốn phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn này, thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) phải đi trước một bước. Trong đó, đặc biệt là xóa bỏ các hủ tục tang ma, xây dựng nếp sống văn hóa mới cho người Mông.

Nét sinh hoạt văn hoá độc đáo của đồng bào Mông. Ảnh: Minh họa
Một hoạt văn hoá độc đáo của đồng bào Mông. Ảnh: Minh họa

 Theo đó, năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt Đề án 2181 “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, với nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động sâu rộng nhằm từng bước đẩy lùi và xóa bỏ hủ tục trong tang ma của đồng bào Mông. Đây được xem là cuộc “cách mạng” nhằm thay đổi nhận thức của đại đa số đồng bào Mông, làm nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để làm được điều này, các cấp chính quyền, xác định cần sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và những Người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ và sự đồng thuận của Nhân dân. Trong đó, xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần xóa bỏ những tập tục lạc hậu; đồng thời, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Mông. 

"Tuy nhiên, do những quan niệm, tập tục, tập quán lạc hậu lâu đời đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của bà con, nên để xóa bỏ các hủ tục, đặc biệt là trong tang ma, cưới hỏi của người Mông, các cấp chính quyền địa phương, cùng cán bộ cơ sở đã phải trải qua một quá trình dài...", bà Cao Thị Hòa, chia sẻ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.