Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm

PV - 11:47, 15/07/2021

Sáng 15/7, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị

Ngày hội lớn của toàn dân

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định cuộc bầu cử vừa qua là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước đã diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và thành công, thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua 75 năm độc lập, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử; Đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức thành công tốt đẹp, đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để phát triển đất nước ta nhanh và bền vững.

Cuộc bầu cử nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, sát sao, toàn diện, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự vào cuộc chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng thuận của đồng bào và cử tri cả nước. Công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức bầu cử được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chuyên nghiệp từ Trung ương đến địa phương, linh hoạt và sáng tạo trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết cuộc bầu cử lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 70 triệu cử tri đi bầu cử (đạt tỷ lệ 99,6% tổng số cử tri cả nước) tại 84.767 khu vực bỏ phiếu. Cử tri đã lựa chọn trong số gần 45 vạn người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp để bầu chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất đạo đức và năng lực, trí tuệ đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để đánh giá đầy đủ, toàn diện về cuộc bầu cử, được sự đồng ý của Trung ương, Bộ Chính trị, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử.

Hội nghị sẽ nghe đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng kết công tác bầu cử và đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, tìm ra nguyên nhân để đúc kết thành những kinh nghiệm quý và bài học cho các kỳ bầu cử tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm và các điểm cầu trong cả nước phát huy trí tuệ, dân chủ trên cơ sở các tài liệu, báo cáo và thực tiễn công tác tổ chức bầu cử tại địa phương, cơ quan và đơn vị mình, tập trung tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc, chất lượng, góp phần vào thành công của Hội nghị.

Khẳng định niềm tin vững chắc của nhân dân với chế độ, với Đảng, Nhà nước

Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn khẳng định dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, khoa học, kịp thời, chuyên nghiệp, sáng tạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến địa phương, cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp.

Diễn ra trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ tư, với diễn biến rất phức tạp nhưng sự kiện trọng đại này đã được tổ chức an toàn. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với các kỳ bầu cử trước; không có các tình huống bất thường xảy ra ngay cả tại một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng cho đến hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, việc tổ chức vận động bầu cử cũng như việc bỏ phiếu, kiểm phiếu.

Kết quả, cử tri cả nước đã bầu được 499 ĐBQH, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, qua đó khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.

Cuộc bầu cử với quy mô lớn được tổ chức thành công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp càng khẳng định niềm tin vững chắc của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Những bài học kinh nghiệm

Từ những thành công và một số hạn chế của cuộc bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia nêu 5 bài học kinh nghiệm lớn.

Thứ nhất, phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị đối với công tác bầu cử là yếu tố quyết định, bảo đảm chắc chắn cho thành công của cuộc bầu cử.

Thứ hai, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng đối với công tác chuẩn bị bầu cử là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cuộc bầu cử. Song song với đó là sự quyết liệt, sâu sát, chủ động, sáng tạo trên cơ sở kế thừa bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước đây của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện; sự phân công, hợp tác tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác bầu cử tạo sự thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng, có trọng tâm, trọng điểm đến mọi người dân với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, nội dung phong phú, kết hợp các phương thức truyền thống với ứng dụng tối đa công nghệ thông tin hiện đại. Bảo đảm sự công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bình đẳng trong từng công việc chuẩn bị bầu cử; phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên.

Thứ tư, bảo đảm thực hiện tốt quy trình nhân sự; từ việc hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, lấy ý kiến cử tri về người ứng cử, vận động bầu cử để lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

Thứ năm, chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở; chuẩn bị đầy đủ phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế; phối hợp chặt chẽ các lực lượng an ninh, quốc phòng, dân phòng và sự ủng hộ của nhân dân để bảo đảm an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử; giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và nhân sự ứng cử viên; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở địa phương, cơ sở./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.