Bài 2: Cơ sở hạ tầng-Bài toán khó giải
Đạt chuẩn vẫn “nợ” tiêu chí!
Để phát triển kinh tế-xã hội ở các địa bàn khó khăn, nhất là ở vùng DTTS và miền núi, thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm,…) là điều kiện cơ bản. Qua nhiều giai đoạn thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi (Chương trình 135) và nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án khác, nhìn chung cơ sở hạ tầng ở khu vực này đã được đầu tư khá đồng bộ.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều địa phương thiếu đường giao thông, thiếu điện lưới, thiếu cơ sở trường lớp kiên cố, nhất là ở đơn vị hành chính cấp thôn bản. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, hiện trong tổng số 48.364 thôn bản thuộc vùng DTTS và miền núi thì vẫn còn 13.539 thôn chưa có đường giao thông được cứng hóa (chiếm tỷ lệ 28%); vẫn còn 1.978 thôn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia (sử dụng các loại điện khác) và 1.422 không có điện.
Đáng chú ý, không ít xã biên giới dù đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nhưng cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Như Lộc Thạnh, một trong 7 xã biên giới của huyện Lộc Ninh (Bình Phước), mặc dù đã đạt 19/19 tiêu chí, nhưng trên địa bàn vẫn còn 26km đường giao thông nông thôn (chủ yếu là đường liên ấp, ngõ, xóm) chưa được cứng hóa.
Hay xã biên giới Lộc Tấn (cũng thuộc huyện Lộc Ninh), đầu năm 2019, xã đã đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh. Nhưng một số ấp trên địa bàn xã vẫn chưa có điện lưới; thậm chí ở ấp K57, tỷ lệ hộ sử dụng điện mới chỉ đạt 30%. Ngoài ra, toàn xã vẫn còn 64km đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa…
Đường giao thông, điện lưới được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế. Trong xây dựng NTM, để hoàn thành hai tiêu chí này cả hai xã Lộc Tấn và Lộc Thạnh của huyện Lộc Ninh phải cần một nguồn vốn rất lớn. Khi ngân sách địa phương còn hạn hẹp thì Lộc Tấn và Lộc Thạnh rất cần nguồn lực từ các chương trình, dự án từ ngân sách Trung ương.
Sinh kế bấp bênh vì hạ tầng thiếu
Không chỉ riêng hai xã biên giới Lộc Tấn, Lộc Thạnh của huyện Lộc Ninh (Bình Phước) mà nhiều xã biên giới của các tỉnh thành khác cũng gặp khó trong hành trình xây dựng NTM. Như xã Thuận Hà của huyện Đăk Song (Đăk Nông), đến thời điểm này, xã đã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng NTM, phấn đấu “về đích” trong năm 2019 này. Nhưng hiện toàn xã mới chỉ cứng hóa được 31/47,5km đường trục thôn, mới có 30/50km đường ngõ xóm được bê tông hóa.
Tương tự xã Thuận Hạnh, xã biên giới Thuận Hà (cũng thuộc huyện Đăk Song); toàn xã có 1.713 hộ thì hiện vẫn còn khoảng 700 hộ phải sử dụng điện tạm bợ…
Những xã biên giới gần “cán đích” NTM còn khó khăn như vậy thì với những xã chưa tính đến kế hoạch “về đích” thì có thể nói là khó khăn càng chồng chất. Điều này đã hạn chế nỗ lực phát triển kinh tế của người dân ở các xã biên giới; xã ĐBKK, dù họ đã có sinh kế trong tay.
Như ở xã Lơ Pang của huyện Mang Yang (Gia Lai), có một ngôi làng nằm trên độ cao 800m so với mực nước biển-nơi sinh sống của 118 hộ, trong đó gần 99% là đồng bào dân tộc Ba Na. Đó là làng Pờ Yầu.
Làng Pờ Yầu có đến 184 ha cây bời lời, 12,2ha sắn, 33,1ha lúa, gần 3ha cà phê, 1,6ha hồ tiêu và 4,1ha cây ăn quả; đàn gia súc, gia cầm của làng hơn 400 con. Ấy vậy, tính đến cuối năm 2018, làng vẫn còn 77 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 65,25%); 38 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 32,2%); vị chi số hộ không nghèo của làng chưa đến 3%.
Nguyên nhân là, làng Pờ Yầu dù chỉ cách trung tâm xã Lơ Pang 8km, nhưng nằm trên núi cao, tuyến đường độc đạo chưa được đầu tư xây dựng nên người dân phải bán nông sản cho thương lái vào thu mua tại làng, vì thế bị ép giá. Nếu đưa về xã tiêu thụ, 1kg bời lời bán được 11 nghìn đồng, nhưng bán cho thương lái chỉ được 3,5 nghìn đồng. Tương tự, sắn tươi tại trung tâm xã có giá 2 nghìn đồng/kg nhưng thương lái mua tại làng chỉ khoảng 1 nghìn đồng/kg. Dẫu biết vậy nhưng người dân vẫn phải bán vì không phải ai cũng có thể đưa nông sản xuống trung tâm xã.
Dẫn chứng như vậy để thấy, việc người dân ở khu vực biên giới, vùng ĐBKK dù đã có sinh kế, nhưng nếu không có đường giao thông, không có điện lưới,... thì sinh kế đó vẫn chỉ là tạm thời, rất khó để vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Theo danh sách ban hành kèm theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ, cả nước có 435 xã biên giới. Đây hiện vẫn là những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn; đặc biệt cơ sở hạ tầng thiết yếu (điện lưới, đường giao thông,…) ở những địa bàn này vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối. Bởi vậy, việc xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho những địa bàn này là rất cần thiết, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng biên.