Bài 1: Vùng biên thiếu việc, vắng người
Tìm về các thành phố lớn, hoặc chấp nhận mạo hiểm ra nước ngoài làm thuê,… lâu nay là một lựa chọn khá phổ biến của lao động ở các xã biên giới. Điều này làm cho dân cư vùng biên vốn đã ít lại càng thưa thớt hơn.
Ra đi để tìm việc
Thanh Long là xã biên giới khu vực III của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Xã có 725 hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng) thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 42%. Thanh Long khó khăn đến nỗi, thu ngân sách trên địa bàn những năm qua chưa vượt mốc… 10 triệu đồng/năm. Thậm chí, năm 2017, xã đặt mục tiêu thu ngân sách trên địa bàn 8 triệu đồng, đến cuối năm cũng chỉ thu được hơn 6 triệu đồng.
Thanh Long nghèo không phải vì xã không có điều kiện để phát triển. Theo lý giải của ông Đàm Văn Trò, Chủ tịch UBND xã Thanh Long, ngoài nguyên nhân cơ sở hạ tầng yếu kém thì một nguyên nhân quan trọng khác khiến xã khó khai thác tiềm năng đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế là do thiếu lực lượng lao động. Xã có gần 39 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó có 225ha đất trồng lúa, nhưng chỉ có 3.167 nhân khẩu sinh sống; vị chi mật độ dân số chỉ đạt 12 người/km2.
Lại càng khó khăn hơn cho Thanh Long khi dân số trong độ tuổi lao động của xã thường rời quê sang Trung Quốc làm thuê. Theo thống kê của UBND xã, bình quân mỗi năm có hàng nghìn lượt lao động trên địa bàn sang bên kia biên giới làm thuê. Chưa tính đến những yếu tố rủi ro khác khi xuất cảnh trái phép, thu nhập từ việc làm thuê bên nước bạn cũng chỉ đủ cho chi phí sinh hoạt hằng ngày.
Thực trạng này không chỉ riêng xã Thanh Long mà xảy ra ở 21 xã biên giới của tỉnh Lạng Sơn. Tại Hội thảo góp ý Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBDT tổ chức tại Bắc Kạn mới đây, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã cảnh báo, ở nhiều thôn bản giáp biên của tỉnh hiện chỉ có người già và trẻ nhỏ; dân số trong độ tuổi lao động hầu như rất ít ở địa phương mà đi khắp nơi để làm thuê kiếm sống.
Chưa có giải pháp “giữ chân”
Không chỉ ở 21 xã biên giới của tỉnh Lạng Sơn mà ở nhiều địa bàn giáp biên khác trên cả nước, tình trạng thiếu hụt lao động cũng đang rất báo động. Ngay cả với những địa phương được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) thì tình trạng này cũng đang là rào cản.
Như xã biên giới Đại Sơn, huyện Phục Hòa (Cao Bằng) đang phấn đấu về đích NTM trong năm 2019. Là vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh Cao Bằng, nhưng khó khăn lớn nhất của Đại Sơn hiện nay là thiếu hụt lực lượng lao động trẻ.
Theo ông Trương Đàm Hưng, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, để giữ được lao động trẻ ở lại địa phương thì phải tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho họ. Do khó hỗ trợ đất sản xuất nên lao động cần được hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc đào tạo nghề phù hợp. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn chưa cao, nhiều lao động đã học nghề nhưng không thể làm nghề, buộc phải đi nơi khác tìm kiếm việc làm.
Chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Đại Sơn đã gợi lại một vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ-đó là hiệu quả của việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực tế, công tác đào tạo nghề cho lao động cũng đã được các địa phương quan tâm, năm nào cũng giao chỉ tiêu cụ thể, được bố trí ngân sách kịp thời, nhưng hiệu qủa của đào tạo nghề thì cần phải xem lại.
Như huyện biên giới Nậm Pồ (Điện Biên), trong năm 2018, trên địa bàn có 199 lao động được đào tạo nghề, nhưng chỉ có 1/199 lao động phát huy được nghề đã học.
Nguyên nhân của những hạn chế trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được phân tích, mổ xẻ. Trong đó, tình trạng “đi học nghề để lấy chính sách” đang như là một căn bệnh.
Tại Hội thảo góp ý Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được tổ chức tại Bắc Kạn, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã dẫn chứng, trong một gia đình, cả bố, mẹ, con cái cùng đăng ký đi học nghề, nhưng chỉ học mỗi một nghề chăn nuôi gà; rồi cả một làng có đến 600 người đăng ký đi học nghề… thiến lợn!. Học nghề như vậy thì tìm việc như thế nào để có thu nhập ổn định?
Không có việc làm, thu nhập bấp bênh nên nhiều lao động ở các địa bàn biên giới buộc phải “ly hương”. Vì vậy, tạo sinh kế để giữ chân người lao động là cấp thiết, trước mắt là xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng biên; về lâu dài là xây dựng vững chắc vùng “phên dậu” của đất nước.