Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng hiện còn là Trưởng Ban đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam- Gắn kết từ bản sắc”. Anh là người tổ chức mô hình bán hàng này nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS, miền núi; đồng thời tạo việc làm cải thiện đời sống, sinh hoạt cho nhóm sinh viên Dao đang sinh sống và học tập tại Hà Nội.
TS. Bàn Tuấn Năng bộc bạch, công việc ở cơ quan cũng rất nhiều, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người nông dân chăn nuôi lợn nói chung, và đồng bào Dao nói riêng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm; thậm chí bán với giá thấp, trong khi đó, qua tìm hiểu nhu cầu sử thịt lợn sạch ngay trên địa bàn Hà Nội là rất lớn, nên anh quyết định hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm bằng cách, tổ chức mô hình bán hàng thịt lợn Online.
Ngoài mặt hàng thịt lợn, cửa hàng của Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng còn có các loại nông sản như cá, thuốc của người Dao ở các địa phương như: huyện Ba Bể (Bắc Kạn); xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn); huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
“Người tiêu dùng tại Hà Nội và các trung tâm lớn, được sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ. "Qua khảo sát, ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, nhiều siêu thị cũng có bán thịt lợn ngon, nhưng giá thành rất đắt. Do đó, tôi tin rằng, sản phẩm của cửa hàng có thể cạnh tranh tốt do giá cả và chất lượng tốt”, TS Năng chia sẻ
Qua tìm hiểu, việc Tiến sĩ tổ chức cửa hàng tiêu thụ nông sản cho bà con người Dao, còn xuất phát từ mong muốn của anh là hỗ trợ cho nhóm sinh viên gặp khó khăn tại Hà Nội. Theo Tiến sĩ Năng, trước tình hình dịch bệnh, nhiều sinh viên Dao đang mắc kẹt tại Hà Nội, trong đó nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do đó, anh muốn tạo việc làm cho các em sinh viên, thông qua việc bán hàng, ship hàng. Nhờ đó, mà sinh viên có thu nhập chi trả những khoản sinh hoạt tối thiểu, cải thiện bữa ăn, giúp các em yên tâm sinh sống và học tập tại Hà Nội.
"Từ các chương trình đã thực hiện như bán hoa chuối, bán cam, bán mận, nay là bán nông sản, thịt lợn, để gây quỹ, cải thiện đời sống cho sinh viên, tôi cũng muốn huấn luyện cho sinh viên cách bán hàng, dạy các em có thêm kỹ năng sống, giao tiếp bên ngoài. Những điều này, nhà trường không dạy được”, TS Năng bộc bạch.
Em Phượng Tà Sơn, quê Hoàng Su Phì (Hà Giang), sinh viên năm thứ 2, Học viện Kỹ thuật Mật mã, là một trong 4 sinh viên Dao được giao ship nông sản cho TS Bàn Tuấn Năng. Trước kia, Sơn thường đi làm thêm tại quán ăn, quán cà phê, thu nhập cả ngày cũng chỉ 200 nghìn đồng; nhưng kể từ khi bùng dịch Covid-19, em không có việc làm dẫn đến khó khăn trong trang trải sinh hoạt.
Sơn cho biết: "Nhờ được đi ship nông sản cho chú Năng nên chỉ trong buổi sáng em có thể thu từ 150-200 nghìn đồng. Mỗi tháng còn được chú Năng hỗ trợ thêm 1 triệu đồng và thức ăn hằng ngày, do đó em yên tâm hơn để bám trụ tại Hà Nội học tập".
Theo Tiến sĩ Năng, việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con không những tạo ra lợi nhuận, mà còn khẳng định với người chăn nuôi là, cứ chăn nuôi tử tế, không tăng trọng, không kích thích tăng trưởng, thì sẽ bán được giá cao. Do đó, người dân yên tâm chăn nuôi, không còn tư tưởng chộp giật, TS Năng nói.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cho biết, bán online chỉ là giải pháp bán lẻ tạm thời, anh đã có dự định xây dựng được hệ thống cửa hàng đặc sản của người Dao, qua đó có thể giới thiệu, tiêu thụ được nhiều sản phẩm cho đồng bào, và khi đó, anh sẽ trích một phần lãi vào việc tạo quỹ học bổng cho sinh viên nghèo dân tộc Dao. Đó là cách để kinh doanh chia sẻ mang tính lâu dài và bền vững...