Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn - Điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch

Tuyết Mai -Thúy Hồng - 6 giờ trước

Nằm ở phía Bắc nơi địa đầu Tổ quốc, Lạng Sơn không chỉ được biết đến với những địa danh lịch sử hào hùng mà còn sở hữu một kho báu thiên nhiên vô giá - Công viên địa chất toàn cầu với những hang động kỳ bí, khu di tích khảo cổ lưu giữ dấu ấn văn hóa tiền sử, hệ thống sông suối thơ mộng cùng đa dạng địa hình như thung lũng, đồi núi. Với những giá trị địa chất, văn hóa độc đáo, hứa hẹn sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mới, tạo thương hiệu, sức đột phá cho du lịch Lạng Sơn.

Các chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đến thẩm định tại Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, huyện Bình Gia, di tích nằm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn
Các chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đến thẩm định tại Hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai, huyện Bình Gia, di tích nằm trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn

“Kho báu” địa chất khổng lồ

Được thành lập từ năm 2021, Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn trải dài trên 8 huyện, thành phố là: Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan, Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn với diện tích gần 5.000 km².

Với tiềm năng sẵn có, CVĐC Lạng Sơn đã hoàn thiện 4 tuyến du lịch gồm 38 điểm đến với chủ đề “Dòng chảy sự sống nơi miền đất thiêng”. 4 tuyến tham quan có chủ đề riêng gồm: Khám phá thế giới Thượng ngàn, Hành trình về miền thiên giới, Cuộc sống dân dã nơi trần thế và Khám phá thủy cung. Hành trình khám phá các tuyến chủ yếu đi qua trục đường Quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279, mỗi tuyến có từ 7 đến 11 điểm tham quan đa dạng khác nhau. Cách TP. Lạng Sơn khoảng 32km về phía Đông theo Quốc lộ 4B, trũng Na Dương (hay bồn địa Na Dương, thuộc huyện Lộc Bình) được phát hiện nhiều hóa thạch động vật, thực vật khổng lồ như cá sấu, kỳ đà, rùa, thực vật hạt kín... có niên đại từ 40 - 50 triệu năm trước.

Trên bản đồ CVĐC Lạng Sơn, trũng Na Dương được đánh số điểm 35 trong tổng số 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch vùng CVĐC. Đây là điểm di sản địa chất đặc biệt, quan trọng nhất trong tổng số 7 điểm di sản địa chất của CVĐC Lạng Sơn.

Thung lũng Đồng Lâm, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng nằm trong khuôn viên CVĐC của Lạng Sơn thu hút nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm
Thung lũng Đồng Lâm, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng nằm trong khuôn viên CVĐC của Lạng Sơn thu hút nhiều du khách đến thăm quan, trải nghiệm

Bà Hoàng Thị Thuý, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, cho biết: Xác định đây là điểm nhấn quan trọng trong CVĐC tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian qua huyện Lộc Bình đã phối hợp với Công ty Than Na Dương triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quảng bá, giới thiệu. Đặc biệt đây là điểm có giá trị về mặt khảo cổ và khoa học, do đó thời gian tới cấp ủy, chính quyền huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty than Na Dương, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tiếp tục quảng bá, giới thiệu để tạo điểm nhấn, xây dựng địa điểm này trở thành điểm du lịch.

CVĐC có những cảnh quan nổi tiếng như: Những dãy núi đá thấp trùng điệp bao quanh những thung lũng, bản làng ở xã Yên Thịnh (huyện Hữu Lũng); hang động  Thẩm Khuyên (huyện Bình Gia) - nơi cư trú người tiền sử; dòng sông ngầm tại điểm du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, ký ức biển Khuổi Nọi - nơi thành lập đội Cứu quốc quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đến vườn quýt Hang Hú độc đáo, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn…(huyện Bắc Sơn)

Những địa danh này gắn liền với các giá trị di sản địa chất, quá trình tiến hóa sự sống tiêu biểu của loài người với dấu tích của người tiền sử lâu đời nhất Việt Nam có niên đại 475.000 năm. Từ nền văn hóa Bắc Sơn cho đến vùng quê hương cách mạng quật khởi yên bình ẩn hiện trong thung lũng lúa vàng tạo nên một hành trình tham quan kỳ thú.

Tiến sỹ Kristin Rangnes, Chuyên gia mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO cho biết: Ấn tượng của tôi sau chuyến công tác tại CVĐC Lạng Sơn đó là di sản văn hóa. Di sản văn hóa nơi đây có sự gắn kết với di sản thiên nhiên và các giá trị về di sản địa chất.

Dòng chảy văn hóa đa sắc màu

Bên cạnh những giá trị nổi bật về địa chất, giá trị khác biệt của CVĐC Lạng Sơn so với các CVĐC khác của Việt Nam đó là sự đa dạng, phong phú với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống ở vùng đất này.  Những bản làng đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao... với những nét đẹp trong đời sống sinh hoạt, ẩm thực, trang phục, dân ca dân vũ, trong đó, có tín ngưỡng then đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; hát sli, múa sư tử mèo đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia.

Bên cạnh những giá trị nổi bật về địa chất, CVĐC Lạng Sơn còn hội tụ dòng chảy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống ở vùng đất này.
Bên cạnh những giá trị nổi bật về địa chất, CVĐC Lạng Sơn còn hội tụ dòng chảy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống ở vùng đất này.

Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng vốn có, tháng 11/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu. Ngày 8/9/2024, CVĐC Lạng Sơn được Hội đồng CVĐC toàn cầu, đánh giá, biểu quyết công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đây sẽ là “đòn bẩy” giúp nơi đây trở thành một điểm đến du lịch giàu tiềm năng, hấp dẫn.

“Việc xây dựng CVĐC sẽ giúp cho tỉnh thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước thời gian tới. Đây cũng là cơ hội để quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về các điểm, di chỉ khảo cổ nổi tiếng; cùng các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” ông Nguyễn Đặng Ân khẳng định.

Để thúc đẩy phát triển du lịch, Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn đã tham mưu cho chính quyền các địa phương phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thống để phát triển du lịch từ tiềm năng sẵn có.

CVĐC Lạng Sơn với những giá trị địa chất, văn hóa độc đáo, hứa hẹn sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mới, tạo thương hiệu, sức đột phá cho du lịch Lạng Sơn
CVĐC Lạng Sơn với những giá trị địa chất, văn hóa độc đáo, hứa hẹn sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mới, tạo thương hiệu, sức đột phá cho du lịch Lạng Sơn

Anh Nguyễn Đình Lâm, chủ Homestay Sơn Thủy, làng du lịch cộng đồng Hữu Liên, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Sau khi được vận động tham gia phát triển CVĐC Lạng Sơn, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng thêm nhà nghỉ du lịch cộng đồng đạt chuẩn, trong đó chú trọng phát huy nét đẹp của nhà sàn truyền thống, đưa các món ăn đặc sản của địa phương như: bánh chưng cẩm, bánh giò bầu, xôi cẩm… vào phục vụ nhu cầu của du khách.

CĐVC Lạng Sơn đã mở ra các tuyến du lịch đặc sắc, thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đã đến đây để được trải nghiệm văn hóa bản địa, mua sắm các nông sản, đặc sản địa phương.

Chị Nguyễn Việt Hà, du khách đến từ thành phố Hà Nội cho biết: Đầu năm 2024, tôi đã đến một số điểm du lịch ở huyện Hữu Lũng thuộc vùng CVĐC có nhiều trải nghiệm ấn tượng. Tôi không chỉ bị thu hút bởi cảnh quan hùng vĩ, mà còn rất ấn tượng với những món ẩm thực phong phú, bản sắc văn hóa đặc sắc tại làng du lịch cộng đồng Hữu Liên. Tôi sẽ còn quay trở lại nhiều lần và giới thiệu thêm nhiều bạn bè đến đây tham quan, trải nghiệm.

CVĐC Lạng Sơn không chỉ là niềm tự hào của người dân Lạng Sơn mà còn là điểm đến tiềm năng cho du lịch Việt Nam. Với những tiềm năng mang giá trị độc đáo và sự nỗ lực không ngừng của chính quyền cùng người dân địa phương, tin tưởng rằng CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Để đẩy mạnh phát huy giá trị vùng CVĐC, ngày 16/9/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Công văn số 1332/UBND-KGVX chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển CVĐC toàn cầu UNECSO Lạng Sơn.

Tin cùng chuyên mục
Nghi lễ Lang Ndaw của người Chăm

Nghi lễ Lang Ndaw của người Chăm

Nghi lễ Lang Ndaw tạm dịch là Lễ tế trâu tôn chức ông Kadhar. Trong các chức sắc người Chăm thực hành nghi lễ trên đền tháp và các nghi lễ của dòng tộc, ông Kadhar đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn thực hành nghi lễ và hát thánh ca. Từ khi nhập môn, ông Kadhar trải qua các giai đoạn tấn phong rồi mới được phép làm chủ lễ và được mặc tấm chăn có đính hoa văn thổ cẩm. Diễn trình nghi lễ Lang Ndaw có các nghi lễ hiến tế con vật, cúng cơm, hát lễ và múa mừng.