Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Công tác giảm nghèo huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (Bài 1)

Hải Phong - Khổng Thanh Tuấn - 13:32, 09/12/2024

Xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Đặc biệt, huyện Văn Lãng đã lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để nâng cao chất lượng các dự án, chính sách đầu tư, góp phần đưqa diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn được nâng lên rõ rệt.

Tập trung nguồn lực

Theo Báo cáo của UBND huyện Văn Lãng, để đảm bảo tiến độ, thời gian triển khai thực hiện, UBND huyện Văn Lãng đã xây dựng kế hoạch cụ thể  thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) năm 2024; ban hành 57 văn bản chỉ đạo, điều hành, để hướng dẫn, đôn đốc tổ chức triển khai thực hiện.

Trong năm 2024, ngân sách Trung ương giao vốn sự nghiệp Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho huyện, là 6.438 triệu đồng; nguồn vốn kéo dài năm 2022, 2023 sang năm 2024 là 5.711,22 triệu đồng. Đối với Chương trình MTQG 1719, tổng kế hoạch vốn đã giao 68 tỷ 547 triệu đồng; nguồn vốn kéo dài năm 2022, 2023 sang năm 2024 gồm nguồn vốn đầu tư là 80 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp là 39 tỷ 746 triệu đồng.

Niềm vui của người dân khi nhận bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Niềm vui của người dân khi nhận bò sinh sản từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Từ nguồn vốn được giao trên, huyện Văn Lãng đã tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn, thủy lợi, cơ sở khám chữa bệnh, trường học; hỗ trợ nhà ở, sinh kế, hỗ trợ nông cụ sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt..., giúp hộ nghèo có nhà ở, có việc làm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. 

Trong đó, ưu tiên cho các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển sản xuất, kết nối giao thương; nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bà Chu Thị Bích Hảo, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng cho biết, năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Văn Lãng đã triển thực hiện hỗ trợ 7 dự án gồm: Dự án Chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả trên địa bàn xã Gia Miễn (kinh phí thực hiện 450 triệu đồng); xã Hồng Thái (450 triệu đồng); xã Thụy Hùng (450 triệu đồng); xã Bắc Hùng (450 triệu đồng); Dự án “Nuôi cá lồng” trên địa bàn xã Bắc La, kinh phí thực hiện 405 triệu đồng; Dự án trồng cây hồng vành khuyên xã Hội Hoan (450 triệu đồng); xã Tân Mỹ (405 triệu đồng). Tất cả các dự án đều là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Bên cạnh đó, huyện Văn Lãng còn tập trung thực hiện nhiều dự án hỗ trợ như: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (triển khai 4 dự án tạo việc làm với nguồn vốn 1 tỷ 634 triệu đồng), cải thiện dinh dưỡng cho trẻ dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo); phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (mở 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn); Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình…

Hồng vành khuyên, loại quả đặc sản mang thương hiệu Xứ Lạng được nhiều địa phương triển khai hỗ trợ cho bà con
Hồng vành khuyên, loại quả đặc sản mang thương hiệu xứ Lạng được nhiều địa phương triển khai hỗ trợ mở rộng sinh kế cho bà con

Đối với nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, huyện Văn Lãng đã hỗ trợ 30 hộ nghèo về nhà ở, 58 hộ nghèo về nước sinh hoạt phân tán, 21 hộ mua sắm máy móc nông nghiệp để chuyển đổi nghề; 19 công trình khởi công xây dựng mới 2024; xây mới 4 công trình trường học; hỗ trợ hạng mục 2 nhà văn hóa, sân thể thao thôn; duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn được triển khai trên 16 công trình, thuộc 8 xã vùng III và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng I; đã khai giảng được 8 lớp xóa mù chữ/100 học viên tại các xã trên địa bàn huyện…

Nâng cao đời sống Nhân dân

Tại xã Bắc La, xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Lãng, trong năm 2024, Ủy ban Nhân dân xã được phân bổ 2 tỷ 994 triệu đồng. Để thực hiện hiệu quả nguồn vốn, xã đã quán triệt và chỉ đạo các ban, tổ chức đoàn thể tích cực, chủ động thực hiện tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các chế độ chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo 8/8 thôn dân cư qua các cuộc họp thôn, băng zôn, khẩu hiệu và lồng ghép các hội nghị xã.

Ông Lộc Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Bắc La cho biết, từ nguồn Chương trình MTQG 1719, năm 2024, xã Bắc La đã giải quyết những vấn đề cấp thiết cho hộ nghèo. Theo đó, đã có 2 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở; 2 hộ được cấp téc nước sinh hoạt; các hộ nghèo, hộ cận nghèo thôn Nà Pục được tham gia dự án chăm nuôi bò với số tiền 500 triệu đồng; xã được phân bổ 86 triệu đồng để duy tu bảo dưỡng đường Nà Hin - Nà Sòm; xã được phân bổ 50 triệu để thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em… Từ nguồn Chương trình MTQG 1719, đã tạo nguồn lực đáng kể để xã phát triển kinh tế- xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình MTQG đã giúp tạo ra nhiều việc làm, sửa chữa, xây mới, nâng cấp nhiều công trình dân sinh... góp phần giúp hộ nghèo tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo
Nhờ triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình MTQG đã giúp tạo ra nhiều việc làm, sửa chữa, xây mới, nâng cấp nhiều công trình dân sinh... góp phần giúp hộ nghèo có thêm điều kiện để vươn lên thoát nghèo

Theo bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719 năm 2024 được sự phối hợp, hướng dẫn, của các cơ quan, ban, ngành tỉnh, sự giám sát của HĐND huyện, sự chủ động, linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm trong chỉ đạo, điều hành của UBND huyện, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn.

Năm 2024, từ nguồn vốn được phân bổ kịp thời, UBND huyện Văn Lãng ban hành các quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công và nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719 đến các chủ đầu tư để triển khai ngay công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán đối với công trình khởi công mới; và triển khai giải ngân thanh toán và các công trình chuyển tiếp đối với công trình đã có khối lượng, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm trước.

Bà Bế Thị Vẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719 đã đạt được những kết quả nhất định, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư và chuyển biến đáng kể; diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được nâng lên. Nhờ đó, đã giúp huyện Văn Lãng giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mỗi năm từ 3% trở lên.

 "Cụ thể năm 2021, hộ nghèo 1.892 hộ, tỷ lệ 15,01%; năm 2022, hộ nghèo 1.334 hộ, tỷ lệ 10,64% giảm 4,47% so với năm 2021; Năm 2023 hộ nghèo 1.025 hộ, tỷ lệ 7,53% giảm 3,11% so với năm 2022", bà Bế Thị Vẫn cho hay.