Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc: Củng cố niềm tin

PV - 10:07, 15/08/2018

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khép lại đã để lại nhiều dấu ấn đối với đồng bào, cử tri cả nước. Công tác dân tộc và tình hình thực hiện chính sách dân tộc đã được tranh luận, mổ xẻ, tìm giải pháp, mở ra những hướng đi trong giai đoạn tới, trong đó “kiên quyết không để tình trạng ban hành chính sách nhưng không cân đối nguồn lực”…

Qua phiên chất vấn cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi. Tuy nhiên, vùng DTTS và miền núi vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là nhóm 16 DTTS rất ít người. Từ công tác giảm nghèo bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư, công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực DTTS, phát triển rừng, bảo tồn văn hóa DTTS… đến nhiều vấn đề khác đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc.

Mỗi vấn đề được nêu ra, đều là những vấn đề còn nhiều băn khoăn. Đói nghèo còn hiện hữu trên các bản làng vùng đồng bào DTTS. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã nhiều lần nhắc đến từ “day dứt” khi thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm, đói nghèo, lạc hậu vẫn đang là thách thức lớn ở vùng đồng bào DTTS. Và ông luôn trăn trở, tìm giải pháp để hỗ trợ đồng bào có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, những nhóm giải pháp để thực hiện trong thời gian tới, trong đó có phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối, phát triển nguồn nhân lực, tạo sinh kế, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: cần có nghiên cứu tầm quốc gia để xây dựng tổng thể chính sách dân tộc, do Phó Thủ tướng chỉ đạo, có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc; tích hợp chính sách các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển vùng DTTS, miền núi… Đặc biệt cần chú trọng giải pháp “tăng cho vay, giảm cho không”…

Phát biểu giải trình thêm về chính sách dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, DTTS và miền núi có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Phó Thủ tướng cho biết, để phát triển toàn diện vùng DTTS, miền núi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ưu tiên bố trí ngân sách, xây dựng và triển khai đề án tập trung cho thôn bản khó khăn. Chỉ đạo bộ ngành, trình cấp có thẩm quyền bố trí ngân sách ở mức cao nhất hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

Tại phiên chất vấn nhóm vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc, có 33 ý kiến chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các thành viên Chính phủ khác. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, qua chất vấn và ý kiến trả lời chất vấn, giải trình tiếp thu, phiên chất vấn đạt kết quả đề ra. Các đại biểu thẳng thắn nêu câu hỏi mang tính xây dựng, có trao đổi, tranh luận. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng các thành viên Chính phủ đã trả lời, giải trình đầy đủ ý kiến.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, báo cáo giải trình rõ ràng và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tích hợp, thu gọn các đầu mối quản lý, thực hiện các chính sách dân tộc để hướng tới đề xuất một chương trình mục tiêu quốc gia có thời hạn 10 năm cho giai đoạn tới. Đa dạng hóa các nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Tiếp tục rà soát, cân đối bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS đang có hiệu lực… “Từ nay kiên quyết không để tình trạng ban hành chính sách nhưng không cân đối nguồn lực, nợ kinh phí để thực hiện chính sách đối với đồng bào các dân tộc”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị sẽ là tiền đề, động lực to lớn để công tác dân tộc đạt được nhiều thành công. Chúng ta có thể tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển ở vùng đồng bào DTTS, miền núi trên mọi miền đất nước.

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục