Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Con đường "trong mơ" của người dân xã Mỏ Vàng đang thành hiện thực

Văn Hoa - 16:13, 30/07/2021

Với người dân xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên (Yên Bái), con đường “trong mơ” của họ đơn giản chỉ là con đường đất để rút ngắn khoảng cách hàng chục cây số từ xã Mỏ Vàng tới xã Viễn Sơn. Để biến con đường “trong mơ” trở thành hiện thực, người dân đã tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng vạn cây quế đang cho thu hoạch, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn...


Người dân sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất và hàng trăm cây quế cổ thụ để biến con đường ‘trong mơ" thành hiện thực
Người dân sẵn sàng hiến hàng trăm mét vuông đất và hàng trăm cây quế cổ thụ để biến con đường ‘trong mơ" thành hiện thực

Ước mơ giản dị

Từ 5h30 phút sáng, xuất phát từ thị trấn Mậu A, thêm hơn 2 tiếng đồng hồ nữa để đến được xã Mỏ Vàng. Ngồi sau chiếc xe máy của anh Nguyễn Viết Sơn, Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Yên, tôi không khỏi hãi hùng khi đi qua những đoạn dốc dựng đứng ghồ ghề toàn sỏi đá, trơn trượt, có nhiều đoạn đường, phải xuống đi bộ thì mới có thể  an toàn.

Tới địa phận Mỏ Vàng, tiếp tục di chuyển trên lòng hồ vừa tích nước bằng thuyền. Cùng đi còn có các ông Đặng Tòn Lây, Phó Chủ tịch UBND xã; ông La Tài Quan, Phùng  Vinh Minh - là Người có uy tín của địa phương, và ông Đặng Nho Quên, nông dân làm kinh tế giỏi của xã. Đây là những người tham gia đoàn đi vận động người dân khẩn trương thu hoạch quế giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ làm đường.

Người dân mạo hiểm chèo bè mảng và thuyền để đi lại
Người dân dùng bè mảng để đi lại

Ngồi trên thuyền, ông Phùng Vinh Minh, Người có uy tín của xã chỉ vào cây cầu treo nói, hàng chục năm trước, khi không có chiếc cầu treo này, người dân ở thôn Trung Tâm phải sống trong cảnh đò sông cách trở. Để khắc phục, người dân đã làm bè mảng hoặc làm cầu phao, tuy nhiên, những khi có mưa lũ thì không thể đi lại được, học sinh cũng thường phải nghỉ học. 

Bây giờ có cây cầu treo, việc đi lại, giao thương của bà con cũng đỡ đi phần nào. Nhưng mỗi lần tích nước làm thủy điện, nước lại dâng cao, khiến cho khoảng 80 hộ đồng bào dân tộc Mông ở cụm Khe Ngõa và cụm Gốc Sấu bị cô lập hoàn toàn.

Nói về cái tên con đường “trong mơ”, ông Đặng Tòn Lây, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin, phía bên kia là xã Viễn Sơn, nếu muốn đi sang đó, thì phải vòng hơn 50km qua nhiều xã, đường đi lại vô cùng khó khăn. Khi mở con đường này, thì khoảng cách chỉ hơn 10km, giải thoát thế cô lập của hơn 80 hộ dân người Mông trong lòng hồ. 

Do vậy, người dân mơ ước có một con đường để thuận tiện phát triển sản xuất, đặc biệt là giao thương với xã bạn. Vậy nên con đường sắp hình thành này, được người dân gọi là con đường “trong mơ”.

Con đường rộng 4,5m đi qua phần đất của nhiều hộ gia đình
Con đường rộng 4,5m đi qua phần đất của nhiều hộ gia đình

Đồng thuận hiến đất làm đường

Câu chuyện của ông Lây đang dở, thì thuyền dừng tại nhà anh Giàng A Chua, 41 tuổi, người Mông. Anh Chua đang bóc những cây quế nằm trong khu vực được phân định đường mới sẽ đi qua. Theo kế hoạch, con đường đi qua giữa vườn nhà anh Chua, lấy khoảng hơn 600m2 đất. 

Anh Chua chia sẻ, vì không có đường nên khi cần đi đâu, gia đình anh  đều phải đi thuyền sang phía bên kia hồ và đi qua phần vườn nhà khác để lên đường lớn. Những hôm mưa gió thì không dám đi đâu; muốn vận chuyển thứ gì đó ra ngoài, thì vô cùng khó khăn. Khi được chính quyền vận động làm đường mới, gia đình anh đã viết đơn xin hiến đất, thu hoạch quế sớm, giải phóng mặt bằng để mong sớm có con đường đi lại thuận tiện.

Di chuyển tiếp sang đồi quế bên cạnh, chúng tôi thấy hàng trăm cây quế đã bóc vỏ, nằm ngổn ngang và hàng trăm cây khác đã chặt trắng vỏ ở gốc. Ông Phùng Minh Vinh thông tin, những cây quế này đã trồng khoảng 7 năm, vì làm đường nên bà con thu hoạch sớm, cho dù thời điểm hiện tại quế không được giá; còn những cây đã được chặt ở gốc là để đánh dấu đường sẽ đi qua, người dân chưa thu hoạch kịp.

Tới nhà ông Ly A Phềnh, ông có chút ngại giao tiếp với người lạ. Cũng may có cán bộ xã và những Người có uy tín đi cùng, nên ông mới mở lòng chia sẻ với chúng tôi: Gia đình ông chặt hơn 300 cây quế để giải phóng mặt bằng, tính giá quế thời điểm hiện tại cũng hơn 100 triệu đồng. Cho dù có tiếc vì quế chưa được giá, nhưng vì có con đường nên ông vẫn vui. Còn mất bao nhiêu mét vuông đất ông không để ý, chỉ biết rằng đường rộng 4,5m đi dọc chiều dài phần đất gia đình.

Đỡ lời cho ông Phềnh, ông Lây thông tin, gia đình ông Phềnh hiến khoảng 800 m2 đất, trong đó có đất cấy lúa. Ông Lây cho biết thêm, nhận thấy nhu cầu bức thiết phải có một con đường, cấp ủy, chính quyền xã Mỏ Vàng đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến Nhân dân. 

Đặc biệt, đích thân Chủ tịch UBND huyện Văn Yên đã xuống chỉ đạo và vận động người dân hiến đất làm đường mới. Cuộc vận động được hầu hết người dân hưởng ứng. Theo thống kê sơ bộ, người dân đã hiến khoảng 40.000 m2 đất, hàng vạn cây quế lớn nhỏ, trị giá khoảng 3 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều hộ là gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Có những hộ hiến hàng nghìn mét vuông đất và hàng nghìn cây quế, tiêu biểu như gia đình ông Ly Seo Chuy, hiến 3.450 m2 đất rừng và khoảng 1.000 cây quế, trị giá cây quế cũng hàng trăm triệu đồng.

"Con đường đất này sẽ do Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Về phía chính quyền sẽ chịu máy móc để đào và san lấp mặt bằng; còn Nhân dân sẽ hiến đất, hiến cây cối để cho đường đi qua. Dự kiến cuối tháng này sẽ giải phóng mặt bằng và cho máy móc và san lấp", ông Lây phấn khởi.

Niềm vui của ông Đặng Tòn Lây, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng khiến cả đoàn quên đi cái mệt giữa trời trưa nắng. Hi vọng rằng, khi con đường  “trong mơ” trở thành hiện thực, cuộc sống của Nhân dân xã Mỏ Vàng sẽ nhiều khởi sắc.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.