Bài cuối: Con đường đi tới tương lai
Tháng Năm nhiều cung bậc cảm xúc, chúng tôi về thăm lại con đường mang tên Bác. Đâu phải ngẫu nhiên đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại, là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ và cũng là những người lính Trường Sơn một thời. Đi trên con đường ấy, hiện tại đang hiện hữu trong màu xanh no ấm, cuộc sống mới đang mở ra một tương lai tươi sáng. Đường Hồ Chí Minh hôm nay vẫn đi qua những địa danh oai hùng trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ; qua nhiều làng mạc, thị trấn, thị tứ, đường đi đến đâu cuộc sống của đồng bào các dân tộc đổi thay đến đấy. Đi cùng với phát triển kinh tế, các địa phương luôn giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho bao thế hệ con em đang sinh sống, làm việc trên con đường huyền thoại.
Đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, ông Hồ Văn Nhun, người Bhnong (thuộc dân tộc Giẻ-triêng) đầu tiên mang họ Hồ, ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã kinh qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông vẫn nhớ như in những lần vận chuyển hàng hóa, đạn dược trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại phục vụ cho chiến trường miền Nam, cũng như thời khắc lịch sử khi quê hương ông và cả đất nước hòa trong niềm vui ngày giải phóng. 60 năm đã trôi qua, cuộc sống của ông Nhun cũng như hàng ngàn bà con Bhnong dọc theo con đường Hồ Chí Minh giờ đã thật sự đổi thay. “Đồng bào chúng tôi đã có đường đi, có bệnh viện, có trường học, có đường qua các xã, đến các thôn và điện đã phủ hết các thôn. Vui lắm, tự hào lắm khi được sống trong tự do và hòa bình, đời sống mọi mặt ngày càng được nâng cao”, ông Nhun chia sẻ.
Đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Quảng Nam là nơi sinh sống của hàng vạn đồng bào DTTS. Tại hơn 30 bản làng dọc theo con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, những vết tích của chiến tranh giờ đã dần lùi xa, thay vào đó là những bản làng định canh, định cư bền vững, trù phú, đồng bào các dân tộc anh em đoàn kết một lòng, xây dựng cuộc sống mới có cơm no, áo ấm, con trẻ được học hành, người đau ốm được chữa bệnh… Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi có tuyến đường Hồ Chí Minh thì đời sống Nhân dân có bước phát triển vượt bậc, việc đi lại của Nhân dân cũng dễ dàng, hàng hóa được trao đổi, buôn bán rất thuận lợi …
Có thể thấy, sau khi đất nước thống nhất, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh bắt đầu một sứ mệnh mới khi Đảng, Nhà nước quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến đường quốc gia xuyên Bắc-Nam thứ 2. Theo Quy hoạch chi tiết, đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố, có tổng chiều dài trên 3 nghìn km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 đã được Thủ tướng phê duyệt là 13.312 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 27.708 tỷ đồng và giai đoạn 3 là 273.167 tỷ đồng không kể 23.000 tỷ đồng là tổng mức đầu tư của 133km đường Hồ Chí Minh trùng với các dự án khác đã được bố trí nguồn vốn và đang được triển khai. Đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào ngày 5/4/2000. Tới năm 2020, khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, con đường sẽ là mạch máu nối liền đất nước từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Cà Mau. Ít ai biết rằng, để hồi sinh con đường huyền thoại, Nhân dân ta đã trải qua những ngày tháng vô cùng gian nan, vất vả. Vất vả không chỉ bởi địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp mà ở đó còn hàng nghìn tấn bom mìn sót lại sau chiến tranh cần phải rà phá.
Con đường lịch sử Hồ Chí Minh đang tạo nên mạch máu thứ 2 cho đất nước và cũng là sợi dây kết nối đầy ý nghĩa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, đưa đất nước phát triển trong công cuộc hiện đại hóa và hội nhập. Và những người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vẫn phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Trong diễn văn kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và truyền thống Bộ đội Trường Sơn vừa qua, Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh: Mãi mãi tự hào và không ngừng phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, Bộ đội Trường Sơn anh hùng trong thời kỳ mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà các thế hệ cha anh đã đổ biết bao xương máu mới giành lại được.
Nhằm kế thừa và phát huy truyền thống Trường Sơn anh hùng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2011, Chính phủ đã có Quyết định thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Sau hơn 8 năm thành lập, đến nay, Hội đã có 112 tổ chức thành viên và hơn 31 vạn hội viên. Tính đến cuối năm 2018, Hội đã xây dựng hơn 2.100 ngôi nhà tình nghĩa tặng hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tặng gần 4 ngàn sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo; tặng gần 600 suất học bổng cho con, cháu hội viên; 2.770 hội viên được đồng đội giúp vốn sản xuất, kinh doanh không lấy lãi với tổng số tiền 3 tỷ 584 triệu đồng; 8.167 hội viên được đồng đội tặng vật nuôi, cây giống để phát triển sản xuất, ổn định đời sống; 2.447 hộ hội viên đã vươn lên thoát nghèo…
“Trách nhiệm của người lính Trường Sơn chúng tôi ngày nay còn nhiều lắm, trong việc phát huy truyền thống Trường Sơn, giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống dân tộc, về đạo lý uống nước nhớ nguồn và tỏa sáng Trường Sơn trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước nói chung. Mai sau, ai nhắc đến Trường Sơn, chính là tôn trọng lịch sử, ai nhớ tới Trường Sơn là tri ân những người đã ngã xuống cho nước nhà thống nhất hôm nay…”, ông Nghiêm Viết Báo, người lính Trường Sơn huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh bộc bạch.
Lịch sử Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mãi mãi chói lọi và trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Sự tích về con đường vĩ đại, thiêng liêng như một huyền thoại ấy luôn có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay và mai sau. Năm tháng qua đi, màu xanh cuộc sống trên tuyến đường Trường Sơn đang tiếp tục vươn lên mạnh mẽ…
THANH HUYỀN - TẤN SỸ