Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Con Cuông (Nghệ An): Chính sách dân tộc giúp giảm nghèo bền vững

PV - 14:58, 16/07/2019

Trong những năm qua, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã có nhiều bước phát triển đột phá về kinh tế-xã hội. Để góp phần vào sự phát triển chung này không thể không nhắc tới hiệu quả của chính sách dân tộc, công tác dân tộc triển khai trên địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Phúc, bản Thanh Đào, xã Bồng Khê chia sẻ: Trước đây, gia đình anh thuộc hộ nghèo của bản. Từ khi gia đình anh được Chương trình 135 hỗ trợ một con bò cái sinh sản và được tập huấn cách nuôi và chăm sóc nên con bò phát triển tốt. Hơn một năm sau, bò mẹ đã sinh sản được 1 con bê. Ngoài nuôi bò sinh sản, gia đình anh đã mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm nên mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Năm 2017, gia đình anh đã viết đơn xin thoát nghèo.

Tương tự, anh Lô Văn Tiến ở bản Mét, xã Lục Dạ cho biết: Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhờ các chính sách hỗ trợ khuyến khích làm ăn nên gia đình đã vay vốn để đầu tư trồng 5 sào dưa hấu kết hợp với chăn nuôi tổng hợp. Hiện nay, mỗi năm thu nhập của gia đình đạt gần 100 triệu đồng. Gia đình anh đã thoát nghèo bền vững và trở thành hộ điển hình trong phát triển kinh tế hiệu quả làm giàu của bản.

Mô hình nuôi gà của gia đình Lô Văn Tiến ở Lục Dạ cho thu nhập cao. Mô hình nuôi gà của gia đình Lô Văn Tiến ở Lục Dạ cho thu nhập cao.

Điều ghi nhận trên địa bàn huyện Con Cuông là, các chính sách dân tộc, cụ thể là Chương trình 135 đã có tác động và làm động lực để nhiều hộ đồng bào vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo. Riêng năm 2018, vốn từ Chương trình 135 đầu tư cho huyện là hơn 2 tỷ đồng. Trên cơ sở này, Con Cuông đã phân bổ để thực hiện nhiều mô hình chăn nuôi và trồng trọt có hiệu quả. Cụ thể đã mua 373 con bò giống cấp cho 373 hộ. Cấp 692 con lợn nái đen cho 346 hộ, 40 con dê /10hộ đồng bào nghèo… Ngoài ra, còn hỗ trợ người dân hàng trăm triệu đồng để xây dựng các mô hình trồng các loại cây và mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Cùng với đó, từ năm 2014 đến nay, tổng kinh phí thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Con Cuông là hơn 427 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là hơn 102 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ này, cùng với lồng ghép các nguồn đầu tư khác nên nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã hoàn thiện xây dựng được nhiều công trình như trường học, đường giao thông, trạm y tế phục vụ nhu cầu dân sinh của đồng bào các dân tộc. Hiện nay 100% số xã ở Con Cuông đã có đường ô tô vào trung tâm, 100% số xã có trạm y tế kiên cố đạt chuẩn…

Ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Là huyện miền núi, cuộc sống đồng bào còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế thì các chính sách dân tộc có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh việc góp phần giúp huyện hoàn thiện đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, vấn đề quan trọng từ các chính sách hỗ trợ mang lại đó là tạo được sinh kế cho người dân phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Theo đó, từ năm 2014 đến nay trung bình hằng năm có 800-1200 hộ thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Con Cuông chỉ còn hơn 20%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 23 triệu đồng/người/năm… Đặc biệt, đã có 4 xã về đích xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nhằm tạo điều kiện để có nhiều hộ đồng bào vươn lên thoát nghèo, giúp địa phương hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

MINH THỨ