Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có một Tượng đài tri ân những người lính Việt - Nga

Trần Mạnh Tuấn - 12:51, 27/07/2021

Khắc sâu trong bia đá tên tuổi của 44 quân nhân Liên Xô và 174 cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Tượng đài Cam Ranh (Khánh Hòa), là công lao to lớn của các liệt sĩ - những người lính của hai dân tộc Việt Nam - Nga đã anh dũng hy sinh giữa thời bình lặng im tiếng súng.

Tượng đài Cam Ranh
Tượng đài Cam Ranh

Tai nạn thảm khốc

Trước khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, tôi đến Tượng đài Cam Ranh bên bờ biển Mỹ Ca (Khánh Hòa) với mong muốn: Tìm hiểu về các quân nhân, tráng sĩ Nga hy sinh tại đây và thắp nén hương tri ân các liệt sĩ với tư cách một sĩ quan hải quân thế hệ thời bình. Tượng đài Cam Ranh nằm cách sân bay Cam Ranh chừng gần 1 km. Đó là một khu đồi nhân tạo rộng 1,2 ha, một mặt tiếp giáp Đại lộ Nguyễn Tất Thành - con đường nối liền giữa TP. Cam Ranh với thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.

Cùng đến Tượng đài Cam Ranh trong hành trình này có Đại tá Nguyễn Văn Cường, một trong nhiều sĩ quan hải quân hiện đang công tác tại Học viện Hải quân Nha Trang, nhà ở huyện Diên Khánh. “Mình đã đến Tượng đài Cam Ranh nhiều lần, nhưng lần nào cũng không kìm được xúc động mỗi khi nghe chuyện kể về các tráng sĩ Nga hy sinh ngày ấy. Họ hy sinh tại Tổ quốc Việt Nam. Máu thịt họ nằm tại vùng biển Cam Ranh này. Tượng đài Cam Ranh khắc sâu công lao của họ. Nhân dân Việt Nam nhớ mãi về họ - những người con Xô Viết thân yêu của Việt Nam ở thế kỷ XX”, Đại tá Cường xúc động, nói.

Trước khi đặt chân lên từng bậc đá và chạm tay vào hai tấm bia khắc tên các liệt sĩ, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Tuấn, người quản lý Tượng đài giới thiệu một số ảnh và những trang tư liệu về “ba sự kiện” nói về sự hy sinh của các quân nhân Nga và bộ đội Việt Nam qua các năm 1985 - 1995. “Các quân nhân Liên Xô hy sinh ngày ấy mãi khắc sâu vào dòng chảy lịch sử dân tộc. Tượng đài Cam Ranh này là nơi lưu giữ, ghi ơn sự hy sinh kiên cường anh dũng của họ. Tất cả vẫn còn theo dòng chảy của thời gian”, ông Tuấn nói.

Vụ tai nạn đầu tiên xảy ra vào tháng 2/1985, đó là vụ rơi máy bay TU-95 trong vịnh Cam Ranh. Trang tài liệu trong nhà truyền thống Tượng đài ghi lại câu chuyện “Những giọt sương trắng hay là buổi chiếu phim không thành”, một câu chuyện xúc động rơi nước mắt được ghi lại trong hồi ký của Đại tá Ermonkin - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hạm đội Thái Bình Dương và cũng là xạ thủ phản ứng nhanh trên máy bay TU-95 đóng quân ở Cam Ranh ngày ấy.

Bia khắc tên các liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam
Bia khắc tên các liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam

Hồi ký kể lại. Đêm 12 rạng ngày 13/2/1985, Đại tá Ermonkin trực tại Hạm đội Thái Bình Dương tại Căn cứ Cam Ranh. Để “chiêu đãi” các phi công trên máy bay TU-95 làm nhiệm vụ trở về, ông đã mượn bộ phim “Những giọt sương trắng” để chiếu. Trước khi chiếu cho các phi công trên chuyến bay TU-95 trở về, bộ phim “Những giọt sương trắng” đã được chiếu cho các quân nhân Liên Xô khác có mặt tại Hạm đội xem trước. Thiếu tá cận vệ Krivenko đề nghị Đại tá Ermonkin làm tốt công tác chuẩn bị để khoảng 2 - 3 giờ sáng các phi công hạ cánh an toàn sẽ đến phòng xem phim được ngay. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra.

Máy bay TU-95 lượn lên bầu trời Việt Nam ở độ cao 15 km, rồi tuần tiễu “sẹt” qua Căn cứ Cam Ranh mà họ quen gọi là “đầm lầy”. Đúng lúc đó, trong bộ đàm của Thiếu tá cận vệ Spiridonov - chỉ huy tổ bay số 2 thét lên tiếng kêu cứu: “Chúng tôi bị rơi, chúng tôi bị rơi. Có ai nghe thấy không? chúng tôi…”. Một vệt ánh sáng dài trên bầu trời nhiều mây mù từ vị trí máy bay TU-95 chếch sang phải. Máy bay TU-95 “đâm nhào” xuống lòng biển. Vụ tai nạn cách Căn cứ Cam Ranh hơn 1.000 km.

36 năm trôi qua kể từ ngày bay TU-95 gặp nạn, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác nguyên nhân tai nạn từ đâu. Người ta chỉ đoán do cả hai động cơ của máy bay bị hỏng. 9 phi công dày dạn kinh nghiệm của Hạm đội Thái Bình Dương vĩnh viễn nằm lại lòng biển Việt Nam.

Vụ tai nạn nữa thứ hai xảy ra vào cuối mùa Hạ năm 1989, khi chiếc máy bay vận tải quân sự 4 động cơ cánh quạt ký hiệu AN12 bị gãy càng không thể hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đành phải bay ngược lên trời xanh để hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh. Để giảm thiểu tai nạn xảy ra, bộ phận mặt đất đã phun phủ một lớp bọt dày để giảm ma sát trên đường băng khi máy bay buộc phải hạ cánh bằng bụng. Nhưng tiếc thay, với tốc độ hạ cánh hàng trăm cây số/giờ, khi bụng máy bay AN12 vừa chạm đất, cũng là lúc tiếng nổ xé tan bầu trời.

Bia khắc tên các tráng sĩ Nga đã anh dũng hy sinh ở Việt Nam
Bia khắc tên các tráng sĩ Nga đã anh dũng hy sinh ở Việt Nam

Vụ tai nạn đó đã “cướp” đi 16 quân nhân Liên Xô và 1 sĩ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngoài ra còn có 9 phụ nữ và trẻ em là vợ, con các sĩ quan Việt Nam và Liên Xô bị thiệt mạng.

Vụ tai nạn thứ ba xảy ra làm chấn động trong ngành bay quân sự Việt Nam và Liên Xô cùng thế giới lúc đó. Đó là ngày 12/12/1995, khi phi đội “siêu âm SU 27” do những phi công trình diễn lừng danh lái đã đâm vào núi gần Cam Ranh.

Ông Nguyễn Văn Tuấn dừng lại bên trang tài liệu đã ố cũ, rưng rưng, nói: “Mỗi lần xem những dòng tư liệu này, tôi lại rất xúc động. Họ đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời rất trẻ”.

Bia đá âm thầm khắc tên anh

Chúng tôi chậm rãi đặt bước chân lên từng bậc tượng đài trong niềm xúc động thiêng liêng. Giữa Tượng đài cao vút sừng sững là hai tấm bia đá khắc tên các liệt sĩ. Tấm bia bên trái khắc tên 44 quân nhân Liên Xô. Tấm bia bên phải khắc tên 174 cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988. Cả hai tấm bia có một dòng chữ chung khắc hai ngôn ngữ Việt - Nga “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực”.

Ông Tuấn cho biết, Tượng đài Cam Ranh lúc đầu chỉ là một tấm bia đá do một quân nhân Liên Xô dựng lên năm 1986 để tưởng nhớ những người lính Xô Viết, đúng sau 1 năm kể từ ngày 9 thành viên trong kíp bay TU-95 hy sinh ngày 13/2/1985. Tháng 5/2007, để tri ân những người con Xô Viết và người lính Việt Nam, lãnh đạo Liên doanh Vietsovpetro chọn mẫu thiết kế của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng để xây dựng Tượng đài Cam Ranh như hiện tại. Nhân kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng mười Nga (7/11/2007), viên đá đầu tiên đã được những người lính Xô - Việt đặt xuống cạnh bờ biển Mỹ Ca trong niềm tưởng nhớ xúc động và tri ân các liệt sĩ từ trái tim họ.

Sau 2 năm thi công, ngày 10/12/2009, Tượng đài Cam Ranh được khánh thành trong sự vui mừng chen lẫn xúc động giữa các bạn Nga và người Việt. Hàng trăm thanh niên, học sinh sinh viên, Nhân dân địa phương tỉnh Khánh Hòa dự Lễ khánh thành Tượng đài Cam Ranh xúc động rơi nước mắt khi nghe về những câu chuyện kể. “Tượng đài Cam Ranh là một trong những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật làm bằng đá Grannit lớn nhất Việt Nam, nặng 800 tấn, cao 21m. Nổi bật nhất của tượng đài là mũi tàu và cột buồm trắng - thể hiện sức mạnh và chinh phục bầu trời của không quân hai nước. Tượng hai người lính Xô - Việt và em bé nâng cánh chim hòa bình - thể hiện tình hữu nghị lâu đời của hai dân tộc Việt - Nga”, ông Tuấn cho biết.

Cây lộc vừng do Phó Tổng giám đốc thứ nhất Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Mikhail Anatolevich trồng tặng ngày 22/12/2011, nhân dịp ông và đoàn công tác đến dâng hương tương niệm các liệt sĩ Việt - Nga
Cây lộc vừng do Phó Tổng giám đốc thứ nhất Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro Mikhail Anatolevich trồng tặng ngày 22/12/2011, nhân dịp ông và đoàn công tác đến dâng hương tương niệm các liệt sĩ Việt - Nga

Khuôn viên xanh quanh Tượng đài bất tử

Quanh Tượng đài Cam Ranh là hàng trăm cây cổ thụ xanh mướt. “Mỗi đoàn đến Tượng đài thăm viếng các liệt sĩ đều trồng một cây xanh. Trong khuôn viên này hơn 200 cây xanh có trên 30 năm tuổi và hàng trăm cây khác. Nó không chỉ “che mát” cho các anh linh liệt sĩ, mà còn tạo ra môi trường sống xanh, lành mạnh. Tượng đài Cam Ranh bây giờ chẳng khác gì công viên”, ông Tuấn nói trong tự hào.

Tượng đài Cam Ranh đã trở thành di tích thiêng liêng. Nó không chỉ như một dấu ấn lịch sử về mối quan hệ quốc tế cao cả giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên Xô (nay là Liên Bang Nga); mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ thanh niên Việt - Nga qua nhiều thế hệ. Tượng đài Cam Ranh sừng sững giữa nắng gió Cam Ranh, mãi trường tồn như những tráng sĩ Nga và chiến sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh quên mình, nhưng còn sống mãi trong tình hữu nghị Việt - Nga từ đời này qua đời khác.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.