Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Có một nghề không chỉ để mưu sinh

PV - 11:07, 12/03/2018

Có dịp lên Hà Giang, dự các nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Dao, sẽ thấy trong mâm lễ hay trên bàn thờ một loại giấy xếp thành từng tệp, nhấc ra mỗi tờ mỏng tang, được in hoa văn. Đồng bào dân tộc Dao gọi đó là giấy bản.

Khác các loại giấy thông thường, giấy bản chỉ được sử dụng trong lễ ,Tết hoặc trong các lễ thức quan trọng của cộng đồng như: Lễ cấp sắc, Lễ quỹa hiéng (còn gọi là lễ qua năm), Lễ thức cúng hồn lúa,…

Nơi “phát tích” nghề truyền thống

Suốt nhiều năm qua, gia đình ông Phàn Chàn Quang, thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang, Hà Giang) đã gắn bó với nghề làm giấy bản.

Ông bảo, giấy bản được sản xuất quanh năm, chủ yếu lúc nông nhàn. Những năm gần đây, thôn Thanh Sơn được công nhận là làng nghề, không chỉ người Dao mà người Kinh, người Mông, người Pà Thẻn, Pu Péo, Xinh Mun,… cũng dùng giấy bản trong dịp lễ tết nên nghề làm giấy bản đem lại thu nhập khá; nhiều gia đình ở Thanh Sơn đã chú tâm phát triển nghề.

Người dân thôn Thanh Sơn với nghề làm giấy bản. Người dân thôn Thanh Sơn với nghề làm giấy bản.

 

Theo ông Quang, nghề làm giấy bản của người Dao duy trì phát triển theo hình thức cha truyền con nối.

Như ông Quang, năm nay đã gần tuổi 80, ông được bố mình truyền lại nghề từ thời tóc còn để chỏm. Giờ đây, ông đã truyền lại nghề làm giấy cho con gái mình là chị Phàn Thị Dung, năm nay 40 tuổi, cũng đã làm nghề từ nhỏ.

Ông Quang cho hay, việc “cha truyền con nối” không phải vì sợ “mất nghề” mà vì làm giấy bản gắn chặt với đời sống tâm linh của người Dao đỏ thôn Thanh Sơn. Người Dao Thanh Sơn làm giấy bản bằng thủ công, dù vất vả, năng suất chưa cao nhưng gửi gắm trong đó niềm thành kính với tổ tiên. Vì thế, mỗi tờ giấy được làm một cách trân trọng, nâng niu, đầy tâm huyết.

Để “mục sở thị”, ông dẫn tôi đến chỗ con gái mình đang tráng giấy. Chị Dung đang phết dung dịch sóng sánh màu vàng xanh từ bể ngâm lên tấm vải có khuôn gỗ kích thước khoảng 80cm x 20cm. Đôi bàn tay mềm mại của người phụ nữ phết ngang, phết dọc để nguyên liệu giấy phủ đều lên tấm vải.

Ông chia sẻ, làm giấy bản khó nhất là khâu bóc giấy. Khi tráng xong, từng tờ giấy được xếp chồng lên nhau để ép nước, sau đó bóc ra rồi đem phơi khô. Công đoạn bóc giấy đem phơi cần sự khéo léo cũng như sự chú tâm của người làm nghề, được ví như “chăm trẻ” bởi chỉ cần mạnh tay là giấy có thể rách.

Cũng vì cần sự chỉn chu, tâm huyết đó mà người làm nghề không giàu. Theo tính toán của ông Quang, mỗi năm gia đình ông cũng chỉ làm được khoảng 100 buộc giấy, mỗi buộc có 80 thiếp, mỗi thiếp có 5 tờ giấy bản. Tính giá 1 buộc giấy bản khoảng 100-115 nghìn đồng thì thu nhập từ nghề cũng chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Giữ lề văn hóa

Nghề làm giấy bản chưa đem lại thu nhập cao cho người dân thôn Thanh Sơn nhưng hiện nay, cả thôn có 128 hộ thì có đến 104 hộ làm nghề. Bởi với người dân thôn Thanh Sơn, làm giấy bản không chỉ là một nghề mưu sinh mà hơn cả là giữ gìn, phát triển một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ai đã có dịp lên Hà Giang, về với những bản làng của người Dao, sẽ thấy vị trí của những tờ giấy bản trong đời sống tâm linh của đồng bào. Mỗi gia đình người Dao có một góc thờ, chỉ dán tờ giấy lên vách phía sau đối diện với cửa chính để đánh dấu. Cũng giống như người Kinh đốt vàng mã trong ngày lễ, người Dao đỏ đốt giấy bản theo quan niệm tâm linh.

Giấy bản được sử dụng trong tất cả các ngày lễ, Tết, cúng bái của người Dao và một số dân tộc khác như Mông, Pà Thẻn... Giấy bản được sử dụng trong tất cả các ngày lễ, Tết, cúng bái của người Dao và một số dân tộc khác như Mông, Pà Thẻn...

 

Đặc biệt, giấy bản hiện hữu trong các lễ hội, cho đến các lễ thức độc đáo của đồng bào dân tộc Dao. Điển hình như Lễ quỹa hiéng (còn gọi là Lễ qua năm),… Đây là lễ thờ cúng tổ tiên của người Dao, được tổ chức ngày cuối cùng trong năm (âm lịch). Trên đàn cúng, ngoài những vễ vật là những sản vật nông lâm nghiệp được chính các hộ gia đình trồng chế biến như thịt gà, cơm, rượu, các loại bánh, hương tiền, đèn nến,… thì vật phẩm không thể thiếu là bát gạo gói trong một mảnh vải mộc màu trắng phía trên có để một chiếc vòng tay bằng bạc và những tập giấy bản.

Trước khi kết thúc phần nghi lễ, thầy cúng đốt số giấy bản trên đàn cúng và thổi một hồi tù để tiễn biệt các ma về cõi Giàng Chiêu.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.