Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện Bác Ái đã có 40 người đi XKLĐ, đạt 400% chỉ tiêu đề ra của cả năm. Điều phấn khởi là nguồn thu nhập của các lao động gửi về đã giúp nhiều hộ gia đình có cuộc sống ổn định hơn, mở ra cơ hội thoát nghèo trong tương lai.
Chị Chamaléa Thị Loan, cán bộ phụ trách hoạt động XKLĐ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái cho biết: Hiện nay, lực lượng lao động xuất ngoại trên địa bàn huyện Bác Ái tập trung chính ở hai thị trường Malaysia và Ả rập Xê-út. Trong đó, thị trường Ả rập Xê-út chiếm phần lớn dù mới chỉ bắt đầu thu hút khoảng hơn 2 năm nay. Riêng nguồn thu nhập từ thị trường này, qua thống kê sơ bộ trong năm 2017 và 4 tháng đầu năm 2018, các lao động đã gửi về hơn 2 tỷ đồng cho gia đình. Hiện nay, thị trường này cũng đang tiếp tục được các hộ gia đình đăng ký cho người thân đi trong thời gian tới. Công việc chính ở quốc gia này là phụ việc nhà nên rất hợp với hầu hết các phụ nữ tại địa phương, nguồn thu nhập cũng rất ổn định từ 9-12 triệu đồng/tháng.
Điển hình như gia đình bà Chamaléa Thị Hạnh, thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại (Bác Ái). Trước đây, bà Hạnh thuộc diện hộ nghèo của địa phương, dù được hỗ trợ vay vốn từ các nguồn chính sách để phát triển sản xuất nhưng kinh tế gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cả 7 người phải ở trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp.
Giữa năm 2015, nhờ được tư vấn về hoạt động XKLĐ, chị Hạnh đã cho con gái là Chamaléa Thị Diệu đăng ký đi XKLĐ ở Ả rập Xê-út. Sau 2 năm, từ nguồn thu nhập của Diệu gửi về, gia đình chị Hạnh đã có đủ điều kiện để trả nợ ngân hàng, mua bò chăn nuôi theo mô hình sinh sản. Đầu năm 2018, cùng với số tiền của Diệu gửi về và bán bớt một số bò, bà Hạnh đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá gần 200 triệu đồng.
Hiện gia đình bà Hạnh không còn là hộ nghèo, kinh tế đã ổn định hơn, con cái cũng có thêm điều kiện để học hành. Theo chia sẻ của bà Hạnh, thì con gái bà dù đã hết hạn hợp đồng với đơn vị bảo lãnh từ cuối năm 2017, nhưng Diệu đã xin gia hạn một năm để lao động tích cóp thêm vốn, sau khi về nước sẽ đầu tư làm ăn.
Thời gian qua, huyện Bác Ái đã có những giải pháp rất cụ thể, đặc biệt là đẩy mạnh khâu tuyên truyền, tư vấn để người dân hiểu rõ và yên tâm khi XKLĐ. Ông Bùi Quốc Việt, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bác Ái cho biết: Hiện nay, trên địa bàn có 2 đơn vị luôn sẵn sàng kết nối với lao động địa phương khi họ có nhu cầu, đó là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hoàng Hưng và Công ty Cổ phần Hợp tác quốc tế Thăng Long. Cùng với đại diện của 2 Công ty này, chúng tôi đổi mới theo cách mời trực tiếp lao động trong thôn đến nhà cộng đồng để xem trình chiếu các hình ảnh, video của người lao động địa phương đang làm việc tại nước ngoài; đồng thời, liên lạc trực tiếp với các lao động qua mạng xã hội để họ trao đổi với người dân về các công việc, thu nhập cũng như cuộc sống hiện tại. Qua những cách đổi mới, có thể nói hoạt động XKLĐ hiện nay tại địa phương rất đáng phấn khởi.
Theo ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, thông qua các hội nghị chuyên đề về XKLĐ đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác giải quyết việc làm. Đặc biệt là ở các huyện miền núi, ngành Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các hội, đoàn thể, ban quản lý thôn làng tuyên truyền về XKLĐ để người dân nghe và tin tưởng. “Hiện nay, XKLĐ được xem là kênh giải quyết việc làm rất hiệu quả nhằm xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập đáng kể cho người lao động, đặc biệt là bà con vùng miền núi. Với những kết quả mà huyện Bác Ái đã đạt được như hiện nay, tin rằng nếu tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn nữa về lợi ích của XKLĐ thì cơ hội cho bà con thoát nghèo bền vững là rất lớn”, ông Quang chia sẻ thêm.
THÀNH NHÂN