Về hợp tác giữa Quốc hội hai nước, hai Chủ tịch Quốc hội đều nhấn mạnh, Quốc hội hai nước cần đóng vai trò đòn bẩy, là chất xúc tác, tạo động lực đẩy mạnh quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Động lực đẩy mạnh quan hệ hai nước
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Quốc hội hai nước sẽ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác.
Mong muốn quan hệ giữa Quốc hội hai nước sẽ trở thành hình mẫu về hợp tác nghị viện giữa Việt Nam với các nước châu Phi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Cơ quan lập pháp hai nước tiếp tục tăng cường tiếp xúc, trao đổi Đoàn giữa lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội hai nước, trao đổi kinh nghiệm xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phục vụ công cuộc phát triển của mỗi nước và hoạt động nghị viện. Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tiếp đón các đoàn Quốc hội Bờ Biển Ngà sang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Cùng với đó, cơ quan lập pháp cần tăng cường hợp tác giám sát việc thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận hợp tác đã ký giữa Chính phủ hai nước; ủng hộ và tăng cường kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước; tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân hai nước sinh sống đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước.
Hai bên tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như: Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF)...
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, hai nước tiếp tục đưa quan hệ chính trị ngoại giao đi vào chiều sâu, hợp tác thực chất, cùng có lợi trên tất cả các kênh, bao gồm: Kênh đảng cầm quyền, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, trao đổi Đoàn các cấp, tăng cường phối hợp trong các tổ chức Pháp ngữ và các cơ chế đa phương khác như: Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết...
Tại hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo chia sẻ, là nền kinh tế có sức chống chịu tốt, Bờ Biển Ngà đang có bước chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành 1 trong 10 quốc gia hàng đầu châu Phi và đang hướng đến mục tiêu năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ đói nghèo xuống còn 16%.
Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà cho biết, Việt Nam chính là hình mẫu đối với Bờ Biển Ngà về sự thành công, về sức chống chịu và là nguồn cảm hứng trong công cuộc đấu tranh chống lại sự đói nghèo, chậm phát triển.
Với sự phát triển rất năng động của mình, nhất là những bài học đã đúc rút được trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà mong muốn Việt Nam, Quốc hội Việt Nam tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Bờ Biển Ngà.
Hợp tác hướng tới 3 lĩnh vực trọng tâm
Hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí cho rằng, hợp tác thương mại, kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà đề nghị, hai nước tập trung thúc đẩy hợp tác trong 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: Nông nghiệp, giao thông và đào tạo nghề.
Cụ thể, Việt Nam có thể triển khai các nhà máy chế biến điều tại Bờ Biển Ngà, nhập ca-cao của Bờ Biển Ngà và là “cửa ngõ” để ca cao của Bờ Biển Ngà vào thị trường các nước Đông Nam Á, doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết với doanh nghiệp Bờ Biển Ngà để xúc tiến thương mại, chế biến ca cao...
Hai nước nghiên cứu việc thiết lập đường bay thẳng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước. Việt Nam hỗ trợ Bờ Biển Ngà về giáo dục, đào tạo việc làm cho thanh niên trong các lĩnh vực: Tin học, điện tử và cơ khí...
Nhất trí với những đề xuất hợp tác hết sức cụ thể, thiết thực và khả thi giữa hai nước được Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo nêu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai nước tiếp tục trao đổi các biện pháp sáng tạo, thiết thực hơn nữa để thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng hơn, đa dạng hóa mặt hàng trao đổi.
Hai nước cần tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp để đưa các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước thâm nhập thị trường của nhau. Việt Nam sẵn sàng là "cửa ngõ" cho các sản phẩm của Bờ Biển Ngà vào thị trường ASEAN và châu Á; sẵn sàng thảo luận với phía Bờ Biển Ngà về việc nhập khẩu thêm các mặt hàng hạt điều, bông, ca cao...; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư, tăng cường kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp; tổ chức đoàn doanh nghiệp sang tham dự một số sự kiện thương mại lớn tổ chức thường niên tại Việt Nam như: Hội chợ thương mại quốc tế VietnamExpo, Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Vietnam Foodexpo...
Việt Nam mong muốn mở rộng trao đổi sang Bờ Biển Ngà một số mặt hàng có thế mạnh như: Thủy sản, phân bón, dệt may, giày dép, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng, điện tử, máy móc, thiết bị điện, cơ khí; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kim ngạch thương mại gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà. Bờ Biển Ngà có thể là cửa ngõ cho các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường châu Phi.
Thúc đẩy hợp tác đầu tư song phương
Hoan nghênh những kết quả hợp tác ban đầu giữa hai nước trong lĩnh vực đầu tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Bờ Biển Ngà đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bờ Biển Ngà.
Để làm được điều này, hai bên cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, tạo thuận lợi cho thanh toán giữa hai bên, cho phép mở chi nhánh của ngân hàng Việt Nam tại Bờ Biển Ngà.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bờ Biển Ngà sớm phản hồi về dự thảo Biên bản ghi nhớ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu mối phụ trách về Hiệp định thương mại song phương với Việt Nam để hai bên tiếp tục trao đổi...; tích cực đàm phán ký các văn kiện hợp tác, tạo điều kiện pháp lý cho hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư.
Cho biết đây là những cơ sở pháp lý cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đầu tư tại Bờ Biển Ngà, nhất là đầu tư các nhà máy chế biến hạt điều, thủy sản, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng cùng với Chính phủ thúc đẩy quá trình đàm phán các hiệp định này.
Về hợp tác đa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết...; đề nghị Bờ Biển Ngà ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2030 - 2032.
Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối giúp Bờ Biển Ngà tăng cường hợp tác với ASEAN; mong muốn Bờ Biển Ngà tiếp tục ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - châu Phi trong khuôn khổ Liên minh châu Phi và Cộng đồng kinh tế các quốc gia châu Phi.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bờ Biển Ngà ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Hai Chủ tịch Quốc hội thống nhất cho rằng, nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác rất quan trọng giữa hai nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, hai bên tiếp tục thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác đối với lĩnh vực này như một lĩnh vực hợp tác ưu tiên thông qua cơ chế Nam - Nam hoặc phối hợp đề xuất bên thứ 3 hỗ trợ để thúc đẩy hợp tác trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà (với nguồn tài trợ từ: EU, OIF, FAO...).
Hai Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần duy trì, phát triển hợp tác chuỗi giá trị về hạt điều; thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và chế biến hạt điều; hợp tác trao đổi chuyên gia về sản xuất điều.
Việt Nam mong muốn Bờ Biển Ngà duy trì nguồn cung cấp hạt điều ổn định, với khối lượng lớn và sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Bờ Biển Ngà cải tiến giống, tăng năng suất. Hai nước hoàn toàn có thể hợp tác xây dựng chuỗi giá trị mạnh về hạt điều trong khu vực cũng như trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh đề xuất hợp tác trao đổi kinh nghiệm về giáo dục đại học, đào tạo công nghệ thông tin của phía Bờ Biển Ngà, hợp tác văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân; đề nghị hai bên nghiên cứu thúc đẩy hợp tác trong các ngành công nghiệp như: chế biến nông sản, thực phẩm, khai khoáng; khuyến khích hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, an ninh mạng, giao thông vận tải.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội trân trọng mời Thượng viện và Quốc hội Bờ Biển Ngà cử đoàn tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 14 - 18/9/2023 tại Hà Nội.
Nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về hợp tác hai nước và hai Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà khẳng định sẽ nỗ lực làm cầu nối để thúc đẩy thực hiện nhanh các nội dung vừa thống nhất; đồng thời trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Bờ Biển Ngà để tiếp tục thảo luận, mở rộng các lĩnh vực hợp tác giữa hai Quốc hội và hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Bờ Biển Ngà. Chủ tịch Quốc hội Adama Bictogo là Chủ tịch Quốc hội đầu tiên và cũng là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Bờ Biển Ngà sang thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng, chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường hợp tác giữa hai Cơ quan lập pháp nói riêng và hai nước nói chung, tạo đà mở rộng hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực khác, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà Adama Bictogo trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị ngay từ khi đặt chân đến Việt Nam; cho biết, tham gia Đoàn lần này có lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội Bờ Biển Ngà đồng thời là đại diện cho các đảng chính trị trong Quốc hội, thể hiện Quốc hội Bờ Biển Ngà hết sức coi trọng quan hệ đối với Quốc hội Việt Nam và với Việt Nam.