Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện về những cây nghiến di sản

Thu Trang, Giang Lam - 00:30, 23/06/2024

Tuyên Quang vừa vinh dự có 3 cây nghiến được công nhận Cây Di sản Việt Nam, trong đó 2 cây thuộc thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang và 1 cây thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình. Rễ của những cây nghiến này đã luồn lách qua từng kẽ đá hàng trăm, hàng nghìn năm để ăn sâu vào lòng đất và vươn mình lên bầu trời xanh.

Cây nghiến tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
Cây nghiến tại thôn Nà Khậu, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Cúi đầu khi đi qua cây

Những ngày đầu tháng 3/2024, Nhân dân thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang có thêm niềm vui khi 2 cây nghiến thuộc địa bàn thôn được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. 2 cây nghiến có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi, chu vi trên 6m, cao 36m, 1 cây nằm tại khu rừng Khau Ngọm và 1 cây nằm tại khu rừng Nàng Phia Đén, được Nhân dân bảo vệ, giữ gìn từ nhiều đời nay.

Bà Triệu Thị Vy, 80 tuổi, ở thôn Bản Bung chia sẻ, chẳng còn ai nhớ cây nghiến có từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ đời này qua đời khác, cây đã ở đó, gắn bó, che chở cho bao nhiêu thế hệ khôn lớn, trưởng thành. Người dân nơi đây sống bên rừng, chết cũng bên rừng nên có truyền thống tôn thờ những “cụ thụ mộc”. Những người lớn tuổi trong thôn thường dặn con, cháu mỗi lần đi ngang qua cây đều phải giữ im lặng, cúi đầu tôn kính như một cách để cảm tạ thần rừng. Vì thế mà việc bảo vệ, giữ gìn rừng được xuất phát từ trái tim mỗi người.

Việc bảo vệ cây di sản không chỉ là việc làm để tri ân các thế hệ đi trước mà còn có giá trị thời đại. Bởi cây di sản nếu biết bảo tồn, phát huy tốt sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường

Thôn Bản Bung nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, có 49 hộ dân sinh sống. Việc công nhận 2 cây nghiến là Cây Di sản Việt Nam mang rất nhiều ý nghĩa. Theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, cây di sản gắn liền với các yếu tố về lịch sử, văn hóa, dân tộc. Vì vậy, việc bảo vệ cây di sản không chỉ là việc làm để tri ân các thế hệ đi trước mà còn có giá trị thời đại. Bởi cây di sản nếu biết bảo tồn, phát huy tốt sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt.

Cây nghiến di sản tại thôn Bản Bung từ khi được công nhận là Cây Di sản, đã đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, chụp ảnh check-in. Người dân trong thôn ai cũng phấn khởi vì chưa bao giờ Bản Bung được nhiều người biết đến như vậy. Ông Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ 2 cây di sản này cũng như các cây cổ thụ khác. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân học làm du lịch, bắt đầu từ việc chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa, khuôn viên trong thôn, thành lập đội văn nghệ để phục vụ nhu cầu của du khách”.

Cây nghiến tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào tháng 3/2024
Cây nghiến tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào tháng 3/2024

Còn nhiều cây di sản sẽ được công nhận

Xã Phúc Yên có tỷ lệ rừng che phủ lớn nhất của huyện Lâm Bình. Trong diện tích rừng tự nhiên do UBND xã Phúc Yên quản lý có quần thể nghiến cổ thụ hàng nghìn năm tuổi, phân bố rải rác trên diện tích khoảng 1,5ha. Trong đó có 1 cây nghiến ở thôn Nà Khậu chu vi 720cm, thân thẳng, chiều cao vút ngọn 35m, rễ bám sâu vào vách đá. Cây sinh trưởng và phát triển tốt và được công nhận là Cây Di sản vào đầu tháng 4/2024. Bên cạnh cây nghiến là dòng suối trong xanh, là nơi sinh sống của nhiều loài cá. Do đó, rất thuận lợi phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm, khám phá cho du khách.

Bí thư Chi bộ thôn Nà Khậu - Nguyễn Văn Hợp cho biết, cây nghiến được công nhận là Cây Di sản nằm trong quần thể nghiến của xã, là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây. Chính vì thế, người dân trong thôn đều tự bảo nhau giữ rừng, giữ cây như một phần của cuộc sống.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận xét, Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng cao nhất của cả nước. Tại đây còn nhiều quần thể nghiến hàng nghìn năm tuổi và các loại cây cổ thụ khác. Trong thời gian tới, chắc chắn tỉnh Tuyên Quang sẽ còn nhiều cây cổ thụ đạt tiêu chuẩn được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.