Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện về người viết sách bằng... miệng!

Nguyễn Thanh - CTV - 08:58, 27/06/2023

Có những câu chuyện là tột cùng của nghị lực, là hiện thân của niềm tin. Có những câu chuyện như một bản trường ca về khát vọng sống, cống hiến đầy giá trị nhân văn… Với Phạm Sỹ Long - chàng trai sinh năm 1988 ở thôn Hợp Thuận, xã Xuân Phổ (Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) bị liệt tứ chi, là một hiện thân như thế.

Nghị lực sống
Nghị lực sống

Định mệnh cuộc đời

Số phận đã khiến Long gắn đời mình với chiếc giường cũ kĩ ở góc nhà; để ngày ngày người mẹ tảo tần, khốn khổ phải chăm bẵm từng miếng ăn giấc ngủ. 20 năm rồi còn gì…

Trong câu chuyện về cuộc đời, Long kể với chúng tôi mà đôi mắt anh ráo hoảnh, như thể đó là câu chuyện của ai kia, từ thời xa lắc nào.

“20 năm trước, tôi cùng lũ bạn chăn bò. Thấy trên cây phi lao có một tổ chim rất to nên đã tò mò lên xem. Nhưng không may, khi chưa xem được gì thì tôi đã ngã từ trên cao xuống với tư thế đầu cắm xuống đất. Khoảnh khắc ấy, tôi cảm nhận rằng cổ tôi đã bị gãy nhưng không thể nào nói cho những người xung quanh biết”, Long kể.

Sau thời khắc định mệnh ấy, bố mẹ đã rất cố gắng để cứu chữa cho chàng trai “độc đinh” trong gia đình có bốn chị em. Tiền mất, thời gian mất, hy vọng dần mất… nhưng “tật vẫn mang” theo những cái lắc đầu của các y, bác sĩ.

Long trở về nhà với cơ thể bất động với nỗi đau thể xác và tâm hồn luôn giằng xé, cào cấu trái tim non nớt của cậu thiếu niên hơn 15 tuổi. Kể đến đây, đôi mắt Long đã không còn ráo hoảnh. Giọng cậu trở nên nghẹn nghào và đôi mắt thì đỏ hoe: Đó là cú sốc tinh thần rất lớn đối với tôi, vì bỗng dưng mình thành người tàn phế. Vì thế, tôi thường xuyên cáu giận, la mắng người thân. Mẹ tôi là người thường xuyên bị tôi trút giận.

Những trang vẽ của Long
Những trang vẽ của Long

Ngồi kế bên con, bà Trần Thị Hà dường như cũng đã bớt u sầu hơn trước. Bà nhớ lại: Em nó từng xin tôi vào trung tâm bảo trợ xã hội để mẹ đỡ vất vả chăm sóc. Tôi không đồng ý. Tôi chỉ bảo rằng, chừng nào mẹ còn khỏe thì mẹ vẫn sẽ cố gắng để chăm sóc cho con… Vậy là nó không nói thêm lần nào nữa.

Long từng mơ ước lớn lên mình sẽ trở thành một người lính góp sức bảo vệ biên cương Tổ quốc, hoặc trở thành một đầu bếp để chế biến ra những món ăn ngon. Nhưng tất cả đã vụn vỡ. Buổi chiều định mệnh 20 năm trước đã xé nát giấc mơ non trẻ. Từng có thời điểm, Long chỉ có một ước mơ là… “được chết”. Nhưng, anh chẳng đủ sức để có thể tự chết được.

Ngậm bút… viết giấc mơ

Không đầu hàng số phận. Long luôn đinh ninh trong tâm khảm mình điều ấy. Chúng tôi nghĩ, đó chắc chắn là phương châm sống đã giúp anh vượt lên nghịch cảnh bản thân suốt bao năm qua.

Động lực khi "đứa con tinh thần" xuất bản là để Long tiếp tục đeo đuổi ước mơ và khát vọng
Động lực khi "đứa con tinh thần" xuất bản là để Long tiếp tục đeo đuổi ước mơ và khát vọng

Với một người liệt tứ chi, động lực nào để anh sống tiếp? - chúng tôi hỏi và Long như trút cả nỗi niềm, như thể chúng tôi đã là bạn tự thuở nào: Tình cờ, tôi được bạn tặng cho cuốn tự truyện về một người chị khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Phải nói là cuốn sách như một liều thuốc tinh thần giúp tôi vững tin hơn rất nhiều. Trong thâm tâm, lúc ấy tôi nghĩ, mình cũng sẽ viết một cuốn sách như chị để chia sẻ về số phận của mình.

Nghĩ thế, nhưng với người lành lặn đã khó, người liệt tứ chi như Long càng khó bội phần. Ngẫm lại trên cơ thể, Long chỉ có mỗi cái miệng vẫn còn hoạt động được tốt. Và Long đã quyết tâm học viết bằng chính cái miệng của mình.

Biết rõ điều này, gia đình chẳng ai tin. Chính bố Long còn thở dài mà gạt đi: Trên đời này làm gì có ai viết chữ bằng miệng. Không nản, Long đã đề nghị mua sách vở, bút để thử sức rồi dùng chiêu “tuyệt thực” để mong có được thứ ấy.

Niềm lạc quan luôn là thứ để Long vượt qua tất cả
Niềm lạc quan luôn là thứ để Long vượt qua tất cả

Long tâm sự: Răng tôi ê buốt, thậm chí miệng còn bị loét vì tập viết bằng miệng. Đâu một tháng hơn, tôi chỉ ăn cháo loãng thôi.

Những kiên trì, nỗ lực của Long đã được đền đáp khiến gia đình, bạn bè tròn mắt khi anh viết được những dòng chữ đầu tiên bằng miệng. Động lực ấy là niềm vui lớn, để anh hoàn thiện trang bản thảo đầu tiên về nhật ký đời mình dài hơn 800 trang.

Long như say hơn với “nghiệp viết lách”. Đến nay, anh đã là tác giả của 4 cuốn hồi ký, 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn, dài. Thậm chí, anh còn có gần trăm bức tranh. Tất cả được anh viết, vẽ bằng miệng. Từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, năm 2013 Long xuất bản được tập thơ đầu tay “Miền khát vọng”; năm 2020 là đứa con tinh thần thứ hai: Truyện dài “Không chỉ là giấc mơ” ra đời.

Long nhận bằng khen trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022
Phạm Sỹ Long nhận Bằng khen trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022

Đáng trân trọng hơn, số tiền có được từ bán thơ, bán truyện, anh trích ra một phần để tặng các em nhỏ trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội vươn lên, cũng như ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt thời điểm ấy.

Phạm Sỹ Long là 1 trong 50 gương thanh niên khuyết tật được tôn vinh trong chương trình Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Long cũng là thanh niên đã được Đảng ủy xã Xuân Phổ tặng Giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh 2016; được cấp Chứng chỉ khóa Coaching của Tiến sĩ Khiem Nguyen; Chứng chỉ khóa luyện giọng nói, MC của Công ty Best Talent; Chứng chỉ khóa đào tạo diễn giả chuyên nghiệp của diễn giả hàng đầu thế giới Jimmy Thai.

Chúng tôi lần giở những tập viết của Long và cay xè mắt trước một sức sống mãnh liệt, khát khao góp ích cho đời của chàng trai 35 tuổi liệt tứ chi. Sức sống mãnh liệt ấy, là tất cả những nỗi niềm được Long gói ghém trong bài thơ “Đầu tiên”: Mong sao được là chim, tung cánh bay giữa trời/ Mong sao được là cá, bơi lội giữa biển khơi/ Mong sao được là mây, bay đi khắp muôn nơi/ Mong sao được là hoa, tỏa hương ngát cho đời

Giờ đây, thế giới của Long là chiếc giường cũ kĩ. Ở trên đó, chàng trai trẻ bày biện đủ thứ, nhưng đa phần là những bức vẽ còn dở dang, những trang bản thảo sơ sài…

Nguồn cảm hứng bất tận

Không chỉ những hoàn cảnh cùng cảnh ngộ, với chúng tôi, Long đã là nguồn cảm hứng bất tận về sự nỗ lực vượt khó không mệt mỏi.

Những nỗ lực của bản thân vượt lên nghịch cảnh đã được Long gói ghém tất cả trong chương trình học trực tuyến “Thức tỉnh giọng nói bên trong bạn” để hỗ trợ mọi người luyện giọng nói, đào tạo MC và thuyết trình.

Lại một lần nữa trong đời, ý tưởng của Long chẳng ai tin. Ai đời, một chàng trai liệt toàn thân, chẳng qua trường lớp đào tạo chuyên nghiệp nào mà “đứng lớp” dạy về giao tiếp... thì tin sao nổi. “Những buổi đầu mở lớp, chẳng có ai tham gia nhưng tôi vẫn kiên trì giảng một mình. Có người tò mò vào xem rồi lại ra nhưng tôi không nản”, Long trải lòng.

Long chính là nguồn cảm hứng lớn về nghị lực sống
Long chính là nguồn cảm hứng lớn về nghị lực sống

Chúng tôi càng khẳng định thêm rằng, lòng kiên trì vẫn luôn là thứ mạnh nhất để anh đeo đuổi những dự định, những ấp ủ. Thấy Long mày mò đăng bài lên mạng, một số bạn trẻ đã tin tưởng, giúp đỡ để anh hoàn thiện giấc mơ. Khóa học đầu tiên khai giảng vào cuối năm 2021 và cho đến thời điểm hiện tại, trung tâm của Long đã trải qua 8 khóa học, với hơn 100 học viên trên khắp mọi miền đất nước, với đủ đối tượng.

Nhiều người tham gia đã có chung nhận xét: Những bài chia sẻ của anh dào dạt năng lượng tích cực, đã giúp cho không ít bạn trẻ khuyết tật vượt qua mặc cảm, dám chia sẻ về cuộc sống và ước mơ của chính mình. Long nhấn mạnh rằng: Tôi mong những ai tham gia khóa giảng, thì hãy đặt cho mình một mục tiêu cụ thể và một quyết tâm lớn để đạt được mục tiêu của đời mình.

Vậy mục tiêu của Long là gì? - Chúng tôi hỏi và Long đã nói to: Mục tiêu của tôi không gì khác là sống có ý nghĩa mỗi ngày và kể cả sau khi qua đời cũng vậy. Cơ thể tôi, tôi cũng muốn cống hiến cho y học. Với tôi, không bao giờ đầu hàng số phận, tôi chỉ chấp nhận số phận mà thôi!

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.