Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chuyện về Hừ A Dỉa làm đơn xin thoát nghèo

Văn Phong - 06:36, 24/11/2023

Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thế nhưng Hừ A Dỉa, chàng trai dân tộc Mông ở xã Giáo Hiệu, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn đã mạnh dạn làm đơn xin thoát nghèo. Đây cũng chính là động lực giúp gia đình anh quyết tâm phấn đấu để thực sự thoát nghèo, trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho mọi người.

Gia đình anh Hừ A Dỉa hiện nay đã có cuộc sống ổn định
Gia đình anh Hừ A Dỉa hiện nay đã có cuộc sống ổn định

Giáo Hiệu là xã vùng sâu (xã khu vực III) của huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Đây là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như: Tày, Mông, Dao, Nùng, Sán Chỉ… Đời sống của người dân còn nghèo khó, chủ yếu sống dựa vào làm nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như trồng lúa.

Xã Giáo Hiệu có 431 hộ dân thì vẫn còn 181 hộ nghèo, chiếm 42%; 56 hộ cận nghèo, chiếm 12,99%. Mặc dù là còn nhiều khó khăn, thế nhưng thời gian qua cả xã có 5 hộ tự nguyện làm đơn xin thoát khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.Người tiên phong trong phong trào xin thoát nghèo tại Giáo Hiệu là gia đình anh Hừ A Dỉa (sinh năm 1990) dân tộc Mông ở thôn Cốc Lào.

Vốn là hộ nghèo trong thôn, cuộc sống vất vả, năm 2014 vợ chồng anh Dỉa tách hộ ra ở riêng, được bố mẹ chia đất dựng nhà và mấy thửa ruộng bậc thang cấy lúa một vụ. Năm 2016, gia đình anh được chính quyền địa phương hỗ trợ vay 20 triệu đồng. Anh đã vay thêm tiền để hoàn thiện căn nhà mới khang trang.

Sau đó, vợ chồng anh đã tích cực tham gia các hội, đoàn thể, tích cực học tập kiến thức, tập trung phát triển kinh tế. Nhờ các chương trình hỗ trợ người DTTS, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Với sự chịu thương, chịu khó, đến nay, gia đình anh đã trả xong các khoản vay. Anh tiếp tục đầu tư, mua sắm thêm phương tiện, vật dụng và tham gia các mô hình, dự án phát triển sản xuất tại địa phương.

Anh Hừ A Dỉa chia sẻ: “Mình còn trẻ, còn khỏe mạnh, lại được Nhà nước hỗ trợ nhiều rồi. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, chưa đáp ứng được hết các tiêu chí để thoát nghèo, nhưng vợ chồng tôi đã bàn với nhau, thống nhất làm đơn xin thoát nghèo để nhường phần hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ khó khăn hơn. Ban đầu cũng có lời ra tiếng vào của bà con trong thôn, nhưng mình quyết tâm vì đã nhận thức được việc thoát nghèo là động lực để vươn lên”.

Cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn huyện Pắc Nặm cũng chung tay hỗ trợ người dân xã Giáo Hiệu bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa.
Cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn huyện Pắc Nặm cũng chung tay hỗ trợ người dân xã Giáo Hiệu bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa.

Thế rồi, Hừ A Dỉa đã quyết tâm nộp đơn xin thoát nghèo. Để minh chứng cho quyết định của mình là đúng đắn, anh Dỉa đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho gia đình phù hợp với điều kiện hoàn cảnh.

Anh tiếp tục vay vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Pắc Nặm đầu tư mua trâu, bò về nuôi, kết hợp với trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò. Ngoài ra, anh còn tích cực chuyển đổi canh tác trồng lúa bằng việc đưa các giống lúa lai vào gieo trồng, nâng số lượng khai thác từ một vụ lên hai vụ, mang lại sản lượng cao. Chính nhờ áp dụng nhiều phương pháp sản xuất, thu nhập của gia đình anh dần ổn định.

Căn cứ vào các tiêu chí theo chuẩn nghèo mới thì hiện nay gia đình anh đã thoát nghèo. Từ đâu, câu chuyện xin thoát nghèo của gia đình anh Dỉa đã trở thành động lực để các hộ đồng bào DTTS khác học tập và làm theo.

Từ gương anh Dỉa, năm 2021, có 4 hộ là người dân tộc Dao tại thôn Khâu Slôm cũng làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó có gia đình anh Ma A Sinh, dân tộc Dao, thôn Khâu Slôm (xã Giáo Hiệu).

Quyết định của anh Sinh được coi là táo bạo ở địa phương, bởi phần lớn các hộ dân ở thôn Khâu Slôm, đều đang thuộc diện nghèo. Quyết tâm của anh Sinh đã tiếp thêm niềm tin cho người dân thôn Khâu Slôm. Đến nay, thôn đã có thêm 3 hộ tự nguyện xin thoát khỏi diện nghèo.

Anh Sinh chia sẻ: “Trước đây tôi nghĩ thoát khỏi hộ nghèo là rất khó, nhưng khi thấy gia đình anh Hừ A Dỉa làm được thì mình cũng có thể làm được. Mặc dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng cùng cả gia đình đoàn kết phát triển kinh tế. Điều gì chưa biết sẽ được cán bộ xã tư vấn, giúp đỡ nên mình cũng yên tâm”.

Ảnh 3: Anh Ma A Sinh chăm sóc đàn trâu của gia đình
Anh Ma A Sinh chăm sóc đàn trâu của gia đình

Ông Dương Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Giáo Hiệu cho biết: Thời gian qua trên địa bàn có 5 hộ dân làm đơn xin thoát nghèo là các hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao. Điều đặc biệt, đây là các cá nhân giữ vai trò chủ chốt ở cơ sở như Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Công an viên. Họ thực sự là những tấm gương điển hình đi đầu trong việc thay đổi tư duy vươn lên thoát nghèo, rất đáng ghi nhận. 

Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cùng người dân trong thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, địa phương sẽ phối hợp với ngành chuyên môn tập trung hướng dẫn khoa học kỹ thuật, có định hướng khai thác thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, vốn vay ưu đãi…, ông Bằng cho biết thêm.

Chắc rằng trong thời gian tới, Giáo Hiệu sẽ có thêm nhiều hộ gia đình xin thoát nghèo như tấm gương anh Hừ A Dỉa. Đó là một câu chuyện ý nghĩa, thể hiện ý chí vươn lên của đồng bào DTTS, từ đó cổ vũ, lan tỏa tinh thần tự lực vươn lên, đổi mới sáng tạo, quyết tâm thoát nghèo để làm giàu cho gia đình, xã hội, cho quê hương, đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.