Vẹn nguyên ký ức ngày 30/4 lịch sử
Ngôi nhà của vợ chồng Đại tá Tư Cang (sinh năm 1928) nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Năm nay ông đã bước sang tuổi 91, là thương binh hạng 2/4, tuy không còn nhanh nhẹn, nhưng Đại tá Tư Cang còn minh mẫn và vẫn nhớ như in những năm tháng oanh liệt.
Tham gia cách mạng từ năm 1946, quê ông ở xã Long Phước, TP. Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đại tá Tư Cang không chỉ có vốn kiến thức sâu rộng, mà còn thể hiện là người có nhiều tố chất phù hợp với hoạt động tình báo. Thời trẻ, ông học đủ thứ như chụp ảnh, lái xe, viết văn, viết báo, giỏi võ, giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp… Ngoài chỉ huy cụm tình báo H63, ông còn là Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công biệt động, mở đường tiến đánh Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Lữ đoàn 316 được Bộ Tư lệnh chiến dịch giao trọng trách đánh khởi đầu, mở đường cho các cánh quân tiến vào Sài Gòn. Các điểm trọng yếu mà các cánh quân của Lữ đoàn 316 phải đánh chiếm cho bằng được là Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, nhằm làm tê liệt tổ chức chỉ huy của địch ngay từ phút đầu. Đặc biệt quan trọng là phải đánh và chiếm giữ các cây cầu xung quanh Sài Gòn, mà cầu Rạch Chiếc là then chốt, không cho địch phá hoại, sẽ gây cản trở rất lớn cho các xe, pháo của các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn. Nhiệm vụ nặng nề là vậy nhưng với tài thao lược của người Chính ủy dày dạn chiến trường, Đại tá Tư Cang đã đưa ra phương án chỉ huy các mũi tiến công, luồn sâu ém quân an toàn.
Khi các đoàn quân thuộc Lữ đoàn 316 đã vào sát mục tiêu đúng theo kế hoạch thì Đại tá Tư Cang cũng được thông báo giờ G của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh cho toàn mặt trận là “0 giờ ngày 29/4”. Đại tá Tư Cang kể, ông vẫn không quên cái cảm giác bồi hồi, xúc động trong giây phút lịch sử đó, ông thảo điện khẩn mà nước mắt rưng rưng. Không có mừng vui, hạnh phúc nào bằng…
“Mãi đến 5 giờ ngày 30/4, quân ta mới chiếm giữ được cầu Rạch Chiếc, đảm bảo đúng kế hoạch cho xe, pháo của Quân đoàn 2 qua cầu lúc 7 giờ sáng, thẳng tiến đến dinh Độc Lập”, Đại tá Tư Cang nhớ lại. Tại đây, ông phát hiện một danh sách các cán bộ của ta mà Mỹ-Ngụy cất công điều tra, theo dõi. Mỗi người được dán trên một bảng nhỏ, treo trên tường, trong một căn phòng bí mật. Trong đó có cả tên Đại tá Tư Cang. Tuy nhiên, chúng chưa có được bao nhiêu thông tin về ông, chưa nhận diện khuôn mặt ông. Ngoài vài dòng: “Tư Cang, Phó Chính ủy tình báo Miền, người trắng trắng, cao cao, có đặc điểm bắn súng bằng hai tay rất giỏi, yêu thích văn nghệ. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: chưa xác định”. Phần dán ảnh còn trống.
“Chúng biết về chú là do một kẻ chiêu hồi khai báo, đặc biệt là khi chú được cấp trên giao nhiệm vụ Phó Chính ủy Phòng Tình báo Miền. Chúng biết chú là con cá “bự” nên ráo riết truy lùng, treo thưởng rất lớn cho ai cung cấp manh mối về chú. Nhưng chú rất cẩn thận, thậm chí, gặp vợ con cũng không dám nhận, con gái lấy chồng không được biết, khi được về thăm nhà thì đã có cháu ngoại”, ông Tư Cang bồi hồi nhớ lại.
Khi được phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2006, điều khiến Đại tá tình báo Tư Cang nhớ nhất chính là những đồng đội đã ngã xuống của ông. Cụm tình báo H63 Anh hùng, có tất cả 45 người thì 27 người đã hy sinh, để bảo vệ mạng lưới tình báo chiến lược, bảo vệ nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, để Phạm Xuân Ẩn có thể hoàn thành nhiệm vụ và trở thành một “điệp viên hoàn hảo” như ngày nay. Cả Phạm Xuân Ẩn và Tư Cang đều đã trở thành những người anh hùng của ngành tình báo được Đảng và Nhà nước công nhận. Nhưng với các nhà tình báo ấy, những người đồng đội đã ngã xuống của họ là những người anh hùng trong trái tim họ.
Giữ mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Lữ đoàn 316 (biên chế gọn lại thành Trung đoàn 316) do Đại tá Tư Cang làm Chính ủy luôn là ngọn cờ đầu trong tiêu diệt giặc Pôn Pốt (Campuchia), giữ vững đường biên giới. Năm 1980, Đại tá Tư Cang được nghỉ chế độ hưu trí với tỷ lệ thương binh 2/4, mất sức 61%. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “thương binh tàn nhưng không phế”, tuy đã về nghỉ chế độ, nhưng Đại tá Tư Cang vẫn tham gia làm công tác đảng tại địa phương (Bí thư Chi bộ khu phố hơn 10 năm); tham gia làm kinh tế cho lực lượng thanh niên xung phong Thành phố với chức vụ “Tổ trưởng Tổ bột giấy”…
Bên cạnh đó, ông còn tranh thủ thời gian để viết sách, viết báo, đi nói chuyện với học sinh, sinh viên cho lớp trẻ hiểu thêm, biết thêm về những tấm gương hy sinh của người dân, gương chiến sĩ đã lao mình vào trận mạc bỏ qua tuổi trẻ, bỏ qua niềm vui, hạnh phúc cá nhân để làm nên chiến thắng, làm nên nền độc lập ngày nay… Không dừng lại ở đó, trên cương vị là trưởng các ban liên lạc, Hội Cựu chiến binh, Đại tá Tư Cang còn vận động những nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ đồng chí, đồng đội của mình có hoàn cảnh khó khăn. Ông chạy ngược chạy xuôi tìm nguồn gạo, tiền, thuốc men cùng với các thầy thuốc, các nhà hảo tâm vài tháng một lần đi về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nơi mà ngày xưa là căn cứ cách mạng để khám, chữa bệnh miễn phí, tặng quà cho bà con nghèo và các gia đình chính sách... “Đó là công việc “đền ơn đáp nghĩa” theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Những việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa dân với quân, giữa dân với Đảng đúng theo lời dạy của Bác Hồ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết- Thành công, thành công, Đại thành công!”, đại tá Tư Cang chia sẻ.
BẰNG GIANG