Bến nước-linh hồn của buôn làng
Dù không gắn với cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, nhưng mỗi buổi chiều, bến nước Kbăng Kiêu, buôn A, xã Dang Kang, huyện Krông Bông vẫn xôn xao tấp nập. Mạch ngầm của bến nước này chảy ra từ rễ của một cây xoài rừng cổ thụ. Người dân ở đây cho biết, cây xoài này tự mọc, nay đã hơn trăm tuổi được coi như linh hồn của bến nước, nơi thần linh trú ngụ. Nếu cây cổ thụ đổ thì bến nước sẽ không còn nên bà con bảo vệ cây xoài như báu vật.
Năm 1998, Sở Tài nguyên và Môi trường đã về xã lấy mẫu nước bến nước Kbăng Kiêu ở Buôn A để kiểm tra. Kết quả, nước Kbăng Kiêu rất sạch, lớp phèn có tỷ lệ thấp, có thể uống trực tiếp không cần nấu sôi. Ở đây, lễ cúng bến nước vẫn được duy trì và trở thành lễ cúng linh thiêng nhất trong năm của buôn làng.
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nước nguồn chảy ra từ mạch mới là nước sạch có thể dùng để ăn uống, còn nước giếng chỉ dùng để tắm giặt. Nếu chẳng may nguồn nước bị ô nhiễm, cả cộng đồng sẽ rời đi nơi khác để tìm nguồn nước sạch lập làng. Việc đi tìm nguồn nước cũng được đồng bào thực hiện cẩn trọng, tuân thủ luật tục và được thần linh ngầm báo nguồn nước sạch mới dựng bến.
Bến nước là nơi các đôi trai gái trao nhau chiếc vòng đồng đính hôn, thể hiện lòng thủy chung son sắt. Nơi cả đàn ông, đàn bà lui tới tắm gội sau một ngày lao động để thần nước gột rửa bụi bẩn nương rẫy, xua tan mọi mệt nhọc.
Hàng năm, sau mùa thu hoạch lúa, tiết trời mùa xuân mát dịu, cây cối bắt đầu trổ bông, người đứng đầu buôn, người chủ bến nước nhắc nhở dân làng vệ sinh các con đường trong buôn, đường xuống bến nước để chuẩn bị làm lễ cúng bến nước. Cúng để các vị thần biết được nơi đó có dân làng sinh sống để thần ban sức khỏe, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Ngày nay, vẫn còn những bến nước đẹp đúng nghĩa, bà con thường xuyên thực hành nghi lễ cúng bến nước cổ truyền. Và thông điệp gìn giữ môi trường sống hài hòa được phát đi dưới sắc thái tín ngưỡng và tâm linh được cộng đồng tuân thủ nghiêm. Điển hình như, bến nước buôn Sah, xã Ea Tul và buôn Đing, xã Ea Đing, huyện Cư M’Gar hay buôn Krông M’Rơng, xã Ea Tu, TP . Buôn Ma Thuột; buôn Riêng, xã Ea Knuếh, huyện Krông Păk …
Bảo tồn phải đúng bản chất
Do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và cuộc sống hiện đại, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc địa phương bị thu hẹp. Những năm gần đây, việc tôn tạo và tái hiện lại một số nghi lễ truyền thống của đồng bào các DTTS đang được chính quyền các địa phương quan tâm, trong đó có việc đầu tư, tu sửa bến nước bị bỏ hoang, xây dựng bến mới, phục dựng lễ cúng bến nước.
Cụ thể, trong tháng 3/2018, một số địa phương đã tổ chức lễ cúng bến nước truyền thống của đồng bào Ê-đê như: Lễ cúng bến nước buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Buk; bến nước buôn H’ra Ea Tla, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin; buôn Cư Ênun A, xã Dang Kang, huyện Krông Bông…
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ dừng lại ở bảo tồn vật thể. Nếu bến nước không có rừng, không còn cây cổ thụ, bà con cũng ít sử dụng vì cho rằng, nguồn nước đó không còn thần linh nữa, nó cũng giống như những dòng nước bình thường khác. Nếu không nghiên cứu để hiểu thấu đáo, thì hiệu quả bảo tồn bến nước đúng nghĩa sẽ không cao. Thực tế, nhiều nơi tổ chức phục dụng, cúng bến nước theo kiểu phong trào, còn cộng đồng dân bản lại đứng ngoài cuộc.
Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đăk Lăk cho biết: Về mặt tâm linh, giữa bến nước truyền thống và phục dựng quá khác xa nhau. Bến nước truyền thống gắn với rừng, có cây cổ thụ vì đồng bào quan niệm cây cổ thụ là nơi thần linh trú ngụ.
Tuy nhiên, không gian rừng biến mất, cây cổ thụ không còn, thì niềm tin về thần linh cũng mất đi, bà con không còn mặn mà với bến nước, lễ cúng truyền thống nữa. Vì vậy, khó có thể phục dựng không gian văn hóa bến nước và nghi lễ cúng bến nước truyền thống đúng nghĩa.
“Nhà nước chỉ có thể bảo tồn về vật thể, xây dựng, tu sửa bến nước, hỗ trợ kinh phí thực hiện lễ cúng bến nước, còn linh hồn của bến nước truyền thống phải chính chủ thể là cộng đồng DTTS mới giữ được” , ông Y Kô Niê nhấn mạnh.
LÊ HƯỜNG