Từ mùa Xuân đầu tiên đến những kỳ tích
Nghĩ đến ngày đóng mũi xà beng đầu tiên phập xuống những tảng đá, tiếng chát chúa vang lên đến nhức óc, những nông dân Hiệp An vẫn còn thấy ngỡ ngàng lẫn khâm phục chính mình.
Anh Nguyễn Văn Ninh (thôn Tân An, xã Hiệp An) nhớ như in: Xuân Ất Hợi năm 1995, nhiều lao động tự do từ Quảng Nam, Quảng Ngãi… đến Hiệp An vỡ vạc làm kinh tế mới. Đất màu mỡ đã trồng lúa hết, còn lại là mênh mông đồng đá. Anh Ninh rủ hàng chục chàng trai Cơ-ho ở thôn K’Long A, K’Long B ra cùng hợp sức vật những cục đá ra, cào tay xuống đất thấy xốp, mềm liền hô lên “cuộc sống đây rồi, tương lai đây rồi”.
Được giải thích, chưa thực rõ chuyện, K’Minh ở thôn K’Long A vẫn về nói với cộng đồng người Cơ-ho hãy chuẩn bị cuốc, xẻng, xà beng để theo người Kinh đi biến đá thành…tiền. Không thể lãng phí nhân lực lẫn tài nguyên đang có sẵn bên mình mãi được.
Từ đó, sáng sớm đến tối mịt, không khí phá đá để trồng hoa diễn ra sôi nổi như ngày hội. Sau mùa Xuân vỡ vạc đầu tiên, đến năm 1998, hàng chục gia đình ở Hiệp An đã xây được nhà, Tết không lo thiếu tiền tiêu từ bán hoa. Phong trào làm giàu từ hoa lay ơn lan rộng.
Trong những căn nhà kiên cố, nhiều người đồng bào người Cơ-ho ở Hiệp An như đã viết nên kỳ tích mới. Ông K’Hoàng ở thôn K’Long A tâm tình; Học làm hoa cũng không khó lắm, mình cứ chịu lắng nghe là được. Người thông minh học một tháng biết thì mình học hai tháng vậy. Nhờ kết hợp làm lúa với trồng hoa nên mới xây được nhà chứ trước đây chỉ đủ ăn. Trung bình mỗi cành lay ơn ngày thường 2-3 ngàn đồng, Tết, lễ thì 4-6 ngàn đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác. Hơn nữa, trồng hoa còn thúc đẩy tính cần cù, kiên nhẫn trong mỗi người.
Dẫn cả gia đình từ Quảng Ngãi vào Hiệp An mua hơn 5 sào đất đá. Ngày nối ngày ông Tạ Công Hưng (thôn Tân An) cùng người thân động viên nhau, rồi đá sẽ nở hoa, hoa sẽ hút thương lái mang tiền đến mua. Sáng đục đá, chiều cào đất, tối gieo hạt, tưới nước, chẳng mấy chốc đã xanh tươi. Qua gần 20 năm lao động, đầu năm 2019 này, gia đình ông Hưng đã có cơ ngơi tiền tỷ, mỗi dịp Tết bán khoảng trên 20.000 cành hoa lay ơn.
Nhạy bén và sáng tạo
Theo thống kê của UBND xã Hiệp An, hiện nay toàn xã có hơn 1.000 hộ trồng hoa với tổng diện tích trên 450ha. Hầu hết người tham gia trồng hoa đều nắm bắt vững kỹ thuật và cách chăm sóc. Từ cách tưới tiêu, chăm hoa khi thời tiết khắc nghiệt nhất hay cách diệt trừ sâu bọ… người nông dân đều được trang bị nên tránh được rất nhiều rủi ro. Hàng trăm hộ đã thành đại gia cũng nhờ vỡ vạc đồng đá để làm hoa.
Không chỉ sáng tạo trong cách đưa ánh điện “bắt” hoa nở theo ý mình, anh Trần Quốc Linh ở thôn K’Long B còn dự kiến trong năm 2019 này sẽ xen canh thêm một số loại hoa khác vào ruộng lay ơn của mình. Anh Linh nhận định rằng: Từ thực tế và so sánh với các vùng khác thấy đất đai ở đây phù hợp cả với loại hoa điểu vàng, hoa cúc nữa. Vậy nên, để đa dạng các loại hoa cung ứng cho thị trường, sắp tới mình sẽ làm thử nghiệm. Nếu thành công sẽ truyền đạt phương pháp, cách làm cho cộng đồng các dân tộc ở xã này, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Vừa đánh trần vun xới cho từng luống hoa kịp nở đúng Tết, ông Lê Mười (thôn Tân An, Hiệp An) nhẩm tính: Tính ra mình đã có trên 2 tỷ từ 3 sào hoa trong nhiều năm nay rồi. Không khổ như ngày đầu vỡ vạc nữa nhưng phải học cách chăm sóc, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để vừa bảo vệ được sức khỏe người dùng vừa tăng năng suất cho những cánh đồng hoa. Vì chất lượng hoa tốt nên không chỉ khách trong nước mà Xuân Mậu Tuất năm ngoái, hàng chục du khách người Pháp, Úc… đi du lịch và ở lại ăn Tết kiểu homestay đã mua rất nhiều hoa lay ơn về thưởng lãm và rất thích thú. Nhiều du khách sau đó còn tìm đến các ruộng hoa để trải nghiệm công việc của người nông dân ở Hiệp An.
Trải qua mấy chục năm vỡ vạc và tích lũy kinh nghiệm, không chỉ trồng ở Đức Trọng, nhiều người giàu kinh nghiệm ở làng hoa Hiệp An còn nhiệt tình sang truyền nghề cho người dân các huyện lân cận như; Đơn Dương, Lâm Hà…
Nhen nhóm khát vọng làm giàu từ nghề trồng hoa, nhiều ngày nay, anh K’Mong ở Đơn Dương đến từng ruộng hoa ở Hiệp An để học hỏi kinh nghiệm. Anh Mong ước vọng rằng, rồi hàng ngàn hộ dân ở Đơn Dương hay các huyện khác trong các mùa Xuân sau sẽ giàu lên với nghề mới như người Hiệp An. Đồng bào mình muốn vươn lên thì thấy cái hay, cái mới phải học thôi. Kết hợp kiến thức từ các khóa đào tạo nghề với thực tế thì sẽ thành công. Màu ấm no từ đồng hoa Hiệp An cứ như lời mời gọi với nhiều nơi khác vậy.
HÀ VĂN ĐẠO