Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyện lạ Lâm Đồng: "Hô biến" vỏ cà phê thành...trà hảo hạng

PV - 16:11, 08/07/2019

Những người dân ở Cầu Ðất (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)- một vùng vốn nổi tiếng từ lâu về cà phê - đã làm tăng thêm giá trị của loại cây trồng truyền thống này bằng một sản phẩm độc đáo và mới lạ: trà Cascara làm từ vỏ quả cà phê.

Vài năm trở lại đây, HTX Trường Sơn tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) đã nghiên cứu và sản xuất thành công trà Cascara làm từ vỏ trái cà phê Arabica. Trà Cascara là loại đồ uống mới đã được cả thế giới biết đến nhờ xuất hiện trong thực đơn của các thương hiệu cà phê lớn như Starbucks, nhưng vẫn còn khá mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.

Sản phẩm trà Cascara làm từ vỏ quả cà phê Arabica sẽ góp phần làm tăng giá trị kinh tế cho cây cà phê Cầu Đất. Ảnh: V.Quỳnh Sản phẩm trà Cascara làm từ vỏ quả cà phê Arabica sẽ góp phần làm tăng giá trị kinh tế cho cây cà phê Cầu Đất. Ảnh: V.Quỳnh

Trên khoảnh sân phơi cà phê trong nhà kính của gia đình anh Nguyễn Song Vũ (thôn Trường Sơn), bên cạnh những hạt cà phê Arabica nhân thơm lừng, nay có thêm một gian dành cho vỏ quả cà phê để là nguyên liệu làm trà. Anh Vũ là một trong những người đầu tiên mạnh dạn thử làm trà Cascara ở vùng Cầu Đất này.

 Anh Vũ tâm tư chia sẻ rằng: Cây cà phê là một loại cây trồng truyền thống của vùng Cầu Đất - một trong bảy vùng nguyên liệu Arabica ngon nhất thế giới hiện nay. Thế nhưng theo thời gian, từ vị thế một loại cây trồng lâu đời cho thu nhập cao, diện tích cây cà phê Cầu Đất hiện nay đang suy giảm đáng kể.
Theo số liệu thống kê, toàn vùng Cầu Đất hiện có gần 3.000 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân hằng năm ước đạt gần 9.000 tấn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây thu nhập từ cây cà phê giảm sút, cộng thêm tình hình dịch bệnh, sâu hại bùng phát khiến nhiều nông dân dần chặt bỏ, quay lưng với cây cà phê.
Sống giữa vùng đất trồng cà phê nổi tiếng nhất nước, lại xuất thân từ một gia đình thuần nông, nhiều năm qua, đã không ít mùa cà phê anh Vũ - cũng là thành viên Ban quản trị HTX Trường Sơn - suy nghĩ vì chứng kiến cảnh giá nông sản rớt giá, nhà vườn loay hoay đi tìm đầu ra cho tương xứng với giá trị hạt cà phê.
"Sau khi biết được thông tin Starbucks giới thiệu đồ uống mới có tên Cascara, hay còn gọi là trà vỏ cà phê tại Mỹ và Canada, sau đó các hãng đối thủ như Stumptown Coffee Roasters và Blue Bottle Coffee cũng đang thêm vào thực đơn của họ món này dưới dạng trà và đồ uống có ga, anh Vũ mạnh dạn tìm tòi học hỏi cách làm loại trà này".
Anh Vũ cho biết: Mọi người đã rất quen thuộc với hạt cà phê, vì chúng được sử dụng hàng ngày. Còn vỏ quả cà phê thường bị loại bỏ trong quá trình sơ chế. Ước tính mỗi năm nông dân Cầu Đất thải ra hàng trăm tấn vỏ quả cà phê và chỉ được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây cà phê.
Qua quá trình nghiên cứu, anh Vũ nhận thấy vỏ quả cà phê Arabica còn chứa đựng nhiều điều thú vị khi có chứa cafein, vitamin và nhiều chất chống oxi hóa rất có lợi cho sức khỏe.
Hương vị trà từ vỏ quả cà phê Arabica lại phong phú, tùy thuộc vào nguyên liệu vỏ. Những mẻ trà thử nghiệm đầu tiên nhận được sự ủng hộ của nhiều người càng khiến anh có động lực hoàn thành quy trình sản xuất và đưa sản phẩm độc đáo này ra thị trường.
Theo anh Vũ, để sản xuất được loại trà Cascara, quả cà phê phải đủ độ chín trên 90% thì mới tiến hành thu hái để làm nguyên liệu. Sau đó được đem đi rửa sạch hai lần rồi phơi nắng nhẹ cho ráo nước. Kế đến là giai đoạn ủ trái kéo dài từ 24-36 tiếng, sau đó vỏ được tách rời khỏi phần hạt bằng quá trình sơ chế ướt.
Phần vỏ cà phê sau khi được tách phải được phơi khô dưới nắng trong 48 giờ, sau đó lại ủ tiếp 24h rồi phơi lại lần 2 trước khi đem đi bảo quản. Nắng là yếu tố rất quan trọng, bởi nếu không được phơi đủ nắng thì sẽ phải bỏ cả mẻ trà vì không đạt chuẩn chất lượng.
“Vỏ của hạt cà phê Arabica được chọn lựa cẩn thận bằng tay để đảm bảo chọn được những vỏ chín nhất và không bị giập nát. Do điều kiện trồng, cách chăm sóc ảnh hưởng đến chất lượng hương vị của vỏ cà phê nên những cây cà phê được trồng để lấy vỏ thường hạn chế hoặc thậm chí là không sử dụng thuốc trừ sâu” - anh Vũ cho biết.
Kể từ khi nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm trà Cascara Cầu Đất, HTX Trường Sơn liên tục nhận được các đơn hàng từ khách hàng trong và ngoài nước với số lượng tăng theo thời gian.
Nếu trong năm 2017, HTX chỉ sản xuất và cung cấp cho các đối tác 400 kg trà thì năm 2018, con số này đã tăng lên 700 kg. Trong năm 2019, HTX dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường sản lượng lên đến 1 tấn.
Do các công đoạn sản xuất trà Cascara từ vỏ cà phê đa phần đều làm thủ công nên giá thành của loại trà này khá đắt, gấp 7 -10 lần so với giá hạt cà phê thô.
“Điều khó khăn nhất hiện tại vẫn là thuyết phục bà con nông dân trồng cà phê sạch để lấy vỏ đảm bảo chất lượng và sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những tín hiệu khả quan từ thực tế, chúng tôi hy vọng rằng bên cạnh lợi nhuận thu được từ hạt cà phê nhân, việc sản xuất trà Cascara từ vỏ cà phê Arabica sẽ giúp người nông dân Cầu Đất tăng thêm nguồn thu đáng kể. Từ đó mở ra hướng đi mới, giúp cho việc trồng cà phê của người nông dân sẽ bền vững hơn” - anh Vũ chia sẻ.

(baogialai.com.vn)

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.