Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyên gia y tế đề nghị phạt nặng người vô ý thức đổ ra đường

PV - 13:10, 09/04/2020

Theo chuyên gia, tâm lý chủ quan rồi đổ ra đường trong những ngày thực hiện cách ly xã hội của nhiều người là hành động đáng lên án và phải phạt nặng

Người TP HCM ùn ùn đổ ra đường.
Người TP HCM ùn ùn đổ ra đường.

Hôm nay đã là ngày thứ 9 Việt Nam cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Phần lớn người dân đều nghiêm túc thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng; hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, tất cả các dịch vụ không cần thiết đều đóng cửa.

Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày gần đây, “kỷ luật” trên đang dần mất đi. Khắp nơi, đường phố trở nên đông đúc hơn, người người đổ ra đường nhiều hơn. Tâm lý chủ quan này đang gây ra mối đe dọa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Nguy hiểm hơn là khi một số ca nhiễm virus corona ở Việt Nam hiện chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Theo ông Vũ Mạnh Cường – Phó Vụ trưởng, Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khuyến cáo người dân không được chủ quan, tất cả các cấp chính quyền cũng vậy.

Hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc người dân ra đường lúc này là không thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. “Đây là điều đáng tiếc, các cấp chính quyền nên có những biện pháp mạnh mẽ hơn, qua đó vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu và không chủ quan”, ông Cường nói.

Chung quan điểm, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyên mọi người nên thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ. Hiện có người tâm lý chủ quan, sau một vài ngày cách ly xã hội tốt lại đổ ra đường.

Để giải quyết vấn đề này, theo bác sĩ Hà, cơ quan chức năng nên có những biện pháp mạnh tay hơn nữa. Song song với việc tuyên truyền, nhắc nhở, phạt tiền có thể có những biện pháp khác, thậm chí phạt thật nặng những người có tâm lý chủ quan, coi thường dịch bệnh. Có như vậy mới đủ sức răn đe.

Người dân nên hiểu rõ và yên tâm rằng, việc cách ly là đảm bảo an toàn cho chính họ. Để đi đến quyết định cách ly Chính phủ, các chuyên gia phải nghiên cứu, tính toán rất kỹ với nhiệm vụ cao nhất là bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Do vậy chúng ta cần bình tĩnh, tin tưởng, không chủ quan. Còn cách ly trong bao lâu, có kéo dài thời gian hay không còn phụ thuộc rất nhiều tình hình dịch bệnh.

Ca nhiễm cộng đồng, khó xác định nguồn lây

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 ngày 8/4, PGS. TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thực tế ở nước ta hiện có những trường hợp lây lan trong cộng đồng, nhưng lại rất khó để xác định nguồn lây.

Trước đây có thể khẳng định chính xác nguồn bệnh từ ca bệnh nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Nhưng trong giai đoạn này thì rất khó phát hiện, hơn nữa sẽ tốn rất nhiều công sức nếu chỉ tập trung vào đó.

Ông Phu khuyến cáo, thời gian tới, song song với biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch, tất các địa phương cần tăng cường rà soát, sàng lọc và kiểm tra, qua đó phát hiện những ca bệnh mới (nếu có). Để từ đó nhanh chóng tập trung khoanh vùng, dập dịch sớm, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Người dân cũng cần tuyệt đối tuân thủ việc cách ly, giãn cách xã hội. Đây là biện pháp rất quan trọng, ngăn người bệnh tiếp xúc với người lành, tránh việc lây nhiễm bệnh.

“Giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng. Việt Nam đã và đang làm rất quyết liệt, quán triệt ngày từ khi số ca bệnh trong cộng đồng chưa cao. Tuy nhiên, việc giãn cách phải làm quyết liệt triệt để tất cả các nơi, các địa phương, chứ không thể nơi này làm, nơi kia không quyết liệt. Bởi hiện chúng ta không biết đâu là ổ dịch, không biết ai là người mang mầm bệnh”, ông Phu nói.

Tính tới 6h ngày 9/4, Việt Nam ghi nhận 251 ca mắc COVID-19, trong đó, 126 trường hợp khỏi bệnh, đủ điều kiện xuất viện./.

"Việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 là giải pháp rất quyết liệt, mạnh mẽ, lần đầu tiên được áp dụng ở nước ta và trước mắt sẽ được áp dụng đến ngày 15/4.

Vấn đề cách ly xã hội, là giải pháp căn cơ, rất quan trọng để làm sao giữ được khoảng cách giữa người với người, giữa cộng đồng với cộng đồng.

Đặc biệt Chỉ thị 16 yêu cầu chứ không chỉ là khuyến cáo người dân phải ở nhà. Chỉ thị cũng yêu cầu đóng tất cả cửa hàng không thiết yếu, dừng vận tải công cộng, quy định cự ly tiếp xúc giữa người với người là 2m...

Đây là giải pháp mạnh mẽ chưa từng có tiền lệ,được nhân dân và chính quyền các cấp ủng hộ và thực hiện tốt. Có sự tham gia tích cực của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công an và các bộ khác.

Tuy nhiên hiện nay một số nơi, người dân còn lơ là, coi thường việc cách ly xã hội. Tôi cho rằng thế là không được vì rất nguy hiểm.

Phải thống nhất giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm trong cộng đồng, lây nhiễm chéo. Như vậy mới vừa phòng chống dịch tốt vừa bảo đảm phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

Quan điểm của Thủ tướng là tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 để kiểm soát chặt. Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương thực thi nghiêm, đồng thời phê bình, nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tụ tập đông người"./.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng


Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.