Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng - Xu thế tất yếu

Thúy Hồng - 19:21, 17/11/2021

Đại dịch Covid-19 bùng phát, điệp khúc “đóng - mở” đã khiến cho các bảo tàng đã phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, nhằm bảo tồn, truyền bá di sản văn hóa nghệ thuật và phục vụ nhu cầu của công chúng.

Hình ảnh trung bày 3D Trống đồng Ngọc Lũ của Bảo tàng lịch sử quốc gia
Hình ảnh trung bày 3D Trống đồng Ngọc Lũ của Bảo tàng lịch sử quốc gia

Chủ động chuyển đổi

Nước ta hiện có hàng trăm bảo tàng từ công lập đến tư nhân, với đa dạng lĩnh vực và thể loại. Đại dịch Covid-19 bùng phát, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam. Do đó, việc chuyển đổi số để thích ứng với thực tiễn, là xu thế tất yếu, giải pháp tốt nhất mà các bảo tàng  đang tích cực triển khai.

Lướt một vòng trên không gian mạng, không khó để nhận ra hoạt động của các bảo tàng khá sôi nổi với các cuộc triển lãm trực tuyến, để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Không trực tiếp đến tận nơi để khám phá, tham quan không gian trưng bày, nhưng chỉ với một cú kích chuột, người xem đã có thể khám phá tất cả các hiện vật được trưng bày tại các bảo tàng.

Điển hình như trong tháng 9 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã có trưng bày 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia. Chỉ cần người xem nhấp chuột vào Trưng bày 3D Bảo vật quốc gia của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thì từng chi tiết của các bảo vật quốc gia được đánh số với thông tin chú thích kỹ lưỡng sẽ hiện ra. Minh chứng sắc nét như hình ảnh chiếc trống đồng Ngọc Lũ, giờ không còn là một hình ảnh đen xám 2 chiều trên giấy. Chiếc trống hiện lên, quay tròn hoặc dừng lại, tự thấp xuống hoặc cao lên để người xem có thể ngắm từng chi tiết nhỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong năm 2021, số lượt khách tham quan bảo tàng giảm 93%, so với thời kỳ trước dịch Covid-19. Để bắt nhịp xu thế tất yếu của giai đoạn hiện nay, Bảo tàng đã chủ động triển khai chuyển đổi số theo chiều sâu, nối dài các hoạt động ứng dụng công nghệ đã được triển khai trước đây. Trong đó, trưng bày 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia, là một trong những thành công, tạo hiệu ứng tốt và thu hút đông đảo du khách vào chiêm ngưỡng những bảo vật ngàn năm trên nền tảng công nghệ số.

 Hình ảnh trưng bày 3D bảo vật quốc gia
Hình ảnh trưng bày 3D bảo vật quốc gia

Bên cạnh đó, Bảo tàng tiếp tục cập nhật nội dung công nghệ, xây dựng hoàn thiện bảo tàng ảo 3D, toàn bộ hệ thống trưng bày thường trực và đăng trên website để giới thiệu rộng rãi hơn với người dân.

Tương tự, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, đã triển khai các ứng dụng giúp cho du khách chủ động tham quan, tìm hiểu bảo tàng, giúp du khách ở nhiều quốc gia trên thế giới dễ dàng tiếp cận với tác phẩm, giúp bảo tàng kết nối với đông đảo người dân trong nước.

Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (tại Thái Nguyên) cho biết: Mặc dù Thái Nguyên hiện vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, Bảo tàng vẫn mở cửa đón khách, nhưng tình trạng khách rất vắng vẻ. 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bảo tàng đón 21.000 lượt khách tham quan. 3 tháng quý III/2021, lượng khách giảm chỉ còn gần 500 lượt. Bảo tàng cũng đã đổi mới bằng việc áp dụng công nghệ số trong công tác trưng bày, giúp người xem có thể tiếp cận tài liệu, hiện vật thông qua mạng trực tuyến, mà không cần trực tiếp đến Bảo tàng.

Xu thế tất yếu

Trong bối cảnh nhiều khó khăn, sự chủ động chuyển đổi hướng đi, đặc biệt về chuyển đổi số, đã giúp các bảo tàng khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đến gần hơn với công chúng.

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối với công chúng dễ dàng
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối với công chúng dễ dàng

Như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã ra mắt ứng dụng công nghệ thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, sau 2 năm phối hợp triển khai, với hình thức xã hội hóa và đã nhận được phản hồi tốt từ khách tham quan trong, ngoài nước. Đây là ứng dụng thu tiền trên nền tảng trực tuyến của Bảo tàng, với quyết tâm xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu chứ không là tình thế. Nối tiếp thành công, Bảo tàng ra mắt ứng dụng 3D tour tham quan trực tuyến và tiếp tục đẩy mạnh công nghệ thực tế ảo, 3D cùng nhiều ứng dụng khác, nhằm phục vụ tốt nhất cho du khách.

Ông Hoàng Đạo Cương,Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, chuyển đổi số, là một trong những hoạt động cần thiết mà các bảo tàng, di tích cần chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới. Mỗi bảo tàng, di tích cũng cần xác định sự thích ứng cần thiết trong điều kiện mới.

 Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, hình thức tham quan trực tuyến sẽ trở thành một xu thế tất yếu, lâu dài. Vì vậy, các bảo tàng, di tích cần chú trọng đặt lên hàng đầu yếu tố công nghệ, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa... Tuy nhiên, về lâu dài cần phải chú ý tính đồng bộ, có chiến lược phù hợp giữa nội dung và hạ tầng công nghệ.

“Cần chuyển đổi theo hướng tiếp cận và đổi mới trưng bày để hấp dẫn công chúng. Chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc thù phục vụ khách tham quan; đẩy mạnh hợp tác quốc tế... Đây là một hướng đi xuyên suốt, đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, ông Cương khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.