Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyển đổi số: Tạo động lực để Thái Nguyên phát triển

Vân Khánh - Xuân Hải - 08:20, 10/10/2022

Tại phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố chỉ số CĐS (DTI) năm 2021. Tỉnh Thái Nguyên nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về CĐS, tăng 4 bậc so với năm 2020. Đạt được kết quả trên, là nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (ngày 03/9/2021).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (ngày 03/9/2021).

Chuyển đổi số mang lại hiệu quả tích cực

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Tỉnh bắt tay vào CĐS từ xuất phát điểm thấp. Nhưng kết quả đứng thứ 8 cả nước về Chỉ số DTI vừa được công bố đã phản ánh đúng những thành quả Thái Nguyên đã làm được trong thời gian qua. Điều này đã được khẳng định tại nhiều hội nghị, diễn đàn về CĐS, thể hiện tinh thần CĐS của Thái Nguyên. Trong đó, tỉnh xác định rõ Nhà nước dẫn dắt, doanh nghiệp triển khai, người dân, doanh nghiệp hưởng ứng; người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ và thụ hưởng thành quả CĐS”.

Điển hình như ở TP. Phổ Yên, địa phương được lựa chọn triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về CĐS. Cấp uỷ Đảng, chính quyền TP. Phổ Yên xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đồng thời là cơ hội đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng Phổ Yên thành thành phố thông minh.

Từ đầu năm 2022 đến nay, TP. Phổ Yên đã vận hành, duy trì hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành đạt chất lượng tốt. Hệ thống “Một cửa” của thành phố và 18 xã, phường được duy trì, nâng cấp. Cổng thông tin điện tử thành phố và trang thông tin điện tử 18 xã, phường được vận hành ổn định, đăng tải thường xuyên và kịp thời các thông tin, hoạt động, sự kiện của cơ sở. 

Bên cạnh đó, TP. Phổ Yên đã thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công nhằm giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng chính quyền số và phát triển xã hội số. Tiếp tục triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh TP. Phổ Yên (IOC) với 11 nền tảng công nghệ số, như: Tích hợp hiển thị thông minh; tích hợp quản lý camera tập trung; xử lý giám sát điều hành giao thông; hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử…

 Đặc biệt, phần mềm ứng dụng công dân Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021 đến nay đã có gần 200 nghìn lượt cài đặt, sử dụng. Thông qua ứng dụng C-ThaiNguyen, đã có trên 400 phản ánh của công dân, cung cấp nhiều thông tin chính xác, kịp thời góp phần làm tốt công tác quản lý của các ngành, chính quyền địa phương.

Nhằm lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi làng, bản, xóm phố, thúc đẩy CĐS rộng khắp, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Một trong những giải pháp đó là thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng.

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 2.255 Tổ công nghệ số cộng đồng với khoảng 15.000 thành viên. Với mục tiêu đưa công nghệ số đến từng “ngõ”, “từng hộ gia đình”, đảm bảo tiếp cận người dân ở mọi tầng lớp, ngành nghề, đặc biệt là khu vực nông thôn, các Tổ công nghệ số cộng đồng đều có thành viên là lãnh đạo, đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ xóm/tổ dân phố, trong đó nòng cốt là thanh niên và phụ nữ.

Từ tháng 6 đến nay, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của tỉnh Thái Nguyên đã tập trung hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số: Ứng dụng công dân số C-Thái Nguyên, nền tảng xã hội số với ứng dụng Thái Nguyên ID và “Sổ tay Đảng viên, truy cập và sử dụng Cổng TTĐT của tỉnh, huyện, xã để tra cứu thông tin; tuyên truyền, hướng dẫn người dân dùng dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng Sổ sức khỏe điện tử...

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình CĐS trên địa bàn TP. Phổ Yên (tháng 5/2022).
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình CĐS trên địa bàn TP. Phổ Yên (tháng 5/2022).

Trong tháng 8/2022, các Tổ công nghệ số cộng đồng đẩy mạnh chuyên đề hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn thôn, xóm mở tài khoản thanh toán điện tử; tuyên truyền, phổ biến Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhằm giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Ông Đàm Thế Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đồng Hỷ chia sẻ: Các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đang tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng dẫn tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng thông dịch vụ công của tỉnh, triển khai nền tảng số Thái Nguyên ID... nhằm tối ưu hóa quy trình giải quyết TTHC trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ CNTT, giúp người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi trên các phương tiện khác nhau.

Xây dựng và phát triển chính quyền số, CĐS là ưu tiên hàng đầu

Nhận định CĐS là xu thế, cơ hội tạo đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tổng thể và toàn diện con người về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số; đồng thời xác định CĐS phải đi nhanh, đi trước, ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày CĐS.

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo TP. Phổ Yên bấm nút khai trương Trung tâm Điều hành thông minh Phổ Yên (ngày 28/12/2021).
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo TP. Phổ Yên bấm nút khai trương Trung tâm Điều hành thông minh Phổ Yên (ngày 28/12/2021).

Có thể nói, Nghị quyết về CĐS tỉnh Thái Nguyên đã thể hiện quyết tâm đổi mới và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số và có tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Điểm nổi bật trong CĐS ở Thái Nguyên là đã thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp có năng lực tham gia vào quá trình chuyển đổi số, như: Viettel; VNPT; AIC… Tất cả đều thể hiện tinh thần chung tay tạo sự phát triển mới.

Theo ông Đào Duy Thái, Phó Giám đốc Viettel Thái Nguyên: Hiện, Viettel Thái Nguyên đang tích cực hỗ trợ các huyện, thành phố trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các sản phẩm công nghệ số, như tạo phản ánh hiện trường trên C-ThaiNguyen; Sổ tay Đảng viên; Sàn thương mại điện tử; đăng ký tài khoản và cách thức bán hàng trên VOSO; thanh toán không dùng tiền mặt Viettel Money; hồ sơ sức khỏe điện tử…

Để CĐS thành công, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của CĐS, trong đó tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 01-NQ/TU tới cán bộ, đảng viên; tổ chức các khóa học bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức CĐS đối với hệ thống chính trị, tất cả cán bộ cấp xã, lãnh đạo doanh nghiệp. Các cấp, các ngành trong tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS thiết thực, phù hợp.

Với quyết tâm cao, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, Thái Nguyên tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS. Với định hướng vào “hành trình CĐS” mà Thái Nguyên đã và đang thực hiện sẽ đưa địa phương phát triển; là nền tảng, động lực quan trọng, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc, xây dựng Thái Nguyên ngày càng phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận, những kết quả về CĐS của tỉnh thời gian gần đây mới chỉ là bước đầu, cần quyết tâm cao hơn nữa. Trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong CĐS của tỉnh là CĐS vẫn tiếp tục diễn ra toàn diện, nhưng cần lựa chọn lĩnh vực, nội dung ưu tiên, thiết yếu, phù hợp thực tế của từng ngành, địa phương; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhất là vào nguồn nhân lực. CĐS cần những công dân số, doanh nghiệp số, chính quyền số, tỉnh xác định rõ điều đó và đang đi đúng lộ trình vạch ra để đạt mục đích là lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển toàn diện.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.