Theo đánh giá, tỉnh Lào Cai đứng thứ 3/63 tỉnh có số giao dịch cao nhất qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) trong năm 2022 và đứng thứ 2/63 tính đến ngày 21/3/2023. Đối với nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) tiếp tục phát triển và đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai tích hợp 29 ứng dụng kết nối liên thông các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, BHXH…
Về xây dựng chính quyền số và phát triển đô thị thông minh, Lào Cai giữ vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2022 (Par Index) và đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS).
Hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ viễn thông, Internet ngày càng được nâng cao đến từng thôn, tổ, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 1.548/1.562 thôn, tổ dân phố (tương đương 99%) được phủ sóng tại khu vực trung tâm, các khu vực tập trung dân cư; 1.525/1.562 thôn, tổ dân phố (đạt 97,6%) có hạ tầng bảo đảm việc cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng di động (3G, 4G)… Năm 2023, tỉnh Lào Cai xác định là năm tăng tốc, bứt phá, khơi thông và tạo thêm các động lực cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy cải cách hành chính.
Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, với quan điểm phải làm thực chất, không hình thức. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã quán triệt nâng cao nhận thức tầm quan trọng, hiệu quả từ chuyển đổi số cho đội ngũ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh, qua đó có những định hướng rõ nét hơn về lộ trình chuyển đổi số… Trong đó, tiên phong triển khai chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động của bệnh viện và triển khai Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh mạng…