Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chuyển đổi số ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ninh: Góp phần đạt mục tiêu mô hình mẫu toàn diện cấp tỉnh (Bài 2)

Mỹ Dung - Hà Nhi - 11:32, 14/11/2024

Xác định là xu thế phát triển tất yếu, Quảng Ninh đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) một cách toàn diện, hiệu quả. Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở các cấp, các ngành mà đang ngày càng lan tỏa rộng rãi tới từng bản, làng, thôn, xóm, từ miền núi cao đến hải đảo xa xôi, từng bước giúp người dân làm chủ công nghệ, thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn, miền núi với thành thị.

Nhiều đổi thay trên địa bàn vùng cao tỉnh Quảng Ninh nhờ thực hiện chuyển đổi số
Nhiều đổi thay trên địa bàn vùng cao tỉnh Quảng Ninh nhờ thực hiện chuyển đổi số

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Cùng với toàn tỉnh, các địa phương vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS đã dần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện CĐS. Đại Dực là xã vùng cao của huyện Tiên Yên với 100% là người DTTS. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng, nhưng từ xã đến thôn đã tích cực triển khai các hoạt động CĐS đến với người dân, cải thiện nhiều mặt trong đời sống kinh tế- xã hội của địa phương.

Chị Nình Thị Hồ, thôn Khe Lục hào hứng chia sẻ: “Mình học thêm được chữ là nhờ cái điện thoại này. Vì thấy bảo nó có nhiều cái hay nên mình cũng mua một cái rồi nhờ người biết chữ dạy cho cách bấm phím thành chữ. Nhờ điện thoại, mình đã học hỏi được nhiều từ cách chăm sóc lúa, cách trồng rừng, cách nuôi dạy con cho tốt”.

Người dân xã Đại Dực (Tiên Yên) hào hứng chia sẻ thông tin trên điện thoại thông minh
Người dân xã Đại Dực (Tiên Yên) hào hứng chia sẻ thông tin trên điện thoại thông minh

Trao đổi về nội dung này, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đại Dực Hoàng Việt Tùng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền các lợi ích của việc CĐS đến với người dân; tổ chức tập huấn cho các Tổ công nghệ số cộng đồng thôn và chỉ đạo Đoàn thanh niên xã hỗ trợ người dân cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. Xã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ thúc đẩy hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền”.

Tại các địa phương, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong hướng dẫn người dân cài phần mềm VssID, thanh toán tiền điện, tiền nước qua điện thoại, ... Nhiều hộ kinh doanh trong xã đã bắt đầu biết quảng bá các sản phẩm của mình trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử để bán được nhiều hàng hơn, nâng cao thu nhập.

Riêng sàn thương mại điện tử (TMĐT) OCOP Quảng Ninh tại địa chỉ “https://ocopquangninh.com.vn/” hiện đang giới thiệu 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh. Nhiều sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng: miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, gà Tiên Yên… Tất cả sản phẩm đưa lên sàn TMĐT OCOP Quảng Ninh đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong tất cả các khâu từ lựa chọn sản phẩm, chọn hình thức giao hàng, chọn phương thức thanh toán.

Ngoài ra, để đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí người nông dân cũng đã thích ứng nhanh, tự tạo kênh bán hàng riêng của mình, tự đăng các sản phẩm rao bán, livestream bán hàng trực tuyến.

Anh Lý Văn Bằng, chủ cửa hàng kinh doanh Bằng Hoa ở xã Hải Lạng (Tiên Yên) chuyên thu mua, chế biến các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu ba kích, sâm cau, nấm lim, mật ong rừng, cho biết: “Thời gian đầu, việc tiêu thụ sản phẩm còn chậm. Để tiếp tục tăng lượng khách hàng, tôi thường xuyên livestream qua mạng xã hội, đồng thời đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Ocop quangninh.vn, nhờ vậy lượng tiêu thụ rất cao”.

Cán bộ hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo ứng dụng trên điện thoại thông minh
Cán bộ hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo ứng dụng trên điện thoại thông minh

Với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 96%, những năm qua, huyện Bình Liêu cũng đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, Zalo, đồng thời tích cực khuyến khích cài đặt, kích hoạt và sử dụng công dân số VNeID; tăng cường ứng dụng chữ ký số cá nhân của công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính...

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh: Để CĐS đạt hiệu quả thiết thực hơn, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân. Đồng thời, ưu tiên triển khai các nội dung có tác động trực tiếp đến đời sống người dân như cung cấp dịch vụ kết nối internet băng rộng cố định cho các khu dân cư trên địa bàn, hoàn thành thực hiện cài đặt ứng dụng công dân số VNeID cho 100% người dân...

Tăng tốc chuyển đổi số toàn diện

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, nhưng Quảng Ninh cũng xác định rõ triển khai CĐS vẫn còn chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh nguyên nhân từ việc thiếu thốn các văn bản pháp luật, hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, thì hạ tầng công nghệ vốn đã thiếu, hiện nay cũng đã dần xuống cấp sau nhiều năm.

Người dân vùng cao Tiên Yên hào hứng ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại thông minh với mục đích giải trí, nâng cao đời sống tinh thần
Người dân vùng cao Tiên Yên hào hứng ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại thông minh với mục đích giải trí, nâng cao đời sống tinh thần

Xác định những trở ngại trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra kế hoạch lộ trình và giải pháp cụ thể cho từng năm, trong đó, năm 2024 và các năm tiếp theo tập trung vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm như y tế, giáo dục, du lịch, công thương, giao thông, hải quan, hành chính công…

Theo đó, Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, phấn đấu đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS toàn diện. Thực hiện mục tiêu này, các sở, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai giải pháp CĐS, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng xu thế, phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định, vấn đề quan trọng nhất để đạt được mục tiêu trong CĐS, là nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu các cấp, nâng cao ý thức, nhận thức của cán bộ, công nhân, viên chức và người dân. 

Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành của tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện kế hoạch CĐS của từng ngành, rà soát hiện trạng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin, qua đó đảm bảo nhiệm vụ CĐS được thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh, đưa Quảng Ninh thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; trở thành mô hình mẫu về CĐS toàn diện cấp tỉnh vào năm 2025.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...