Hơn 70% trẻ không được ăn đúng, ăn đủ
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện đã có những bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Đặc biệt, trong 10 năm gần đây (2011 - 2020), thực hiện Nghị định 05/NĐ-CP về Công tác dân tộc, các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật,… đã được triển khai đồng bộ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; qua đó, thu nhập bình quân đầu người ở địa bàn này tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 05/NĐ-CP của Ủy ban Dân tộc, trong 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn vùng giảm 4,3%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn DTTS tăng gấp 5 lần so với năm 2010. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào DTTS đã được nâng lên một bước.
Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện vẫn còn là một thách thức lớn. Một khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) gần đây cho thấy, một số lượng không nhỏ trẻ em DTTS chưa được bảo đảm dinh dưỡng trong từng bữa ăn hằng ngày.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết, trong quá trình điều tra dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận thấy, tỷ lệ trẻ được ăn đúng, ăn đủ trung bình cả nước mới đạt hơn 50%. Riêng vùng miền núi phía Bắc, các vùng đồng bào DTTS khác, thì có đến trên 70% trẻ không được ăn đúng, ăn đủ.
“Việc cung cấp bữa ăn đảm bảo cho trẻ còn thiếu hụt lớn, dẫn đến trẻ suy dinh dưỡng (SDD). Bà mẹ mang thai thiếu vi chất, bữa ăn chưa đa dạng còn rất phổ biến, đó là chưa muốn nói đến vấn đề an toàn thực phẩm”, PGS.TS Trương Tuyết Mai cho biết.
Theo bà Mai, kết quả tổng điều tra dinh dưỡng 2020 cho thấy, tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em cả nước đã cải thiện rõ rệt so với 10 năm trước; tỷ lệ SDD thấp còi đã giảm đạt mức mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, tình trạng SDD vẫn còn chênh lệch quá lớn giữa các vùng, đặc biệt rất cao vùng đồng bào DTTS và miền núi.
“Tỷ lệ SDD thấp còi trẻ dưới 5 tuổi vùng miền núi phía Bắc là cao nhất 37,4%, vùng Tây Nguyên 28,8%; tỷ lệ thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số vẫn rất cao (32,0%), cao gần gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (17,1%)”, PGS.TS Trương Tuyết Mai nhấn mạnh.
Bà Mai cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do địa bàn vùng sâu, vùng xa rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, kinh tế, giao thông… Mức sống thấp ảnh hưởng lớn đến tiếp cận an ninh thực phẩm. Ngoài ra, kiến thức của người dân về dinh dưỡng còn hạn chế, làm thế nào để sử dụng thực phẩm có sẵn đưa vào bữa ăn cho trẻ còn ít người nắm được; tính cung ứng sẵn có đa dạng của thực phẩm còn thấp. Trong khi đó, điều kiện vệ sinh nước sạch, môi trường còn hạn chế khiến trẻ dễ bị nhiễm bệnh…
Từng bước chuyển đổi hệ thống LTTP
Một thực tế là, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện đã không còn tình trạng thiếu đói kinh niên, không còn cảnh đứt bữa. Từ nguồn lực của các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, cùng với tiềm năng về phát triển sản xuất nông nghiệp việc cung ứng lương thực, thực phẩm đã cơ bản được đảm bảo ở địa bàn này.
Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam tại Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ Quốc tế ISG 2022 diễn ra ngày 8/12, nông nghiệp toàn cầu thời gian tới sẽ phải đối mặt với những thách thức về gia tăng của dân số toàn cầu, đất đai, tài nguyên nước và năng lượng bị hạn chế, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu,… Sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của nước ta chủ yếu đang canh tác giản đơn càng chịu tác động nặng nề hơn.
Chính bởi vậy, việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là rất quan trọng, nhằm đảm bảo cho mọi người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn thì sự đồng hành của người dân có ý nghĩa quan trọng để chuyển đổi hệ thống LTTP này.
Tại Hội nghị sơ kết Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” giai đoạn 2018 – 2021 được tổ chức ở Thái Nguyên ngày 24/11 vừa qua, PGS. TS. Đào Thế Anh (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, hệ thống thực phẩm bền vững (SFS) là một hệ thống thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người bằng cách dựa trên các cơ sở kinh tế, xã hội và môi trường tạo ra an ninh lương thực và dinh dưỡng cho các thế hệ tương lai không bị tổn hại.
“SFS đã được đưa vào Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025; tuy chưa được triển khai đồng bộ nhưng bước đầu đầu đã đưa ra những kết quả tích cực”, PGS. TS. Đào Thế Anh cho biết.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam là quốc gia đã đảm bảo an ninh lương thực, nhưng đảm bảo dinh dưỡng và phát triển hệ thống LTTP an toàn vẫn còn hạn chế. Do đó, thay đổi nhận thức, thay đổi tiếp cận về phát triển nông nghiệp, cũng như là giảm nghèo là mục tiêu mà Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 hướng đến.
“Ngoài tiêu chí về giảm nghèo đa chiều, chương trình cũng hướng đến nhiệm vụ xây dựng mục tiêu về giảm nghèo dinh dưỡng. Chương trình cũng là chất xúc tác quan trọng để chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang hệ thống LTTP theo hướng an toàn, bền vững và có trách nhiệm”, ông Thịnh khẳng định.
Được biết, thực hiện Chương trình “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025, trong hơn 4 năm qua, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng 24 mô hình điểm về tổ chức sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tại 18 tỉnh có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mô hình không chỉ hướng đến tạo sinh kế, giảm nghèo về dinh dưỡng, mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về việc chuyển đổi hệ thống LTTP.
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn, cùng với xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bảo đảm dinh dưỡng, thì Chương trình cũng đã tổ chức tập huấn kiến thức sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng (lập kế hoạch sản xuất, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh) - một bước để chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững. Sau hơn 4 năm thực hiện, Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ và người dân về nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng.
Đặc biệt, người dân đã nhận thức được việc cần sản xuất để bù đắp việc thiếu hụt dinh dưỡng cho hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi. Đây là nền tảng quan trọng để chính quyền địa phương địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước tiếp cận và thực hiện chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.