“Khơi thông điểm nghẽn”
Sau khi sáp nhập huyện Trùng Khánh với huyện Trà Lĩnh từ năm 2020, toàn huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) có trên 13.000 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 203 chi hội. Để đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, HND phối hợp cùng Phòng Dân tộc huyện Trùng Khánh lập danh sách hỗ trợ người dân trên địa bàn, thử nghiệm phát triển mô hình trồng cây nho đen theo chuỗi giá trị tại xã Đức Hồng.
Theo ông Hoàng Văn Tâm, Chủ tịch HND huyện Trùng Khánh, thời gian qua, HND huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức nhiều lớp tập huấn khuyến nông cho nông dân tại các xã, thị trấn; đồng thời chú trọng việc xây dựng các mô hình trình diễn trồng trọt, chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) đưa công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp , góp phần gia tăng giá trị sản xuất cho nông dân.
Tính riêng từ năm 2018 đến nay, HND phối hợp với Phòng Dân tộc, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện tổ chức được 150 lớp tập huấn chuyển giao KH-KT cho 7.500 lượt hội viên, nông dân DTTS về kỹ thuật sử dụng phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng; tổ chức 315 lớp tập huấn các mô hình trình diễn giống ngô, lúa mới cho 14.175 lượt hội viên, nông dân là người DTTS.
Nhằm giúp nông dân chủ động được nguồn lực yên tâm phát triển sản xuất, HND huyện đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện, tạo điều kiện cho 2.453 hội viên vay vốn sản xuất với tổng dư nợ trên 122,6 tỷ đồng; ủy thác với Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện cho 466 hộ hội viên, nông dân vay trên 27,4 tỷ đồng phát triển kinh tế.
Công tác phối hợp ngày càng đi vào thực chất
Báo cáo Tổng kết Chương trình phối hợp công tác giữa Trung ương HND Việt Nam và Ủy ban Dân tộc (UBDT) giai đoạn 2013 - 2020 cho thấy: Từ năm 2013 đến nay, trong công tác phối hợp ở các địa phương đã triển khai nhiều đề án, dự án và mô hình, các hoạt động hỗ trợ nông dân (vật tư, phân bón, vốn) phát triển kinh tế trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KH-KT; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trọng tâm là đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH ở nông thôn.
Qua đó, góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng KH-KT, công nghệ cao; từ coi trọng năng suất sang coi trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Các phong trào đã khích lệ nông dân cả nước thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phấn đấu vươn lên làm giàu cho bản thân, cho xã hội; Đồng thời đoàn kết, hỗ trợ tư vấn, chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, kỹ thuật… giúp nhau cùng làm giàu, giúp đỡ các hộ còn khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Bình quân hàng năm, có hơn 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; gần 3,6 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu (trong đó có 20% hộ DTTS đăng ký và 10% số hộ đăng ký đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp); hình thành các mô hình kinh tế hộ, Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp, kinh tế trang trại tổng hợp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đánh giá về công tác phối hợp giữa hai cơ quan giai đoạn 2013 - 2020, ông Lương Quốc Cường, Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam khẳng định: Chương trình phối hợp công tác được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả. Việc trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình đã giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương đề ra các giải pháp phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi. Qua đó, đã góp phần bồi đắp lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, với Nhà nước, tiếp tục xây dựng vững chắc khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Kinh nghiệm từ 7 năm thực hiện Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan là nền tảng để thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025. Việc thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan giai đoạn 2021 - 2025, sẽ góp phần hoàn thành nhiệm vụ chiến lược là xây dựng hậu phương vững chắc để góp phần phát triển KT-XH, phòng chống dịch Covid-19”, ông Lương Quốc Đoàn khẳng định.