Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026-2030 phải tiếp tục giải quyết dứt điểm những vấn đề căn cơ nhất, khó khăn nhất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi”

Thanh Huyền - Hoàng Dưỡng - 13:38, 18/12/2024

Đó là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) và đề xuất Chương trình giai đoạn 2026-2030 khu vực phía Bắc, tổ chức sáng ngày 18/12/2024, tại thành phố Thái Nguyên do Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG tổ chức.

Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị

Các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; Y Vinh Tơr, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG 19 tỉnh khu vực phía Bắc.

Nhiều chỉ tiêu đã vượt kế hoạch đề ra

Phát biểu chào mừng Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Thời gian qua, cùng với nguồn lực của Trung ương, Thái Nguyên đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; góp phần nâng cao đời sống của người dân, phát triển hạ tầng và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xóm có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm còn 6,56%... Thông qua Hội nghị lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên mong muốn từ kết quả thực hiện của 18 địa phương khác trong khu vực, Thái Nguyên sẽ có thêm kinh nghiệm, giải pháp để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn II (2026-2030).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị: Trong giai đoạn tới, các địa phương cần chủ động phối hợp, tạo ra những chuyển biến trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc với tinh thần: “chắc, sắc, đắt”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị: Trong giai đoạn tới, các địa phương cần chủ động phối hợp, tạo ra những chuyển biến trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr trình bày tại Hội nghị cho thấy: Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm cao và tính chủ động trong phối hợp của cơ quan chủ quản Chương trình với các bộ, cơ quan Trung ương, thành viên Tổ công tác, đến nay cấp Trung ương đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện về Chương trình MTQG 1719.

Mặc dù Chương trình MTQG 1719 được tổ chức thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022, tuy nhiên bằng sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trên địa bàn trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, mà một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao như: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS của 19 tỉnh trong khu vực đều hoàn thành và vượt mục tiêu được giao, trong đó một số địa phương đã vượt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao ở mức cao như: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh...; Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đến trường; Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở khu vực các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi khu vực phía Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cho biết, kết quả giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở khu vực các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi khu vực phía Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực

Theo kế hoạch, cả giai đoạn 2021 - 2025, nguồn lực thực hiện Chương trình của 19 tỉnh: 47.157,367 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương đầu tư hỗ trợ là 37.890,499 tỷ đồng (Vốn đầu tư phát triển 20.520,339 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 17.370,160 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương là 9.274,140 tỷ đồng đạt 19,7% (Vốn đầu tư phát triển 8.036,421 triệu đồng đạt vốn sự nghiệp 1.237,719 tỷ đồng). Trong tổng số vốn ngân sách địa phương thì số vốn của 04 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Vĩnh Phúc) đóng góp 6.943,449 tỷ đồng (chiếm 74,8% số vốn ngân sách địa phương của vùng). Qua tổng hợp số liệu về việc bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình, ngoài 4 địa phương sử dụng 100% vốn ngân sách địa phương thì ở một số địa phương bố trí với tỷ lệ tương đối cao, như: Lào Cai 19,3%, Bắc Giang 13,7%...

Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Mặt khác, với các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư, văn bản hướng dẫn của bộ, cơ quan Trung ương, các văn bản chỉ đạo, điều hành của các địa phương trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi trong khu vực đã được ban hành kịp thời. Trong thời gian ngắn, hệ thống văn bản hướng dẫn được xây dựng, sửa đổi, bổ sung đã tháo gỡ rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, đảm bảo cho các địa phương có đầy đủ cơ sở pháp lý, thuận lợi trong tổ chức triển khai các Chương trình MTQG trong đó có Chương trình MTQG 1719. Đây chính là lý do góp phần thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn thực hiện, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo Trung ương cũng quyết liệt chỉ đạo, các bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội giao.

Do đó, kết quả giải ngân vốn đầu tư công thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở khu vực các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi khu vực phía Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả giải ngân chung của các địa phương đều cao hơn so với kết quả giải ngân vốn đầu tư công chung của cả nước và các Chương trình MTQG khác.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chia sẻ, từ thực tiễn và bài học kinh nghiệm rút ra, là tiền đề, cơ sở đề xuất Chương trình trong giai đoạn mới, góp phần thay đổi đời sống Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chia sẻ, từ thực tiễn và bài học kinh nghiệm rút ra, là tiền đề, cơ sở đề xuất Chương trình trong giai đoạn mới, góp phần thay đổi đời sống Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc


Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác rà soát, xây dựng, ban hành một số nội dung quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình tại một số địa phương còn chậm. Việc ban hành các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương còn có độ trễ nhất định do nhiều địa phương còn gặp lúng túng, có cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng triển khai văn bản hướng dẫn của cấp Trung ương. Việc phân bổ vốn theo tinh thần Nghị quyết số 111/2024/QH15 của một số địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thời gian. Nhiều địa phương gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình do đa số là các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp, phần lớn phụ thuộc nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Việc lồng ghép vốn thực hiện các Chương trình MTQG và quy trình thanh quyết toán vốn các địa phương còn gặp lúng túng. Việc giải ngân vốn có nhiều chuyển biến; tuy nhiên kết quả giải ngân còn chưa được như mong muốn, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp.

Theo tổng hợp từ 19 địa phương khu vực phía Bắc, kết quả thực hiện giải ngân vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2024 đến thời điểm 30/9/2024: Vốn ngân sách trung ương đạt 58,3% (Giải ngân vốn đầu tư đạt 77,7%, vốn sự nghiệp 35,2%); Vốn ngân sách địa phương đạt 75,7% (Giải ngân vốn đầu tư đạt 77,2%, vốn sự nghiệp 66,0%).


"Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”

Báo cáo đề xuất cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn II theo nguyên tắc xuyên suốt là các bộ, cơ quan Trung ương chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý mục tiêu chung thông qua việc hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án triển khai thực hiện và theo dõi, giám sát việc đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình theo tiến độ hằng năm và cả giai đoạn. Các địa phương chủ động hoàn toàn trong việc lập kế hoạch, huy động và phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện đảm bảo theo lộ trình để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu hằng năm và cả giai đoạn theo quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đề xuất một số nội dung chính của Chương trình giai đoạn II, đó là nghiên cứu, đánh giá lại toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết 120/2020/QH14 để có thiết kế tập trung nguồn lực trên cơ sở ưu tiên nguồn lực đầu tư để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu cho cả giai đoạn 2021 - 2030.

Giao cho cơ quan chủ quản Chương trình hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án về triển khai Chương trình MTQG 1719 của các địa phương trong giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030 trong khuôn khổ Khung các dự án thành phần đã được phê duyệt tại Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội. Căn cứ vào đặc thù tình hình kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực và của từng địa phương, các Đề án thực hiện Chương trình giai đoạn II của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có thể lựa chọn, quyết định việc tiếp tục thực hiện hoặc không tiếp tục thực hiện một số Dự án, Tiểu dự án và nội dung của Chương trình giai đoạn II. 

Các đại biểu địa phương nhận định, việc triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao
Các đại biểu địa phương nhận định, việc triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao


Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II đảm bảo ưu tiên giải quyết 5 "nhất" ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tuy nhiên, các nội dung đề xuất thực hiện Chương trình giai đoạn II phải bám sát nội dung 10 dự án thành phần của Chương trình được phê duyệt tại Nghị quyết 88/2019/QH14, trong đó đảm bảo ưu tiên tối thiểu phải có đủ 05 nội dung thành phần nhằm tập trung giải quyết đồng bộ nhóm vấn đề “05 nhất” vẫn còn tính thời sự cao trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi gồm: Điều kiện cơ sở hạ tầng khó khăn nhất; Chất lượng nhân lực thấp nhất; Kinh tế xã hội chậm phát triển nhất; Tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất; Tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Nội dung Chương trình giai đoạn II cần lưu ý trọng tâm vào 05 nội dung trụ cột chính làm cơ sở xây dựng các Dự án, Tiểu dự án và nội dung cụ thể của Đề án triển khai thực hiện.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá cao những kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025. Các địa phương nhận định, việc triển khai thực hiện Chương trình đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao. Chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình từ thể chế, đối tượng, địa bàn, phân cấp, phân quyền, bộ máy tổ chức... đến những vướng mắc cụ thể của từng Dự án, Tiểu dự án, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030.

Các đại biểu dự Hội nghị
Các đại biểu dự Hội nghị


Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị đánh giá thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại khu vực phía Bắc và cho rằng, việc tổ chức sớm Hội nghị đánh giá giai đoạn là căn cứ để điều chỉnh Chương trình trong giai đoạn mới phù hợp với thực tiễn hơn. Theo ông Tiến, triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã góp phần vào sự phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Điện Biên nói riêng và các địa phương khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi khác. Cái được lớn nhất của Chương trình này là thay đổi quan điểm từ việc hỗ trợ chuyển sang đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, đây là cả một quá trình. Bên cạnh đó, đã tích hợp nhiều chương trình, chính sách vào một Chương trình MTQG. Ông Tiến đánh giá cao vai trò của Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì đã có nhiều nỗ lực tham mưu cho Chính phủ trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình này. Thông qua quá trình triển khai Chương trình tại cơ sở, vai trò cơ quan làm công tác dân tộc các cấp được nâng lên.

Từ những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, ông Tiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Chương trình trong giai đoạn mới sát thực tiễn hơn, đáp ứng mong đợi của đồng bào DTTS.

Là địa phương sử dụng vốn ngân sách địa phương, để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Dân tộc Thành phố Hà Nội đề nghị Trung ương rà soát đánh giá kỹ hơn từng chỉ tiêu, xác định chỉ tiêu giai đoạn tới phù hợp hơn. Rà soát kỹ đối tượng, nội dung Chương trình. Đơn giản hóa quy trình thủ tục đầu tư đối với dự án có quy mô không phức tạp, quy mô nhỏ. Các Chương trình MTQG giai đoạn 2026-2030 cần lựa chọn nội dung, tiêu chí dự án phù hợp với từng địa phương. Thiết kế nội dung cơ chế quản lý Chương trình…


Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) và đề xuất Chương trình giai đoạn 2026-2030 khu vực phía Bắc là một trong những Hội nghị vùng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở, căn cứ để tổ chức Hội nghị toàn quốc
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) và đề xuất Chương trình giai đoạn 2026-2030 khu vực phía Bắc là một trong những Hội nghị vùng có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở, căn cứ để tổ chức Hội nghị toàn quốc


Nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới đặt lên vai những cán bộ làm công tác dân tộc

Hội đồng Dân tộc Quốc hội sẽ luôn đồng hành cùng quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Nhiệm vụ chính trị lớn trong giai đoạn mới đặt lên vai những cán bộ làm công tác dân tộc, vì sự phát triển của vùng đồng bào DTTS, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào DTTS.

Nguyễn Lâm ThànhPhó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết: Hội đồng Dân tộc luôn đồng hành cùng cơ quan làm công tác dân tộc trong quá trình triển khai chính sách dân tộc. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã tiến hành giám sát giữa kỳ việc thực hiện 3 Chương trình MTQG. Đây là sự quan tâm rất lớn của Quốc hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình thực hiện Chương trình còn nhiều khó khăn, bất cập. Từ thực tiễn và bài học kinh nghiệm rút ra, là tiền đề, cơ sở đề xuất Chương trình trong giai đoạn mới, góp phần thay đổi đời sống Nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Trong giai đoạn mới, thực hiện Chương trình phải với tinh thần đổi mới toàn diện và đồng bộ từ chính sách đến các vấn đề liên quan.

Ông Nguyễn Lâm Thành chia sẻ, Hội đồng Dân tộc Quốc hội sẽ luôn đồng hành cùng quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Nhiệm vụ chính trị lớn trong giai đoạn mới đặt lên vai những cán bộ làm công tác dân tộc, vì sự phát triển của vùng đồng bào DTTS, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào DTTS.

Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026-2030 phải tiếp tục giải quyết dứt điểm những vấn đề căn cơ nhất, khó khăn nhất của vùng đồng bào DTTS và miền núi

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, biểu dương những ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị và đề nghị các vụ, đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc tiếp thu, phân loại, ghi chép đầy đủ, giải đáp, tham mưu sửa đổi bổ sung Chương trình trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm đánh giá cao sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng báo cáo với nhiều thông tin đầy đủ, ngắn gọn, định hướng một số vấn đề trọng tâm trong thiết kế Chương trình giai đoạn sau. Bộ trưởng, Chủ nhiệm khẳng định thành tích đạt được rất đáng tự hào, hệ thống văn bản pháp lý được hoàn thiện đầy đủ, toàn diện, kinh nghiệm điều hành, triển khai Chương trình được nâng lên. Bên cạnh những kết quả đạt được còn một số vướng mắc, được nhận diện rõ ràng, có những nội dung còn chưa theo kịp thực tiễn, chưa bao quát thực tiễn; vướng mắc về thể chế, nhân lực, sự phối hợp, thực tiễn biến động, thay đổi đối tượng, địa bàn, định mức và những vấn đề phát sinh mới, cần tạo ra cơ chế điều chỉnh kịp thời.

Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026-2030 phải tiếp tục giải quyết dứt điểm những vấn đề căn cơ nhất, khó khăn nhất của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về mặt thể chế. Đổi mới tư duy, cách tiếp cận chính sách.

Hầu A LềnhBộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, quan tâm các nhóm vấn đề vướng mắc, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp lý, trình tự thủ tục đầu tư, công tác chỉ đạo điều hành, mục tiêu, phạm vi đối tượng, nội dung chính sách, nguồn lực thực hiện, phân công, phân cấp, phân quyền.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2026-2030 phải tiếp tục giải quyết dứt điểm những vấn đề căn cơ nhất, khó khăn nhất của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về mặt thể chế. Đổi mới tư duy, cách tiếp cận chính sách.

“Trong giai đoạn mới, các địa phương quan tâm, rà soát, đánh giá, sắp xếp, tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc hợp lý, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương cần chủ động phối hợp, tạo ra những chuyển biến trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tin tưởng. 

Địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi khu vực phía Bắc gồm 19 tỉnh, trong đó có 04 tỉnh/thành phố thực hiện Chương trình sử dụng nguồn ngân sách của địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình và Vĩnh Phúc). Đây là địa bàn chiếm phần lớn các xã, thôn theo phân định Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, toàn vùng có 2.057 xã (bằng 62% tổng số xã vùng DTTS và miền núi), trong đó 1.020 xã khu vực III (65,76% số xã khu vực III của cả nước), 137 xã khu vực II và 900 xã khu vực I với 9.623 thôn đặc biệt khó khăn (bằng 72,6% số thôn toàn quốc). Dân số của cả khu vực khoảng 27.680.622 người, trong đó có 8.057.182 người là DTTS (chiếm khoảng 29,1% dân số của vùng); tỷ lệ nghèo DTTS bình quân là 18,1% (số liệu năm 2023).