Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chung tay hành động vì bình đẳng giới cho phụ nữ, trẻ em DTTS: Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS (Bài 2)

Thúy Hồng - 06:29, 23/07/2024

Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú như hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, tạo mô hình sinh kế, học nghề,... đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ DTTS tích cực phát triển kinh tế vươn lên xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ DTTS trong gia đình và xã hội.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội

Thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Xác định hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế là đòn bẩy thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn Hà Giang đã triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; phụ nữ khởi nghiệp... bằng nhiều phương thức như: hỗ trợ vốn, kiến thức, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ thủ tục đăng ký nhãn hiệu, thành lập hợp tác xã, góp phần lan tỏa tinh thần cho chị em vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Điển hình như tấm gương của chị Đinh Thị Thu, dân tộc Lô Lô, sinh năm 1987, trú tại thôn Xuân Hoà, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang đã mạnh dạn khởi nghiệp từ các cây bản địa của địa phương, mang lại giá trị kinh tế cho gia đình và các chị em phụ nữ.

Chị Đinh Thị Thu cho biết: Với mong muốn khẳng định vai trò, năng lực bản thân, năm 2016, chị cùng một số thành viên đã thành lập HTX Nhật Minh chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thảo dược tự nhiên, phát triển nguồn tài nguyên bản địa từ quả bồ kết, lá sả, hương nhu, cỏ mần trầu, vỏ bưởi, chanh, tóc tiên, lá dâu, lá ổi. Các sản phẩm chủ yếu của HTX là tinh dầu bồ kết đóng chai và dầu gội đầu bồ kết túi lọc.

Chị Đinh Thị Thu,dân tộc Lô Lô, ở thôn Xuân Hoà, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang mạnh dạn khởi nghiệp với cây trồng bản địa
Chị Đinh Thị Thu, dân tộc Lô Lô, ở thôn Xuân Hoà, xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang khởi nghiệp hiệu quả từ cây trồng bản địa

Bên cạnh đó, nhận thấy tại địa phương, cây giang có nhiều công dụng như, lá giang có thể làm vỏ các loại bánh và lót đĩa trang trí các loại thức ăn. Đặc biệt, lá giang khi được sấy khô có mùi rất thơm đặc trưng nên được các nhà hàng khách sạn của Trung Quốc rất thích. Giá lá giang tươi dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg nên HTX của chị Đinh Thị Thu đã đứng ra thu mua khoảng 10 tấn lá hằng ngày, tạo công ăn việc làm cho khoảng 70 nhân công nhân, với mức lương từ 4- 5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cây giang được xem là cây xóa nghèo ở Bắc Quang.

Tại Yên Bái, triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã chủ động giúp hội viên nâng cao nhận thức, tự tin vươn lên và từng bước thay đổi quan niệm "phụ nữ là phái yếu trong gia đình". Từ các mô hình phát triển kinh tế gia đình do hội viên Hội phụ nữ nhiều huyện của tỉnh Yên Bái làm chủ, đã mang lại những kết quả, thành tựu nhất định.

Tiêu biểu như mô hình Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải do chị Lý Thị Ninh, dân tộc Mông ở bản Trống Tông làm Tổ trưởng, đã góp phần xóa đói, giảm nghèo nâng cao cho chị em phụ nữ.

HTX của chị Đinh Thị Thu tạo việc làm cho hàng chục công nhân với mức thu nhập từ 4- 5 triệu/tháng
HTX của chị Đinh Thị Thu làm chủ đang tạo việc làm cho hàng chục công nhân, với mức thu nhập từ 4- 5 triệu đồng/tháng

Với tư duy dám nghĩ dám làm, chị Lý Thị Ninh đã đưa sản phẩm thổ cẩm Chế Cu Nha truyền thống của bà con dân tộc Mông ra thị trường. Sản phẩm của Tổ hợp tác được tiêu thụ tại địa phương và một phần xuất khẩu ra thế giới.

Trung bình mỗi bộ quần áo bán với giá từ 7-8 triệu đồng, bộ nào sắc nét có giá khoảng hơn 10 triệu đồng. Doanh thu hằng năm của HTX đạt trên 600 triệu đồng. Trừ chi phí mỗi tháng chị em có thêm thu nhập từ 5-6 triệu đồng đối với người thường xuyên làm, những người tranh thủ lúc rảnh có thu nhập từ 2-3 triệu đồng.

Nâng cao quyền năng của phụ nữ

Triển khai thực hiện các dự án Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã triển khai nhiều cách làm nhằm thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.

Cụ thể như, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát hành Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ; Tài liệu tập huấn giảng viên nguồn về kỹ năng truyền thông, vận động và hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân bị mua bán trở về nâng cao quyền năng kinh tế...

Từ các hoạt động hỗ trợ của Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp đã thúc đẩy tỉnh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế của phụ nữ DTTS
Từ các hoạt động hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế của phụ nữ DTTS

Triển khai thực hiện Dự án 8, Trung ương Hội LHPN Việt Nam chủ trì đã đặt mục tiêu đến năm 2025, thành lập 500 tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường. Theo báo cáo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tính đến hết 10/5/2024 các tỉnh đã hỗ trợ 135/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã, đạt 27%.

Bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội LHPN Hà Giang nhìn nhận, các hoạt động, chương trình đồng hành cùng hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp sáng tạo… đã giúp chị em hội viên ngày càng tự tin, chủ động, dần làm chủ cuộc sống của mình. Qua đó, từng bước nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của phụ nữ DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.