Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chung một tầm nhìn, khát vọng phát triển Việt Nam-Indonesia

PV - 11:20, 13/01/2024

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, sáng 13/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo đồng chủ trì Đối thoại cấp cao Doanh nghiệp Việt Nam-Indonesia. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo chủ trì cuộc Đối thoại Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam-Indonesia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo chủ trì cuộc Đối thoại Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam-Indonesia.

Hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng trong quan hệ hai nước. 11 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư từ Indonesia vào Việt Nam đã tăng 37%, với tổng vốn đăng ký mới hơn 1 tỷ USD. Indonesia vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia trong ASEAN với kim ngạch thương mại 11 tháng năm 2023 đạt gần 13 tỷ USD.

Trên cơ sở thành tựu đã đạt được, hai bên nhất trí xem xét sớm đưa quan hệ Đối tác Chiến lược lên tầm cao mới. Theo đó, hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, các cấp; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, các thỏa thuận cấp cao, các văn kiện đã ký kết; sớm xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2024-2028 phù hợp với tình hình mới.

Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỷ USD và cao hơn ở mức 18 tỷ USD trước năm 2028; tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp hai nước đầu tư vào thị trường của nhau; mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, đầu tư phát triển hệ sinh thái xe điện và pin xe điện; mở rộng các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JTEP); tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal; tăng cường hợp tác an ninh lương thực, nghiên cứu thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại gạo…

Tại buổi Đối thoại, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi - Điều phối chương trình đối thoại, bày tỏ hân hạnh và rất vui mừng vì có hai Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Indonesia tham dự Đối thoại, đây là ủng hộ mạnh mẽ của hai lãnh đạo trong việc cải thiện kinh doanh. Thương mại song phương đạt 14 tỷ USD vào năm 2022, tăng 42%, vượt mục tiêu các lãnh đạo hai nước đã đề ra.

Trong tương lai, nếu muốn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 thì vai trò của doanh nghiệp hai nước là hết sức quan trọng. Sự hiện diện doanh nghiệp hàng đầu hai nước tại Đối thoại này thể hiện quyết tâm phát triển lĩnh vực mới như công nghệ cao.

Đại sứ bày tỏ vui mừng khi các tập đoàn lớn của Việt Nam như Vinfast đang có sự hợp tác đầu tư với phía Indonesia; việc nối các đường bay thẳng đến Indonesia của Vietjet sẽ góp phần tăng cường hơn nữa đưa khách du lịch Việt Nam tới các điểm đến hàng đầu của Indonesia… góp phần tăng cường giao lưu kinh tế, đầu tư và thương mại hai nước….

Quang cảnh cuộc Đối thoại Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam-Indonesia.
Quang cảnh cuộc Đối thoại Doanh nghiệp cấp cao Việt Nam-Indonesia.

Phát biểu ý kiến tại Đối thoại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh, Indonesia và Việt Nam có tầm nhìn chung, trở thành quốc gia có thu nhập cao vào 2045. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta cần tăng cường đối thoại và hợp tác chất lượng cao. Indonesia có tầm nhìn với việc khai trương sàn giao dịch carbon với quy mô lớn trên 200 tỷ USD.

Tổng thống đánh giá cao mở văn phòng đại diện FPT tại Indonesia để tăng cường hợp tác công nghệ cao, cũng như các lĩnh vực khác như ngân hàng, chế tạo máy…; Tổng thống ghi nhận các tập đoàn Indonesia đóng góp quan trọng đầu tư của Indonesia vào Việt Nam; hy vọng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Indonesia đang làm ăn tại đây.

Tổng thống Joko Widodo nêu rõ, Indonesia sẽ luôn mở ra cơ hội hợp tác cùng nhau. Về các nhà đầu tư, Tổng thống cảm ơn tất cả các kế hoạch, cam kết để hiện thực hóa mục tiêu; khẳng định Indonesia luôn chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam sang nước này làm ăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Đối thoại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Đối thoại.

Phát biểu ý kiến tại Đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hai nước có truyền thống quan hệ tốt đẹp những năm qua; tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, đặc biệt là sau chuyến thăm này của Tổng thống Joko Widodo; đầu tư và thương mại hai nước có những bước tiến lớn những năm qua, tuy nhiên so tầm vóc quan hệ chính trị, tiềm năng, quy mô dân số (hai nước chiếm 2/3 dân số ASEAN) thì những bước phát triển này chưa tương xứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi không có lý do các nhà đầu tư hai nước lại không đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trong khi trên thực tế có nhiều doanh nghiệp hai nước đã thành công khi làm ăn ở nước kia, thí dụ như sự thành công của Khu đô thị Ciputra tại Hà Nội; mong các nhà đầu tư sẽ đầu tư thêm vào lĩnh vực bất động sản như Khu đô thị Ciputra tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng mong doanh nghiệp hai nước tập trung phát triển các lĩnh vực mới nổi như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chuyển đổi số…; cảm ơn các doanh nghiệp Indonesia có dự án lớn tại Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi cung ứng giữa hai nước; kêu gọi các nhà đầu tư ủng hộ ý tưởng của Tổng thống về đầu tư vào Thủ đô mới của Indonesia.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Indonesia tham gia cuộc Đối thoại.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Indonesia tham gia cuộc Đối thoại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyến thăm này của Tổng thống đã truyền động lực, cảm hứng cho quan hệ Việt Nam-Indonesia cũng như cộng đồng doanh nghiệp hai nước; đánh giá đây là tầm nhìn trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 của hai nước là tầm nhìn tham vọng, khó khăn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp hai nước, hỗ trợ lẫn nhau; các ý tưởng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trình bày tại Đối thoại này đều tập trung vào các lĩnh vực mới nổi, khởi nghiệp, thể hiện quyết tâm lớn, mong muốn cùng Chính phủ hai nước thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta có môi trường chính trị tốt, truyền thống quan hệ hơn 70 năm hiệu quả. Việt Nam cảm ơn Indonesia luôn đồng hành với Việt Nam trong nhiều năm qua, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước thúc đẩy kết nối, hiện thực hóa ý tưởng của hai Chính phủ, hai đất nước, nhanh chóng vượt qua khó khăn trong bối cảnh thế giới hiện nay diễn biến phức tạp, khó lường. Thủ tướng cũng kêu gọi sự đoàn kết trong khối ASEAN mà Việt Nam và Indonesia có vai trò hết sức quan trọng.

Thủ tướng bày tỏ hy vọng Indonesia là một nước lớn, có tiềm lực và kinh nghiệm, cùng Việt Nam củng cố đoàn kết ASEAN, thúc đẩy phát triển hợp tác doanh nghiệp trong khối; mong các nhà đầu tư tập trung vào lĩnh vực mới nổi chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thực phẩm Halal, sản xuất nông nghiệp bảo đảm an ninh lương thực. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, điều kiện sản xuất các nguyên liệu chế biến sản phẩm Halal; mong các doanh nghiệp Indonesia đến Việt Nam sản xuất thực phẩm Halal. Thủ tướng mong các doanh nghiệp hai nước, nhất là hiện thực hóa ý tưởng của Tổng thống về Thủ đô mới của Indonesia.

Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp bằng 3 đột phá chiến lược, đó là thể chế chính sách phù hợp điều kiện mới, xu thế thời đại, kinh tế thị trường; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân; đột phá về hạ tầng chiến lược, giảm chi phí đầu vào… với tinh thần chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tất nhiên các doanh nghiệp cũng phải kinh doanh đúng pháp luật, tôn trọng văn hóa bản địa.

Tại Đối thoại, đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn hai nước đã trình bày những triển vọng kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, Indonesia. Các doanh nghiệp Indonesia đánh giá cao sự hỗ trợ, tạo điều kiện và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có các nhà đầu tư Indonesia nói riêng.

Đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Chủ tịch FPT Trương Gia Bình bày tỏ quyết tâm phát triển các lĩnh vực với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là bày tỏ sự quan tâm phát triển vào lĩnh vực chíp bán dẫn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mới nổi.

Chủ tịch Tập đoàn Sovico Nguyễn Thanh Hùng bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Indonesia để đóng góp vào phát triển thịnh vượng của nước này; Vietjet cũng tự hào được tham gia kết nối các tuyến bay giữa hai nước, góp phần tích cực giao lưu kinh tế, giao lưu nhân dân. Việc hợp tác của Vietjet với các đối tác của Indonesia đang được tăng cường sâu rộng trên lĩnh vực hàng không.

Ông Hùng bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ triển vọng phát triển thị trường hàng không hai nước; đồng thời bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Tổng thống Indonesia, thể hiện việc sẵn sàng tổ chức tuyến bay mới nối Việt Nam với Thủ đô mới này. Các doanh nghiệp Việt Nam khác cũng bày tỏ rất quan tâm phát triển lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi xanh.

* Trước buổi Đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joko Widodo có buổi ăn sáng và trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.