Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Y Vinh Tơr, Nông Thị Hà; nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Phương Lan; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Huy Đông; Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT.
Tại điểm cầu các địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Tỉnh, Thành uỷ, lãnh đạo UBND, lãnh đạo Ban Dân tộc, cơ quan công tác dân tộc (CTDT), lãnh đạo một số sở, ban, ngành 53 tỉnh, thành phố vùng DTTS và miền núi trên cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, dưới chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng DTTS và miền núi (trong đó có 136 chính sách dân tộc), các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi năm 2023 ngày càng được ổn định, từng bước cải thiện nâng cao.
Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2023, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; dự kiến cuối năm 2023 thêm 9 xã được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh vùng DTTS, một số tỉnh ước tỷ lệ nghèo năm 2023 giảm nhanh như: An Giang giảm 11,3%, Quảng Nam giảm 10,4%, Quảng Trị 6,73%, Hà Giang giảm 5,96%, Yên Bái giảm 5,25%, Lào Cai giảm 5,2%, Gia Lai giảm 4,21%, Kon Tum giảm 4,04%, Cao Bằng giảm trên 4%... các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Nai, Long An tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 1%; tỉnh Quảng Ninh đến hết năm 2023 không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ và thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi phù hợpTình hình sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy, hải sản duy trì ổn định. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS được tạo điều kiện hình thành và nhân rộng. Nhiều địa phương chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chất lượng cao, số xã có sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP ngày càng nhiều.
Các ngành nghề tạo ra sản phẩm đặc trưng, chủ lực của vùng được các địa phương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện; trong đó có các nghề truyền thống của đồng bào DTTS được giữ gìn và phát huy. Năm 2023, một số địa phương vùng DTTS có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao như: Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Ninh Thuận 9,4%, Phú Yên 9,16, Bình Phước 8,34% , Trà Vinh 8,25%, các tỉnh: Tuyên Quang, Kon Tum, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Thọ, Điện Biên đều trên 7% cao hơn trung bình cả nước...
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2023, để Chương trình công tác năm 2024 và những năm tiếp theo đạt được các mục tiêu đề ra, CTDT trong năm 2024 tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc; tổ chức thực hiện tốt các Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719; tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS và miền núi; thực hiện việc trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp; đôn đốc, kiểm tra các địa phương triển khai tổ chức thành công Đại hội DTTS cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV đúng tiến độ, đạt mục tiêu…
Tại Hội nghị, nhằm đánh giá một cách toàn diện về những kết quả đạt được trong thực hiện CTDT, chính sách dân tộc trên cả nước, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã báo cáo bổ sung, làm rõ hơn về tình hình vùng đồng bào DTTS; tình hình triển khai, thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trong năm 2023 vừa qua; nêu bật một số kết quả trong việc giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS cũng như những mục tiêu, lộ trình trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Các ý kiến đều cho thấy, những kết quả trong thực hiện chính sách dân tộc đã giúp cho đồng bào được tiếp cận đầy đủ các điều kiện thiết yếu của cuộc sống (y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội…).
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả triển khai các chính sách dân tộc năm 2024, các đại biểu cũng đề nghị UBDT, các Bộ, ngành Trung ương kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, hướng dẫn thực hiện 3 Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719… Các tỉnh cũng thể hiện cam kết sẽ tích cực, tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 với mong muốn thực hiện tốt CTDT, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã thông tin, làm rõ các vấn đề liên quan đến từng lĩnh vực mà địa phương đặt câu hỏi, trong đó tập trung thông tin, chia sẻ các nội dung liên quan đến việc phân bổ, bố trí nguồn kinh phí từ năm 2023 - 2025; vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là UBDT, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong triển khai thực hiện CTDT năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: “Chưa bao giờ công tác dân tộc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm như hiện nay. Trong năm 2023, đã có 95% các vấn đề liên quan đến thể chế bước đầu được giải quyết…”.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, việc triển khai các chính sách dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn; đời sống đồng bào DTTS còn bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cao, nguồn lực hỗ trợ hạn chế. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh đến hai vấn đề khó khăn nhất mà đất nước chúng ta gặp phải là biến đổi khí hậu và xung đột giữa các quốc gia trên thế giới còn rất phức tạp. Do đó, Việt Nam nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm đúng mức đến công tác dân tộc; tăng cường công tác phối hợp; linh hoạt áp dụng các chính sách dân tộc phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương để đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các chính sách dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân vươn lên trong phát triển kinh tế, tránh trông chờ ỷ lại…
Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBDT phải làm tốt vai trò làm đầu mối tham mưu giữa các bộ ngành trong thực hiện các chính sách dân tộc; ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ dân tộc; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc; ưu tiên nguồn lực cho các trường học vùng đồng bào DTTS; tránh đầu tư dàn trải các công trình, dự án tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhấn mạnh Chương trình MTQG 1719 liên quan đến nhiều bộ ngành, địa phương. Chính vì vậy, năm 2024 và những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị cần hết sức quan tâm, tham mưu, phối hợp để phát huy hiệu quả thực hiện cao nhất.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT cũng như cơ quan làm CTDT các cấp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời cho biết sẽ cụ thể hóa vào kế hoạch chương trình công tác năm 2024 để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước được tốt hơn năm 2024 và những năm tiếp theo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, đồng hành, ủng hộ UBDT để cùng hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Theo đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương như: tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về điều chỉnh một số nội dung của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; sửa đổi Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Đề án đổi mới về mô hình và tổ chức hoạt động của cơ quan làm CTDT các cấp; Đề án đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống trường chuyên biệt do UBDT quản lý; Đề án đổi mới mô hình hoạt động của hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú vùng DTTS và miền núi.
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho ông Lê Sơn Hải - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Và Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lê Tuấn Hà Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số UBDT.