Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cử tri và Nhân dân mong đợi các quyết sách của Quốc hội

PV - 16:30, 21/10/2021

Sáng 21/10, thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cử tri và Nhân dân đang mong đợi những quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp này. Trong đó, có 2 quyết sách quan trọng là phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT-XH.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Tại phiên thảo luận Tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cử tri và Nhân dân đang mong đợi những quyết sách của Quốc hội, trong đó, có 2 quyết sách quan trọng nhất là tới đây là phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển KT-XH. Để đáp ứng mong mỏi của người dân, trước Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước ở nhiều cấp độ để tìm lời giải tốt nhất cho 2 vấn đề này. Quốc hội cũng sẽ ban hành Nghị quyết nêu rõ 2 vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, 3 báo cáo thẩm tra do 3 cơ quan của Quốc hội chủ trì nhưng đã có sự tham gia ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có tính phản biện và tính xây dựng cao, cung cấp nguồn thông tin phong phú, sâu sắc cho các đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước trong năm 2022 trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với đại dịch để phục hồi, phát triển KT-XH.

Lưu ý yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII về thống nhất xây dựng Chiến lược, Kế hoạch tổng thể ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là phải đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh. Trong đó, điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine + 5K và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tốc độ tiêm vaccine hiện nay của nước ta đã nhanh hơn, có vaccine là tiêm được ngay, do đó, có thể sẽ bao phủ vaccine nhanh hơn kỳ vọng và như vậy có thể đẩy nhanh hơn tiến độ phục hồi kinh tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, chúng ta vẫn có cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển KT-XH bài bản, với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, phải rút kinh nghiệm từ quá trình vừa qua để làm tốt hơn trong thời gian tới, đặc biệt, phải hết sức tránh việc nóng vội, chủ quan, chuyển từ cực này sang cực khác quá nhanh.

Về chương trình phục hồi KT-XH trong và sau đại dịch, Trung ương đã bàn và hiện nay Chính phủ, Quốc hội đã triển khai nghiên cứu, xây dựng. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, một Chiến lược tổng thể để phục hồi và phát triển KT-XH phải kèm theo điều chỉnh về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, việc phối hợp hai chính sách, tính toán nguồn lực cụ thể... Trung ương thống nhất điều chỉnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo nguyên tắc: Quy mô thì phù hợp, lộ trình hợp lý và trên nền tảng phải bảo đảm được ổn định kinh tế, vĩ mô. Để thiết kế được gói chính sách đáp ứng được các nguyên tắc này không đơn giản.

“Ngay sau Hội nghị Trung ương, Lãnh đạo Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Chính phủ, các chuyên gia ở cả diện rộng và diện hẹp để thảo luận, xem xét các vấn đề liên quan; các cơ quan của Quốc hội cũng đang chủ động nghiên cứu, chuẩn bị để khi Chính phủ trình thì có thể thống nhất được ngay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tính đến việc báo cáo Quốc hội tổ chức Kỳ họp chuyên đề bất thường để quyết định sớm vấn đề này, không chờ đến Kỳ họp thứ Ba vì sẽ lỡ nhịp phục hồi của kinh tế thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid - 19, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tổng gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ của nước ta hiện nay là khoảng 4% GDP, chưa kể phần chi cho y tế, giảm tiền điện, nước, viễn thông… Cần tính tổng thể gói chính sách đang được thực hiện để xác định dư địa còn lại cho điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ như thế nào? Phải làm sao khơi thông, huy động được nguồn lực, có nguồn lực rồi thì xác định được sẽ phân bổ vào đâu.

Thảo luận tại Tổ 3 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở Trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang
Thảo luận tại Tổ 3 gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở Trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang

Qua các cuộc làm việc với các nhà khoa học, các cơ quan của Chính phủ về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết một số nguyên tắc, quan điểm đã cơ bản thống nhất như: Chú trọng tăng cường đồng thời cả tổng cầu và tổng cung bởi cả hai vấn đề này đều đang yếu, để phục hồi được ngay là rất khó; phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về KT-XH. Các chuyên gia và các cơ quan cũng thống nhất gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý, trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022 - 2023, cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiện hại, an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh...

Đồng thời đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào các ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tổng các gói chính sách hỗ trợ hiện nay cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng và đang phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, để có quyết đáp chính xác về phòng, chống dịch và phục hồi KT-XH trong thời gian tới cần phải đánh giá đúng thực trạng KT-XH hiện nay cũng như tác động của đại dịch trong từng lĩnh vực. Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề, tại sao kinh tế giảm sâu như vậy mà nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá, là trụ đỡ của nền kinh tế? Xuất khẩu tăng, dự kiến 10 tháng xuất khẩu tăng trưởng 24,6% so với cùng kỳ năm trước? Công nghiệp chế biến, chế tạo, dược phẩm, sản xuất thiết bị y tế… cũng tăng? Các ngành nào trong đại dịch đã chuyển từ “nguy” thành “cơ”? Do đó, cần phải phân tích rất kỹ lưỡng để thấy được dư địa tăng trưởng.

Liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm, Chủ tịch Quốc hội cho biết qua thống kê sơ bộ cho thấy, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm nay đã giảm so với quý II và so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên nếu như lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ giảm thì lao động nông nghiệp lại tăng lên. Chỉ rõ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề đại dịch chắc chắn sẽ dẫn đến sự phân bổ lại dân cư, lao động và điều này sẽ tác động đến tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lao động trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những vấn đề trên phải có dữ liệu thông tin đầy đủ. Thông tin sai lệch thì quyết định chính sách không thể chính xác được. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải nâng cao hơn nữa năng lực phân tích, dự báo tình hình. Dự báo đúng thì mới có biện pháp đúng, không bị lúng túng, bất ngờ. Do đó, trong Nghị quyết của Quốc hội cần có yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ lưỡng tác động của đại dịch không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội, văn hóa... không chỉ tác động tích cực, tiêu cực mà còn cả những cơ hội.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận vừa qua, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã có báo cáo rất chi tiết, rất sâu sắc về tác động của đại dịch đối với xã hội, văn hóa, giáo dục và được Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất hoan nghênh. Các báo cáo liên quan đến quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ, chiến lược vaccine đều đã được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị, có báo cáo. Tổ Công tác Covid-19 đã có một tập tài liệu rất chi tiết về nhiều lĩnh vực gửi đại biểu Quốc hội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19.

Nêu rõ, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; tình hình KT-XH của thế giới có phục hồi, tăng trưởng nhưng lại có sự phân hóa do độ bao phủ về vaccine... các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang tăng trưởng hai tốc độ. Một số nước tăng trưởng nhanh như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu nhưng một số nước rất chậm do bao phủ vaccine còn hạn chế. Tuy nhiên, nếu sang năm các nước lớn lại thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ lỡ nhịp phục hồi kinh tế của thế giới… Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Các biện pháp điều hành đều phải trên cơ sở dữ liệu khoa học, dữ liệu dịch tễ học; phải nghiên cứu căn cơ, khi quyết định rồi thì phải thực hiện nhất quán. Cần xác định rõ đây là “cuộc kháng chiến trường kỳ” nên phải có giải pháp tổng thể mang tính chiến lược, dài hơi hơn./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.