Cùng đi có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Lào Nguyễn Đắc Vinh; Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác dâng hương, dâng hoa, thắp nén hương thơm tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của cả hai dân tộc Việt Nam-Lào.
Ghi sổ lưu niệm tại đây, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt-Lào là biểu hiện cao đẹp của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào. Xin được thắp nén hương thơm kính cẩn tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của hai dân tộc. Tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững".
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt-Lào được xây dựng năm 1976, tại khối 4, thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Đây là nghĩa trang lớn nhất quy tập phần mộ các liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Nghĩa trang đặc biệt này là nơi yên nghỉ của 10.804 liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào.
Hằng năm, Ban Quản lý nghĩa trang đón tiếp hàng chục nghìn khách, người dân đến thắp hương, thăm viếng tưởng nhớ các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh anh dũng cho cả hai dân tộc.
Tiếp đó, tại trụ sở Huyện ủy Anh Sơn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thăm, tặng quà và chứng kiến trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng 20 nhà ở cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiêu biểu.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 500.000 thân nhân liệt sĩ, hơn 117.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh...
Tỉnh Nghệ An là một trong 3 địa phương có số gia đình người có công với cách mạng, liệt sĩ, thương binh rất lớn so cả nước. Tỉnh có 65.147 gia đình người có công; trong đó, khoảng 29.619 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 9.051 bệnh binh và khoảng 13.000 người bị nhiễm chất độc da cam.
Hằng năm, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình người có công với cách mạng, gia đình chính sách với số tiền lớn, khoảng 150 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chăm lo cho gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình người có công là việc làm thường xuyên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Cùng với sự quan tâm và nguồn lực của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần vận động các nguồn lực xã hội để chăm lo cho các gia đình người có công với cách mạng. Coi đây là việc thường xuyên, liên tục, nhất là những gia đình có hoàn cảnh còn khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Nghệ An, huyện Anh Sơn tiếp tục triển khai Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; kiểm tra việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước với gia đình người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ; phát động mạnh mẽ trong toàn dân phong trào chăm lo cho gia đình người có công, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ bằng các việc làm thiết thực.
Cùng với đó, Nghệ An sớm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh tăng lương cơ sở, nhất là với đối tượng hưu trí, đối tượng trợ cấp bảo hiểm xã hội, đối tượng trợ cấp người có công, đối tượng xã hội có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Tiếp tục biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có đóng góp cho phong trào Đền ơn đáp nghĩa, phong trào vận động hỗ trợ cho gia đình chính sách, người có công; đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ vượt khó vươn lên, thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết, cùng với phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Nghệ An luôn xác định nhiệm vụ thực hiện chính sách xã hội cho người có công với cách mạng vừa là tình cảm, trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Toàn tỉnh hưởng ứng tham gia Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc, hỗ trợ, chia sẻ gia đình thương binh nặng, cha mẹ của liệt sĩ; giúp đỡ gia đình chính sách, người có công vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói-giảm nghèo.
Với nguồn lực huy động được, tỉnh đã xây dựng mới, sửa chữa gần 16.000 căn nhà tình nghĩa; gần 24.000 sổ tiết kiệm cho gia đình người có công với cách mạng. Tỉnh còn có quỹ để xây dựng, nâng cấp sửa chữa hơn 1.000 nghĩa trang, đài tưởng niệm.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác đã dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An./.