Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Indonesia

PV - 10:06, 12/09/2018

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 11-12/9. Chiều ngày 11/9, lễ đón chính thức Tổng thống Joko Widodo và Phu nhân đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch. Ngay sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo đã tiến hành hội đàm.

Chủ tịch nước hội đàm với Tổng thống Indonesia Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo - Ảnh: TTXVN
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Joko Widodo lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố và đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.
Tổng thống Joko Widodo bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam; đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua, nhất là về phát triển kinh tế-xã hội; cảm ơn lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã quan tâm thăm hỏi và chia sẻ với nhân dân Indonesia trước những thiệt hại do các trận động đất liên tiếp vừa qua gây ra.
Trao đổi về quan hệ hai nước, hai nhà lãnh đạo cho rằng trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng đang đứng trước những thay đổi sâu sắc, mang lại cả cơ hội và thách thức đan xen, hai nước cần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược theo hướng ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả hơn, vì lợi ích nhân dân hai nước, hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; và trao đổi, thống nhất lập trường trong các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
Hai bên đánh giá cao việc ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2019 - 2023 trong dịp này, giao các bộ, ngành tích cực thực hiện hiệu quả, đạt các kết quả cụ thể hướng tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2023.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước - Ảnh: TTXVN Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo cho rằng hai bên vẫn nhiều tiềm năng và thế mạnh có thể khai thác; nhất trí phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng thông qua nhiều biện pháp, trong đó có hạn chế áp dụng các rào cản và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết song phương và đa phương.
Indonesia ghi nhận đề xuất của Việt Nam về việc không tiếp tục áp dụng các quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại di động, ti vi; ưu tiên cho hàng nông, lâm, thủy hải sản, thép, sản phẩm chế biến, chế tạo, vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị điện của Việt Nam tiếp cận hơn nữa thị trường Indonesia.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao kết quả hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh trong thời gian qua, nhất là việc triển khai Bản Ghi nhớ về Tăng cường hợp tác giữa quan chức quốc phòng và các hoạt động liên quan giữa hai nước ký năm 2010 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng giữa hai nước giai đoạn 2017 - 2022; nhất trí tăng cường hợp tác về hải quân, không quân, công nghiệp quốc phòng; phòng, chống tội phạm.
Hai bên nhất trí tăng cường đàm phán phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế giữa hai nước và giao Cuộc họp Nhóm Kỹ thuật đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được thỏa thuận dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) 1982. Hai bên khẳng định giải quyết vấn đề ngư dân, tàu cá bị bắt trên tinh thần nhân đạo và quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước cũng như luật pháp quốc tế.
Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc phối hợp giải quyết vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp, trong đó có việc ký Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá; đồng thời nhất trí sớm xây dựng Quy tắc hành xử trên biển và sớm ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác biển và nghề cá giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác như năng lượng, nông nghiệp, văn hóa, du lịch và hợp tác biển, trong đó có hợp tác kinh tế biển, khoa học biển, môi trường biển và xây dựng cơ chế tham vấn về các vấn đề biển.
Hai bên nhất trí triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác hàng hóa nông sản và nghiên cứu lập liên doanh, liên kết trong chế biến - nuôi trồng thủy sản, chế biến gỗ và xuất khẩu đồ gỗ; mở rộng hợp tác du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo, nghiên cứu sớm mở đường bay thẳng Hà Nội – Jakarta.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo nhất trí cho rằng trong bối cảnh tình hình khu vực hiện nay, hai bên cần duy trì tham vấn về các vấn đề liên quan đến an ninh và chiến lược ở khu vực; phối hợp xây dựng ASEAN đoàn kết, thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực. Hai bên đánh giá cao và cam kết tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khác, nhất là Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM.
Hai bên khẳng định lập trường nhất quán trong vấn đề Biển Đông, theo đó cam kết ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa, tự kiềm chế hoạt động có thể gây căng thẳng hoặc làm leo thang căng thẳng, tuân thủ hơn nữa các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và quy chuẩn đã được công nhận rộng rãi. Hai bên tái khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.
Cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí thân mật và hiểu biết lẫn nhau. Tổng thống Joko Widodo chân thành cảm ơn Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn sự đón tiếp trọng thị, thân tình.
Sau Hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký Chương trình Hành động triển khai Đối tác Chiến lược Việt Nam - Indonesia giai đoạn 2019 - 2023 và Thông cáo chung về tự nguyện tham gia hợp tác quốc tế về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và thúc đẩy quản lý nghề cá bền vững giữa hai nước nhân dịp này.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo gặp gỡ báo chí sau hội đàm - Ảnh: TTXVN Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo gặp gỡ báo chí sau hội đàm - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo đã có cuộc gặp gỡ báo chí, thông báo với các phóng viên Việt Nam và quốc tế về kết quả cuộc hội đàm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm rất thành công, trao đổi toàn diện các mặt quan hệ giữa hai nước, thảo luận và nhất trí đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa, vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, thịnh vượng, hợp tác và phát triển bao trùm ở khu vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, hai bên đã đề ra các phương hướng lớn thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới, trong đó chú trọng tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc ở các cấp và các kênh Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu nhân dân nhằm thắt chặt hơn nữa sự gắn bó và tin cậy chính trị, đồng thời tạo nền tảng thuận lợi để phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm mang lại kết quả hợp tác thực chất, hiệu quả, cùng có lợi cho cả hai bên.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo cam kết hai nước hỗ trợ nhau nắm bắt các cơ hội liên kết kinh tế khu vực nhằm tăng cường hợp tác thương mại song phương và với nội khối ASEAN.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, hai bên nhất trí tạo thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của nhau, nỗ lực đưa kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 10 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2020 theo hướng cân bằng, đồng thời tăng cường đầu tư hai chiều.
Bên cạnh đó, hai bên cũng cam kết sẽ tích cực hợp tác, tìm tòi những hướng đi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng của mỗi nước.
Tổng thống Joko Widodo cho biết, rất nhiều nhà đầu tư Indonesia mong muốn phát triển đầu tư tại Việt Nam. Chính vì vậy, Indonesia mong muốn Nhà nước Việt Nam hỗ trợ, đối xử công bằng với các nhà đầu tư Indonesia; quan tâm xóa bỏ rào cản thương mại giữa hai nước.
Chia sẻ các giá trị chung về một khu vực hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, hai bên cam kết tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng-an ninh hiện đang phát triển tốt đẹp nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng gia tăng tại khu vực.
Cùng đó, hai bên đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác biển, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân… tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của cả hai nước.
Hai nhà lãnh đạo tin tưởng sự hiểu biết và chia sẻ các giá trị văn hóa giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Indonesia là nền tảng cho sự tin cậy, gắn bó lâu dài giữa hai dân tộc.
Tổng thống Joko Widodo cho biết, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong phòng, chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Tổng thống Joko Widodo cũng bày tỏ sự nhất trí của Indonesia về tăng cường đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước; tin tưởng các cuộc đàm phán sẽ sớm kết thúc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh tới việc tăng cường hợp tác góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, sáng tạo và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực; cũng như đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình, ổn định, phát triển ở Ấn Độ Dương-châu Á-Thái Bình Dương.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ tự do hóa thương mại, tăng cường kết nối kinh tế khu vực, ưu tiên thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, duy trì đà tăng trưởng năng động ở Đông Nam Á, bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển của các quốc gia trong khu vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất, có tính ràng buộc pháp lý.
Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh, Indonesia hoan nghênh những tiến bộ trong đàm phán về COC, góp phần quan trọng khẳng định Biển Đông tiếp tục là khu vực an toàn, ổn định và hòa bình.
Tổng thống Indonesia cũng bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ quan điểm của Indonesia về khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo cổng TTĐT Chính phủ
Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.