Trong những chuyến điền dã tại vùng Tày Yên Thượng (Chợ Đồn) của tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi đã có dịp hỏi chuyện một thầy tào (nay đã mất) về các vấn đề liên quan đến Nôm-Tày. Đó là Ma Văn Vẹ (còn gọi là Tào Vẹ), thôn Khuổi Cuồng.
Tào Vẹ là người duy nhất có thể đọc thông viết thạo chữ Nôm-Tày trong vùng. Ở tuổi 85 mà ông vẫn ngồi cả ngày để dịch nội dung của một cuốn sách cổ được viết bằng chữ Nôm-Tày sang kiểu chữ Latinh. Cuốn sách ghi lại toàn bộ lời của một thể hát cổ của người Tày mà theo như ông và các cụ cao niên trong vùng cho biết thì thể hát này chỉ có ở vùng Tày Yên Thượng và đã thất truyền trên 50 năm, đó là sách về hát Loàn. Theo ông Vẹ, nội dung thể hát dạy người ta cách ứng xử sao cho ra người tử tế, tao nhã, những cái “hèm” cần biết để tránh khỏi mang tiếng người thô tục, khỏi bị thiên hạ cười chê…
Ông Vẹ hầu như tranh thủ từng phút từng giờ để hoàn tất bản dịch nội dung cuốn sách. Ông sợ mình nằm xuống rồi sách đó chẳng còn người đọc nổi mà dịch lại nữa, như vậy là mất, là hết, là có tội với các bậc tiền nhân. Trong khi thể hát Loàn đã thất truyền. Bên cạnh sách hát Loàn, ông còn có 3 tập truyện thơ được chép bằng chữ Nôm-Tày đang dịch chưa xong thì tiếc rằng, năm 2015, ông đã về với đất mẹ.
Cũng giống như vùng Tày Yên Thượng, vùng Tày Đại Sảo (Chợ Đồn) cũng có một thể hát đã thất truyền trên 70 năm đó là hát Già Họ; trong quá trình điền dã, chúng tôi cũng đã may mắn được tiếp xúc với con cháu đời thứ ba của dòng họ Nguyễn Tiến, dòng họ từng trông coi đình Già Họ. Tuy nhiên, những gì có được cũng chỉ là thông tin mà hậu nhân của dòng họ này nghe loáng thoáng từ các bậc trưởng bối trong gia tộc mình. Có điều, tất thảy đều khẳng định thể hát được ghi lại bằng chữ Nôm-Tày, thông tin chỉ được có vậy.
Sau nhiều lần kiếm tìm, chúng tôi cũng gặp được một người tên là Hoàng Văn Mô (thôn Thoôm Hẩu, Đại Sảo) người còn nhớ được vài câu hát Già Họ. Đặc biệt, anh Mô và mẹ còn nắm được nội dung, cách thức và tư tưởng của thể hát đó. Theo bà mẹ Mô, đây là thể hát thể hiện tư tưởng “lá lành đùm lá rách”, sự tương thân tương ái của người Tày xưa. Xưa kia, hát Già Họ được tổ chức từ mồng 7-10 Tết Nguyên đán hằng năm. Trong ký ức của bà, trong những ngày hát Già Họ, người dân tập trung lại thành những đội hát và đi đến từng nhà, mỗi nhà gia chủ đều cho ít thức ăn, thịt, bánh… Thức ăn đấy được đội hát dồn lại, cuối buổi hát sẽ mang ra sông/suối chất cả lên mảng làm lễ và thả mảng trôi theo con nước. Người Tày vùng Đại Sảo cho rằng, chiếc mảng đang mang thức ăn đến cho Già Họ, một người che chở cho cả vùng. Ấy là tín niệm văn hóa, còn thực sự mảng thức ăn ấy chính là cứu tế cho những hoàn cảnh, những phận người cơ nhỡ, tha hương lỡ độ đường tạm qua cơn đói. Đây là một mỹ tục rất nhân văn, nhân bản… Bà mẹ anh Mô cũng khẳng định, bộ sách hát Già Họ hiện vẫn còn ở thôn Bằng Tục, tuy nhiên không biết cụ thể nhà nào cất giữ. Và bây giờ có tìm được sách cũng không tìm ra được người đọc, bởi được viết bằng chữ Nôm- Tày.
Những thông tin chúng tôi có được sau các cuộc điền dã cho thấy, những đặc sắc văn hóa của người Tày bị thất truyền, mai một vì được ghi bằng chữ Nôm-Tày và chưa kịp dịch. Nếu nói về văn học còn có đến cả vài trăm truyện thơ bằng Nôm-Tày hiện cũng chưa có bản dịch. Sách về đạo làm người đặc biệt có hai cuốn Giáo nam và Giáo nữ (sách dạy con trai, con gái làm người) hiện vẫn còn ở vùng Tày Hà Hiệu, huyện Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn cũng trong tình trạng ấy.
Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể bảo tồn, phục dựng và phát triển nếu chữ Nôm-Tày được đầu tư đích đáng. Tính sơ sơ, hiện nay người biết chữ Nôm-Tày trong tỉnh chưa đến con số 4 (mức độ đọc thông viết thạo), nếu họ về mới mẹ núi thì sẽ có những khoảng trắng vĩnh viễn chúng ta không thể chạm tới được, bởi đại đa số các thầy tào, thầy mo, thầy pháp… những người được cho là đọc được chữ Nôm-Tày hiện cũng chỉ biết những chữ phục vụ trực tiếp cho việc hành lễ của mình mà thôi (!)
CHIẾN THẮNG - HÀ VUI