Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ đầu tư công trình thủy điện Nậm Nơn phớt lờ trách nhiệm: Hậu quả người dân nhận đủ

PV - 09:54, 25/05/2018

Mùa mưa bão năm 2018 đã cận kề, hàng chục hộ dân thuộc xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An nằm trong vùng lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn lại tiếp tục phải sống trong nỗi lo trôi nhà. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết.

Sống trong bất an

Chị Lô Thị Na ở bản Lạ, xã Lượng Minh cho biết: Mỗi khi vào mùa lũ, nước lòng hồ và các khe suối lại dâng cao nên tường nhà chị bị nứt có thể bị đổ bất cứ lúc nào. Vào mùa cao điểm mưa lũ, gia đình chị thường phải di chuyển đến nhà người thân để tá túc phòng bất trắc xảy ra.

Nhiều hộ dân ở Lượng Minh có nguy cơ mất nhà do sạt lở. Nhiều hộ dân ở Lượng Minh có nguy cơ mất nhà do sạt lở.

 

Cùng chung hoàn cảnh, gia đình ông Lô Văn Thành, một hộ dân chịu ảnh hưởng của thủy điện Nậm Nơn chia sẻ: Nhà của ông được xây kiên cố (2 tầng). Hàng chục năm qua, không có hiện tượng nứt nẻ. Sau khi thủy điện tích nước, nước sông dâng lên được một thời gian, móng nhà bị sụt lún, hở hàm ếch; các bức tường bị nứt toác; giữa nền nhà cũng có một vệt nứt kéo dài gần 7m. Gần đó, ở dưới chân hệ thống cột nhà và mảnh vườn của gia đình anh Lô Văn Thương cũng đã có hiện tượng đất nứt và sụt lún. Anh Thương cho biết, gia đình anh sống ở đây đã hơn 15 năm, nhưng đến khi nước sông Nậm Nơn dâng lên thì mới có hiện tượng như thế này.

“Chúng tôi phản ánh tình trạng này đã khá lâu, nhưng chính quyền chưa có giải pháp xử lý giúp dân. Mới đây, tôi tham gia cuộc họp đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, thấy cấp trên có hướng di dân. Tôi thấy cũng lo vì nghe nói vị trí di dân ở trên cao, nước sinh hoạt sẽ khó khăn lắm. Mong cấp trên có giải pháp xử lý phù hợp...”, anh Thương trao đổi.

Bà Nguyễn Thị Lan, cán bộ địa chính xã Lượng Minh cho biết: Ở bản Lạ và bản Minh Phương có 34 hộ gia đình có nhà ở, công trình bị sụt lún, nứt nẻ phải di dời khẩn cấp nếu không gặp thời tiết mưa lũ kéo dài, hậu quả sẽ khó lường.

Ông Lô Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cho biết: chính quyền rất lo lắng về thực trạng này nên đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên. Cuối năm 2017 cũng có đoàn cán bộ về khảo sát, kiểm đếm thực trạng sạt lở của các hộ dân, nhưng cho đến thời điểm này chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Nậm Nơn-Nậm Mộ vẫn chưa có phương án di dời.

Chủ đầu tư thờ ơ

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện Tương Dương cho biết: Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, huyện Tương Dương đã 3 lần gửi công văn về tình trạng này và đề nghị chủ đầu tư có phương án giải quyết, thế nhưng Công ty CP Thủy điện Nậm Nơn-Nậm Mộ không có phản hồi. Quan điểm của lãnh đạo huyện, là bằng mọi cách phải bảo vệ tính mạng và tài sản người dân đến cùng, nếu chủ đầu tư không hồi đáp, chúng tôi sẽ kiến nghị lên tỉnh về vấn đề này.

Theo ông Thắng, huyện đã có kế hoạch và đủ đất để tái định cư cho 32 hộ dân dân nhưng với kinh phí đầu tư di dời khoảng hơn 15 tỷ đồng, đến nay chủ đầu tư chưa có ý kiến.

Mới đây Đoàn liên ngành phòng chống thiên tai, lũ lụt của tỉnh Nghệ An đã đến kiểm tra thực trạng này ở Lượng Minh. Ông Nguyễn Huy Cương, Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An khẳng định: Việc di dời các hộ dân trong vùng sạt lở thuộc khu vực lòng hồ Thủy điện Nậm Nơn là hết sức cấp bách, đã được UBND tỉnh chỉ đạo. Vì vậy Sở Công thương kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tương Dương và Công ty CP Thủy điện Nậm Nơn-Nậm Mộ phối hợp kiểm đếm, thống nhất số lượng hộ bị ảnh hưởng có nguy cơ sập nhà; xác định chính xác nguồn gốc đất đai, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại để phê duyệt phương án di dời và giá trị hỗ trợ.

Được biết, trước đó, ngày 7/10/2017, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã đến hiện trường kiểm tra và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Nậm Nơn-Nậm Mộ phối hợp với huyện Tương Dương di dời khẩn cấp các hộ dân nói trên, chậm nhất là trong quý 1 năm 2018.

Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Tương Dương bố trí 3ha đất phù hợp để tái định cư cho các hộ trong diện phải di dời. Tuy nhiên, đến nay nhiều văn bản từ huyện Tương Dương và UBND tỉnh Nghệ An chuyển cho Công ty CP Thủy điện Nậm Nơn-Nậm Mộ vẫn chưa có phản hồi. Mọi phương án di dời các hộ dân vẫn ở trên các cuộc họp và trên các văn bản, giấy tờ.

Điện là nguồn năng lượng quan trọng của Quốc gia, tuy nhiên không vì tính mạng và tài sản của người dân mà bỏ qua tất cả. Thiết nghĩ, khi nhân dân đã hy sinh không gian sống vì lợi ích quốc gia, cộng đồng thì chính quyền tỉnh Nghệ An cần có biện pháp để bảo vệ người dân. Bên cạnh đó, công ty Công ty CP Thủy điện Nậm Nơn-Nậm Mộ cần có trách nhiệm và chia sẻ với người dân trước thiên tai hoạn nạn, cần phải quan tâm đến vấn đề hài hòa lợi ích và sự đồng thuận của người dân.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.