Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Cho vay phát triển thủy sản: Gỡ vẫn vướng!

PV - 10:38, 31/08/2018

Để tiếp tục thực hiện chính sách cho vay phát triển thủy sản, ngày 02/2/2018, Chính phủ đã có Nghị định 17/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, một số điều sửa đổi, bổ sung của Nghị định mới lại đang làm cho vốn vay đứng trước nguy cơ nợ xấu vô cùng lớn.

Nợ xấu tăng cao

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước mang tính đột phá, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai đã phát sinh khá nhiều vướng mắc liên quan đến toàn bộ các khâu và các bên trực tiếp tham gia.

Chính sách cho vay đóng tàu vỏ thép là “cú hích” để phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại. (Trong ảnh: Tàu lưới rê vỏ thép Hải Âu 2 của ngư dân Trần Văn Châu, xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, Nam Định-Ảnh tư liệu) Chính sách cho vay đóng tàu vỏ thép là “cú hích” để phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại. (Trong ảnh: Tàu lưới rê vỏ thép Hải Âu 2 của ngư dân Trần Văn Châu, xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, Nam Định-Ảnh tư liệu)

Chính vì thế, ngày 02/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Một trong những điểm mới của Nghị định 17/2018/NĐ-CP là cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới, nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản. Chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ cũ.

Quy định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách. Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị định 17/2018/NĐ-CP lại có hiệu ứng ngược, trở thành một yếu điểm khiến nguy cơ tỷ lệ nợ xấu đang trùm lên toàn bộ hệ thống cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Tại Hội nghị chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (được tổ chức ngày 21/7/2018 tại Thanh Hóa), đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tại 28 tỉnh, thành ven biển đã “kêu cứu” vì nhiều trường hợp vay vốn đóng tàu nhưng chây ì trả nợ. Một trong những nguyên nhân được xác định là do quy định được chuyển đổi chủ tàu nên ngư dân có tư tưởng coi chương trình vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Trần Quý, Giám đốc Agribank Chi nhánh Quảng Bình, với quy định được chuyển đổi chủ tàu, nhiều ngư dân cho rằng, vay vốn đóng tàu, làm được thì làm, không làm được thì “trả tàu” cho ngân hàng để ngân hàng chuyển tàu cho chủ khác; nghĩa là món vay đóng tàu cũng được chuyển giao cho chủ khác. Vì vậy, Quảng Bình có những khoản cho vay đóng tàu tính ra... 100 năm sau mới trả hết nợ!

Đây cũng là tình trạng chung của 28 chi nhánh Agribank tại 28 tỉnh ven biển. Theo số liệu của Agribank Việt Nam, tính đến 31/7/2018, trên tổng số 622 khoản vay, có 34 khoản vay đã phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, 24 khoản vay có dư nợ bị chuyển quá hạn với dư nợ chuyển quá hạn gần 264 tỷ đồng, 11 khoản vay bị chuyển nợ xấu với dư nợ trên 155 tỷ đồng. Việc nhiều khoản vay bị chuyển nợ quá hạn, cơ cấu nợ, chuyển nợ xấu… cho thấy khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ đối với các khoản vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Khơi thông tư tưởng “có vay, có trả”

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu quá lớn trong thực hiện Nghị định 67 không phải là vấn đề riêng của Agribank mà là thực trạng chung của các ngân hàng khác. Đơn cử như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hà Tĩnh, hiện đã cho vay đóng 9 tàu vỏ thép, với tổng dư nợ 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số nợ xấu của 9 khách hàng này hiện đã lên tới 117 tỷ đồng/tổng dư trợ 125 tỷ đồng.

Phải khẳng định, cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP là một chủ trương lớn, quan trọng trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Do đó, việc tháo gỡ các vướng mắc, nhất là việc quản lý hiệu quả vốn vay, hạn chế tình trạng nợ xấu trong cho vay “tàu 67” là hết sức cần thiết.

Một “điểm nghẽn” hiện này cần phải tháo gỡ là việc ngân hàng không có cơ chế kiểm soát lịch trình của tàu cá; do đó rất khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả khai thác để làm cơ sở thu hồi nợ. Vì vậy mới có tình trạng có chủ tàu chuyến nào cũng báo lỗ, mỗi chuyến khai lỗ 400-500 triệu đồng, tính ra mỗi năm lỗ hàng tỷ đồng mà thực tế tiềm lực của chủ tàu không được như thế, thậm chí báo lỗ nhưng tàu cứ về bờ vài ngày lại thấy ra khơi (!).

Ngoài ra, theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Việt Nam, ông Phạm Toàn Vượng, quy định chuyển đổi chủ tàu theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP là điểm mới, tuy nhiên vẫn còn rất chung chung. Ông Toàn đề xuất sửa đổi nội dung này theo hướng: bổ sung nội dung về hỗ trợ lãi suất đối với cơ chế chuyển đổi chủ tàu, trong đó hướng dẫn các trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế xử lý rủi ro đặc thù hỗ trợ ngân hàng và các chủ tàu trường hợp các chủ tàu hoạt động không hiệu quả, không có nguồn thu trả nợ, ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ...

Như vậy, mặc dù Nghị định 17/2018/NĐ-CP ban hành sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã được ban hành, nhưng những vướng mắc trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP vẫn chưa được tháo gỡ triệt để. Đây và đang là lực cản khiến các ngân hàng cho vay theo Nghị định này gặp nhiều khó khăn, lo ngại nguy cơ nợ xấu tăng cao hơn trong thời gian tới.

Tỷ lệ nợ xấu quá lớn trong thực hiện Nghị định 67 không phải là vấn đề riêng của Agribank mà là thực trạng chung của các ngân hàng khác”. (Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước).

SỸ HÀO