Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Cho đi để còn mãi

PV - 14:46, 06/02/2018

Đây là câu chuyện về một gia đình có 2 mẹ con là bác sĩ đều có tâm nguyện hiến tạng cứu người. Mặc dù người mẹ, Đại tá, bác sĩ Vũ Thị Thoa, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện 19/8 (Bộ Công an) đã mất vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo, nhưng những việc làm của bà khi còn sống đối với người bệnh tiếp tục là nguồn cảm hứng về tinh thần lạc quan, lòng nhân ái của người thầy thuốc cho thế hệ bác sĩ trẻ noi theo, trong đó có con trai bà-bác sĩ nhãn khoa Hoàng Thanh Tùng.

Bác sĩ Tùng (ngoài cùng bên phải) trong một lần khám chữa bệnh cùng các bác sĩ quốc tế.

 

Đôi mắt còn lại

Nhắc đến cố bác sĩ Vũ Thị Thoa, ngành Nhãn khoa nước nhà ai cũng biết. Chị không chỉ nổi tiếng về trình độ chuyên môn, mà nghị lực sống của chị đã và đang là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ bác sĩ trẻ noi theo.

Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú khóa 14 (Đại học Y Hà Nội), bác sĩ Thoa về công tác tại khoa Mắt của Bệnh viện 19/8. Năm 1996, khi ấy bác sĩ Thoa ngoài 30 tuổi, đang mang thai đứa con thứ 2, thì phát hiện có một khối hạch ở nách. Sau khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú. Là bác sĩ, chị biết kết quả cuối cùng của căn bệnh là gì nên quyết định âm thầm đối mặt. Năm 1997, sau khi sinh con, chị bắt đầu chiến đấu với căn bệnh ung thư. Suốt 20 năm, trong con mắt của bạn bè, đồng nghiệp-bệnh nhân, bác sĩ Vũ Thị Thoa luôn có tinh thần lạc quan, vui vẻ, sống hết mình với công việc, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện giúp đỡ người bệnh.

Bác sĩ Trần Quốc Hùng ngậm ngùi nhớ lại, cách đây 3 năm, từ bệnh ung thư di căn vào xương, do sơ xảy bác sĩ Thoa vừa bị gãy cổ xương đùi. Dù đau đớn thể xác, chị vẫn chống nạng lên sân khấu hát cùng đồng nghiệp trong một hội diễn văn nghệ của bệnh viện. Thậm chí trước khi mất một tháng, dù đang nằm trên giường bệnh điều trị, nhưng thấy Khoa Mắt rất thiếu người vì các y bác sĩ được phân công đi khám bệnh ở tuyến cơ sở, chị Thoa vẫn xuống khoa hỗ trợ và họp giao ban trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với các đồng nghiệp. Chị thường bảo với đồng nghiệp, chị muốn làm được nhiều việc vì sẽ có ngày chị ra đi mãi mãi.

Đặc biệt, trước khi mất, bác sĩ Vũ Thị Thoa đã để lại một di nguyện là tha thiết mong muốn hiến tạng cho y học. Do trải qua thời gian dài điều trị hóa chất chữa bệnh ung thư, nên di nguyện của chị chỉ thực hiện được phần hiến giác mạc. Giác mạc của bác sĩ Thoa đã giúp cho 2 người mù lòa nhìn thấy được cuộc sống.

Cho đi để còn mãi

Nhớ về người mẹ quá cố, bác sĩ trẻ Hoàng Thanh Tùng xúc động nói: “Dù mẹ đã qua đời, nhưng đôi mắt của mẹ vẫn luôn hiện hữu ở đâu đó trên thế gian này. Với tôi, mẹ như vẫn còn đang sống và dõi theo từng bước tôi đi. Tiếp nối di nguyện của mẹ, tôi cũng có tâm nguyện là hiến tạng cứu người”.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tùng chia sẻ, với cách suy nghĩ của hầu hết người dân lâu nay là, khi mất đi phải giữ cho đầy đủ cơ thể. Nhưng với tôi, suy nghĩ đó là chưa đủ. Ai rồi cũng sẽ phải mất đi, cơ thể của chúng ta rồi cũng hòa với đất để trở về với cát bụi. Vì vậy, một mô tạng nào đó, nếu được cho đi chẳng những giúp người khác được sống mà chính một phần cơ thể của mình cũng tiếp tục được tồn tại. “Cho đi là sẽ còn mãi mãi. Và khi ấy tâm hồn của chúng ta mới thực sự được vẹn toàn”, bác sĩ Tùng bộc bạch.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tùng chia sẻ thêm, hiện cả nước có khoảng 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, nhu cầu được ghép giác mạc rất lớn. Nhưng mỗi năm, ngành Mắt cũng mới nhận được khoảng 150 giác mạc từ 50 người hiến, và khoảng 100 giác mạc từ nước ngoài. “Thông qua việc hiến tạng tôi cũng mong rằng, xã hội sẽ hiểu hơn về việc hiến tặng giác mạc nói riêng và hiến tạng nói chung để góp sức cùng các bác sĩ mang lại nguồn sáng, sự sống cho đời", bác sĩ Tùng mong muốn.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục