Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chính thức tăng lương từ hôm nay

Minh Thu - 22:42, 01/07/2024

Tăng lương cơ sở; mức lương hưu, trợ cấp BHXH; sửa quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản; mỗi điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày... là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ 1/7.

TIN TH: Chính thức tăng lương từ hôm nay

Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng từ hôm nay (1/7).

Cũng từ ngày 1/7, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Sửa quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 23 về điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường. Bên cạnh đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 26 về thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường.

Theo đó, căn cứ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.

Việc mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định tại Thông tư này, các quy định khác có liên quan. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt chấm dứt kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường có hiệu lực. Công ty Quản lý tài sản được thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

Mỗi điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán (Ảnh minh họa).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán (Ảnh minh họa).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 07/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động đại lý thanh toán. Theo Thông tư quy định, bên giao đại lý được giao cho bên đại lý thực hiện một hoặc một số nghiệp vụ sau:

Nhận hồ sơ mở tài khoản thanh toán, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán.

Nhận hồ sơ phát hành thẻ ngân hàng, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng.

Tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán của khách hàng, lập, ký, kiểm soát, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng, chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận tiền mặt từ khách hàng hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch

Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán của khách hàng thì bên đại lý xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng và thực hiện chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, trừ trường hợp xảy ra sự cố hệ thống thông tin và/hoặc các điều kiện bất khả kháng khác không thể thực hiện được giao dịch của khách hàng.

Bên giao đại lý phải có các biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch của bên đại lý là tổ chức khác, gồm: Hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày.

Bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ được giao đại lý của bên đại lý mở tại bên giao đại lý theo quy định và mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 05 tỷ đồng/tháng.

Thông tư có hiệu lực từ 01/7/2024.

Quy định mới về kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, dự báo giá thị trường

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BTC ngày 16/5/2024 quy định công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

Theo Thông tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu; báo cáo tổng hợp phục vụ họp Ban chỉ đạo điều hành giá trình Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương trên cả nước định kỳ gửi các bộ, các sở tài chính, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan khác có liên quan để cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát của các cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.

Các bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý trình trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu; định kỳ, đột xuất gửi báo cáo cho Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này để tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá;

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường thuộc địa bàn quản lý trình trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu; gửi báo cáo cho Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này để tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá khi có yêu cầu.

Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường gửi Bộ Tài chính theo kỳ báo cáo quy định tại Thông tư này; báo cáo giá thị trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh khi có yêu cầu.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Đề xuất hướng dẫn thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam - Lào

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam - Lào.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan đến thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa hai nước Việt Nam – Lào, cũng như một số nội dung về quản lý ngoại hối khác có liên quan như: sử dụng tài khoản đồng kíp Lào (LAK), hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối liên quan đến đồng LAK của tổ chức tín dụng…

Đối với việc thanh toán, chuyển tiền đầu tư, vay nợ, tài trợ, viện trợ bằng VND, ngoại tệ (bao gồm cả LAK) được thực hiện theo các quy định tại Pháp lệnh ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung), Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, dự thảo Thông tư quy định nguyên tắc việc thanh toán, chuyển tiền cho các hoạt động đầu tư, vay nợ, tài trợ, viện trợ song phương Việt Nam – Lào được thực hiện theo các quy định quản lý ngoại hối liên quan.

Dự thảo Thông tư quy định đồng tiền thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam - Lào là VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Phương thức thanh toán, chuyển tiền bao gồm: Thanh toán, chuyển tiền bằng VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng được phép; thanh toán phần chênh lệch bằng VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/7/2024.

Quy định mới về quản lý tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô

Quy định mới về quản lý tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.
Quy định mới về quản lý tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 18/2024/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Điểm đáng chú ý nhất tại Thông tư 18/2024/TT-BGTVT là quy định về quản lý tuyến.

Theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2023/TT- BGTVT): Định kỳ trước ngày 31/3 hàng năm, Sở Giao thông vận tải thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và báo cáo bằng văn bản đến Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp trình Bộ Giao thông vận tải công bố.

Định kỳ trước ngày 30/4 hàng năm, Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, rà soát, điều chỉnh và tham mưu trình Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh; Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh.

Nội dung trên được Bộ Giao thông vận tải sửa đổi tại Thông tư 18/2024/TT-BGTVT như sau: Sở Giao thông vận tải sử dụng phần mềm của Bộ Giao thông vận tải để: thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, công bố.

Thông tư 18/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.





Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.