Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chính phủ tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV

PV - 09:30, 30/07/2024

Sáng 30/7, tại Hà Nội, Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai một số luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật. Xác định đầu tư cho công tác xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy các đột phá khác, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là về hạ tầng.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 28 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 90 quyết định quy phạm. Các bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn có liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại các kỳ họp, Quốc hội khoá XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (trên 60 văn bản), trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đường bộ, các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố… Riêng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thông qua 11 luật, 2 nghị quyết quy phạm; 1 nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 9 nghị quyết điều hành kinh tế - xã hội.

Quốc hội, Chính phủ đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả; chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với những cải tiến, đổi mới thiết thực trong công tác xây dựng pháp luật; tập trung tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở sự phát triển, nhất là trong lĩnh vực đất đai, hạ tầng, đầu tư, kinh doanh...

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của Quốc hội trong suốt quá trình xây dựng, thẩm tra, cho ý kiến, tiếp thu, giải trình và thông qua các luật, nghị quyết; nhất là trong những giai đoạn khó khăn của phòng, chống dịch, giai đoạn thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thủ tướng, việc tổ chức Hội nghị hôm nay là hết sức cần thiết nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống ... Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, việc tổ chức Hội nghị hôm nay là hết sức cần thiết nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống ... Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn. Thực tế thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả; chưa thực sự khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, nhất là liên quan tới các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Chính vì vậy, việc tổ chức Hội nghị hôm nay là hết sức cần thiết nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống, đồng thời điểm lại một số kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai một số luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua.

Cùng với đó, lắng nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực tế cũng như trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, quán triệt Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Thời gian của Hội nghị không nhiều, yêu cầu cao, phạm vi rộng, nội dung phong phú, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới, trình bày báo cáo, tham luận, phát biểu tập trung vào các vấn đề sau.

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện yêu cầu "gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả" theo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ hai, trao đổi các vấn đề quan trọng, đề xuất giải pháp khả thi, thiết thực, góp phần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các cơ quan nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác triển khai, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Thứ ba, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai các luật, nghị quyết, ban hành văn bản quy định chi tiết, rà soát văn bản quy phạm pháp luật...

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Cơ hội nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An: Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719 (Bài 2)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, thì việc khai thác phát huy hiệu quả Dự án 7, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là việc hỗ trợ tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình..., đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng miền núi Nghệ An.