Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chiến sĩ biên phòng với học sinh vùng cao

Trọng Bảo - 11:05, 24/09/2019

Nhiều năm nay, đều đặn vào chiều thứ Năm hằng tuần, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Tần (Bộ đội Biên phòng Lai Châu) lại xuống các điểm trường học trên địa bàn xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ để cắt tóc, hướng dẫn học sinh cách vệ sinh cá nhân... Những việc làm của các anh, đã và đang góp phần thu hút học sinh đi học chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Chiến sĩ biên phòng với học sinh vùng cao

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Tần chăm sóc vệ sinh cho học sinh.

Thiếu úy Đào Anh Đức, Đồn Biên phòng Pa Tần cho biết: Sống ở địa bàn vùng cao, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên việc chăm lo cho con cái từ việc học hành, ăn ở vệ sinh của các bậc phụ huynh còn hạn chế thậm chí các em phải tự lo.

“Thương các cháu, từ tháng 8/2015 đến nay, cứ vào chiều thứ Năm hằng tuần, chúng tôi lại chuẩn bị đồ nghề như kéo, tông đơ, bấm móng tay... xuống các điểm trường trên địa bàn để cắt tóc, cắt móng tay cho các cháu, đồng thời hướng dẫn các cháu cách vệ sinh thân thể cho gọn gàng, sạch sẽ...”, Thiếu úy Đức cho biết.

Thầy Thái Văn Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Tần thông tin, trước đây, việc giáo dục cũng như công tác vệ sinh cá nhân của học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều em do không được bố mẹ quan tâm nên để tóc dài, thậm chí có nhiều chấy, rận... các em ít tắm gội, vệ sinh thân thể. Nhà trường cũng rất quan tâm, nhưng vì điều kiện giáo viên ít, nên cũng chỉ biết nhắc nhở các em về bảo bố mẹ đưa đi cắt tóc và vệ sinh thôi. “Cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn, nên để các phụ huynh quan tâm đến vệ sinh cá nhân của con em mình là điều rất khó”, thầy Trung chia sẻ.

“Từ khi có sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng, công tác vệ sinh cá nhân của các em được nâng lên rõ rệt. Các em đã biết cách tự vệ sinh cá nhân, đầu tóc, trang phục lên lớp luôn gọn gàng, sạch sẽ. Qua đó, sức khỏe các em cũng được cải thiện rõ rệt. Tình trạng học sinh phải nghỉ học do ốm đau giảm hẳn”, thầy Trung cho biết thêm.

Cũng theo thầy Trung, ngoài việc hướng dẫn học sinh vệ sinh cá nhân, cắt tóc cho các em vào mỗi dịp cuối tuần..., cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng còn tổ chức tặng quà cho các em thông qua quỹ học bổng “Nâng bước em đến trường”; kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, tặng cho các em quần áo, chăn màn, đồ dùng học tập…

Thiếu tá Nguyễn Tiến Đoàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Tần cho biết thêm, Đồn Biên phòng chịu trách nhiệm quản lý 15 bản, 958 hộ với trên 4.600 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Kinh, Thái, Mông và Mảng, trong đó có 9 bản vùng cao với 100% là dân tộc Mông và dân tộc Mảng. Những năm gần đây, ngoài những hoạt động giúp đỡ các em nêu trên, Đồn Biên phòng Pa Tần còn chủ động phối hợp với các trường học trên địa bàn, thường xuyên tổ chức các “tiết học vùng biên”. Thông qua tiết học này, các em thêm hiểu rõ hơn về đường biên, mốc giới, về địa bàn mình sinh sống, được trải nghiệm một số hoạt động của cán bộ, chiến sĩ Đồn.

Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, Đồn Biên phòng Pa Tần đã huy động, xây dựng được 4 phòng học bán trú cho Trường Tiểu học Pa Tần và Trường Mầm non Pa Tần; huy động được hàng trăm chiếc chăn ấm cũng như đồ dùng học tập cho học sinh trị giá gần 2 tỷ đồng, góp phần cùng với ngành Giáo dục địa phương cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho học sinh; từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân mỗi học sinh trong công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.