Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chiếc vòng đồng trong văn hóa của người Ê Đê

Ân Thư - 08:08, 02/08/2021

Đối với người Ề Đê, chiếc vòng đồng không chỉ là vật trang sức mà còn có nhiều ý nghĩa văn hóa tâm linh. Đây là vật chứng trong các lễ cúng, vật giao ước trong lễ cưới hỏi, kết nghĩa hay là bùa hộ mệnh, cầu may. Đặc biệt trong đời của mỗi người thì những lần được cúng đeo vòng đồng được xem là đánh dấu giai đoạn hay thời khắc quan trọng trong cuộc đời.

Khi làm lễ, thầy cúng sẽ vừa khấn vừa cầm vòng đồng đeo vào tay người được làm lễ
Khi làm lễ, thầy cúng sẽ vừa khấn vừa cầm vòng đồng đeo vào tay người được làm lễ

Tín vật tâm linh của người Ê Đê

Với người Ê Đê, chiếc vòng đồng không chỉ là vật trang sức mà còn gắn với văn hóa tâm linh, là vật quan trọng kết nối với thần linh thay lời cầu xin hay hứa hẹn. Trong nhiều nghi lễ, bên cạnh rượu cần và các con vật hiến sinh như heo, gà, trâu hoặc bò, thì chiếc vòng đồng là đồ vật có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu. Nó xuất hiện trong hầu hết các nghi lễ cúng của người Ê Đê như: Lễ cúng cầu mưa, Cúng bến nước, Cúng mừng thọ, Cúng sức khỏe…

Ông Y Hơ Êban ở buôn Knia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn cho biết, người Ê Đê rất coi trọng lời đã hứa, nhất là lời hứa trước các thần linh và buôn làng. Lời hứa ấy được thể hiện bằng một lễ cúng và khắc một vòng tròn trên vòng đồng. Khi chưa đủ các điều kiện về kinh tế để thực hiện như đã hẹn thì có thể dời hẹn lại bằng một nghi lễ, ngày xưa gọi là nhắc vòng đồng. 

Tùy vào điều kiện gia đình, người Ê Đê sẽ làm lễ nhắc vòng đồng để xin dời hẹn đến khi thích hợp. “Chẳng hạn như khi gia đình đạt được một thành tựu nào đó, trong lễ cúng trước đó có hứa là sẽ làm lễ với một con trâu đực và 7 ché rượu cần để tạ ơn ông bà tổ tiên. Nhưng trong quá trình chuẩn bị thì gia chủ gặp những bất lợi về điều kiện thời tiết, mùa màng nên phải chờ đến mùa khô để làm. Lúc đó mọi người rảnh rỗi sẽ đến giúp sức, góp công rồi cùng đánh chiêng, thưởng thức rượu cần, ăn cơm ăn thịt cùng với gia chủ. Như vậy, gia chủ phải làm lễ nhắc vòng đồng để xin dời hẹn lại lễ cúng cảm tạ kia. Tùy theo gia chủ có điều kiện thì có thể làm lễ nhắc với con heo hay con bò để xin hẹn lại với các thần vào một thời gian thích hợp”, ông Y Hơ giải thích.

Nghi thức đeo vòng đồng của người Ê Đê trong Lễ cúng cây nêu cầu an
Nghi thức đeo vòng đồng của người Ê Đê trong Lễ cúng cây nêu cầu an

Chiếc vòng đồng còn là vật giao ước hôn thú của các cặp nam, nữ người Ê Đê khi đến tuổi lập gia đình. Theo đó, khi đã ưng thuận thì cô gái sẽ nói với gia đình đến nhà trai làm lễ trao vòng đính ước. Lễ vật tùy theo yêu cầu của nhà trai, nhưng nhất thiết phải có 8 chiếc vòng đồng và một chiếc chăn địu (người Ê Đê gọi là kông span băn bă), biểu thị cho lòng biết ơn của cô gái với mẹ chồng vì công lao sinh thành, dưỡng dục chàng trai nên người.

Trong quá trình làm lễ, chiếc vòng đồng có ý nghĩa như chiếc nhẫn cưới, được đại diện hai bên gia đình trao cho đôi trẻ với lời căn dặn về cuộc sống hôn nhân, đạo làm chồng, làm vợ. Đây cũng là vật biểu thị cho lời hứa hẹn, lời cam kết của đôi trẻ trước thần linh và cộng đồng trước sự chứng kiến của tập thể. Khi cô dâu, chú rể cùng chạm tay vào chiếc vòng đồng và trao cho nhau thì 2 người chính thức là vợ chồng của nhau, từ nay 2 người sẽ được gắn kết bền chặt, gắn bó chung thủy đến bạc đầu. Nếu như một trong 2 người không làm trọn như lời đã thề hẹn thì sẽ phải trả lại vòng đồng và bị phạt đền lại cho gia đình của người kia gấp đôi hoặc gấp ba số của hồi môn đã đưa ra trong lễ đính ước.

Trong lễ kết nghĩa, vòng đồng như một vật tín giao ước kết nối các buôn làng, giữa những người xa lạ thành thân thuộc; gắn kết tình yêu thương giữa gia đình người Ê Đê với một người không phải máu mủ, ruột rà. Khi đó, gia đình sẽ trao cho người anh em kết nghĩa chiếc vòng đồng như một vật giao ước, công nhận người đó trở thành một thành viên trong gia đình, họ hàng. Hai bên được gắn kết như ruột thịt và cùng chia sẻ những chuyện vui buồn hay khó khăn, hoạn nạn. Người được kết nghĩa cũng có trách nhiệm và vai trò như những người anh em trong họ hàng của gia đình làm lễ kết nghĩa.

Nghi thức đeo vòng đồng trong Lễ kết nghĩa
Nghi thức đeo vòng đồng trong Lễ kết nghĩa

Theo bà Hoàng Ngọc Lan Byă, ở buôn Sut Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk, việc đeo chiếc vòng đồng vào cổ tay người được làm lễ còn là lời chúc phúc, cầu chúc sức khỏe và may mắn. Do vậy, trong rất nhiều nghi lễ, sau khi thầy cúng làm lễ và đeo vòng đồng cho chủ lễ, các thành viên trong gia đình, họ hàng và người dự lễ cũng cầm một chiếc vòng đồng để đeo vào cổ tay người được làm lễ kèm theo một món quà hay lời chúc. Lời chúc này là những phước lành không chỉ dành riêng cho người được làm lễ mà còn là lời chúc phúc cho tất cả các thành viên trong gia đình gia chủ được khỏe mạnh, may mắn.

Chiếc vòng đồng gắn bó với đời người

Theo Aê Lê, ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, người Ê Đê có nhiều nghi lễ và lễ cúng gắn với đời người. Mỗi lễ cúng mang một ý nghĩa riêng. Chiếc vòng đồng gắn với mỗi người Ê Đê từ khi sinh ra cho đến lúc mất đi, được sử dụng trong mọi nghi lễ lớn nhỏ liên quan đến chủ nhân của nó. Mỗi lần thực hiện nghi thức cúng với vòng đồng đánh dấu thời khắc quan trọng của đời người. Từ khoảnh khắc chào đời làm lễ thổi tai, năm 11-12 tuổi được làm lễ thiếu niên, đến tuổi trưởng thành có nghi lễ cúng trưởng thành, lễ đính ước khi lập gia đình, lễ cúng sức khỏe khi gặt hái được thành tựu nào đó và khi đến tuổi 60, con cháu tề tựu sẽ làm lễ cúng mừng thọ.

Vòng đồng còn là món quà ý nghĩa được các thành viên trao nhau trong các nghi lễ
Vòng đồng còn là món quà ý nghĩa được các thành viên trao nhau trong các nghi lễ

Khi làm lễ cúng, thầy cúng sẽ vừa đọc lời khấn, vừa cầm tay vào chiếc vòng đồng để đeo vào cổ tay người được làm lễ. Đó như một vật chứng để thần linh phù hộ, che chở cho chủ nhân của chiếc vòng. Sau mỗi lần cúng, chiếc vòng đồng sẽ được khắc số dấu tương ứng với số ché rượu mà gia chủ đã dùng để làm lễ, thường là 3, 5 hoặc 7 dấu khắc. Những người sở hữu chiếc vòng khắc 7 dấu là người thành đạt và có nhiều của cải, địa vị cao trong cộng đồng. Những chiếc vòng ấy sẽ được cất giữ riêng cho từng người, thậm chí, đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chiếc vòng đồng sẽ theo chủ nhân của nó đi về bên kia thế giới.

Aê Lê kể:Theo quan niệm của dân tộc mình, trong vòng đời của mỗi người thì từ khi sinh ra, được nếm giọt sương, được làm lễ đặt tên rồi đến khi lớn hơn, biết bò, biết đi thì đó là lúc bắt đầu được thực hiện nghi thức đeo vòng đồng, với lễ vật là 3 ché rượu và một con heo đực để giao cho bà đỡ với mong muốn sẽ bảo vệ tốt cho đứa trẻ. Đến khi lập gia đình, lấy vợ, sinh con sẽ làm lễ cúng với một con heo đực thiến và 5 ché rượu cần, đánh dấu sự chấm dứt chuỗi vòng với bên gia đình nhà bố mẹ đẻ để chuyển sang vòng đồng bên nhà vợ, vì đó là mỗi chuỗi vòng khác. Đối với bên gia đình vợ con thì người đàn ông bắt đầu với lễ cúng từ một con heo và 5 ché rượu cần, khắc 5 khắc lên chiếc vòng đồng.

Nghi thức đeo vòng đồng cho gia chủ trong lễ cúng cầu an
Nghi thức đeo vòng đồng cho gia chủ trong lễ cúng cầu an

Ngày nay, mặc dù các nghi lễ không còn nhiều như trước nhưng ở Đắk Lắk, chiếc vòng đồng vẫn được gìn giữ cẩn thận như một báu vật quý giá. Khi xuất hiện ở các nghi lễ, nó trở thành vật quý được mọi người trao nhau như một phong tục đẹp được gìn giữ.


Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.