Nguy cơ gây hại của tia cực tím ở các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đều ở mức cao từ 7 đến 8, riêng ngày 22/5 ở ngưỡng từ 9 đến 10 nguy cơ gây hại rất cao.
Ngày 21/5, khu vực Bắc Bộ, chỉ số tia cực tím ở các thành phố Hải Phòng, Hà Nội đạt mức cao nhất là 7.9 đến 8.5, gây hại cao từ 12-14 giờ; thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ở mức cao nhất là 8.8 và gây hại cao từ 12-13 giờ.
Khu vực Trung Bộ, chỉ số tia cực tím tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cao nhất cả nước, đạt mức 9.8 vào lúc 12 giờ. Từ 11-13 giờ, chỉ số tia cực tím tại thành phố Hội An (Quảng Nam) là 9.4 và Đà Nẵng là 9.4. Tại Huế (Thừa Thiên -Huế), chỉ số tia cực tím đạt mức cao nhất là 9.2 và chỉ gây hại từ 10-12 giờ.
Khu vực Nam Bộ, tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ, thành phố Cà Mau (Cà Mau), chỉ số tia cực tím cao nhất ngày 21/5 đạt mức từ 7 đến 8.4, nguy cơ gây hại cao trong khoảng từ 10-13 giờ. Từ ngày 22-24/5 chỉ số tia cực tím giảm dần ở mức 6; 7.
Dự báo, chỉ số tia cực tím, cực đại tiềm năng trong 3 ngày tiếp theo, với các tỉnh, thành phố miền Bắc, phổ biến đều có nguy cơ gây hại cao. Riêng Hải Phòng ngày 22-24/5, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 24/5 có nguy cơ gây hại rất cao ở mức từ 9 đến 10.
Thời tiết có nắng, đặc biệt ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đang nắng nhiều và kéo dài nhiều giờ trong ngày. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên áp dụng các cách phòng tránh để cơ thể giảm mức thấp nhất ảnh hưởng từ tia cực tím.
Khi ra đường, người dân cần mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, đeo kính râm để bảo vệ mắt - lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh, sử dụng kem chống nắng đều đặn, ngay cả khi trời nhiều mây, đặc biệt chú ý hơn trong khung giờ bức xạ tia cực tím gây hại cao nhất.